Cuộc chiến đưa người chết vào quan tài của người H’Mông

Không chỉ đặt xác người chết cho đến thối rữa, người H’Mông ở huyện Mường Lát theo hủ tục còn quan niệm: Khi có người thân chết, gia đình có bao nhiêu anh em trai thì phải làm bấy nhiêu trâu bò để tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Nếu làm sai một khâu, một bước trong thủ tục tang ma đó thì người chết sẽ quay ngược trở lại với người sống và gây ra những hệ lụy ốm đau bệnh tật, thậm chí là cả gia đình, dòng họ sẽ chết theo.

Quan niệm ăn sâu vào tập quán của người H’Mông một lời nguyền tồn tại hàng trăm năm qua khiến đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây mãi chưa thoát ra khỏi bệnh tật, đói nghèo, lạc hậu.

Phải hít thở cạnh xác chết thối rữa

Anh Sung Văn Lâu, người bản địa, ở xã Nhi Sơn, kể khi còn nhỏ, đám tang đầu tiên diễn ra theo hủ tục mà anh chứng kiến đó chính là đám tang ông nội của anh, ông Sung Xáy Ly. Cảnh tượng rùng rợn còn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Khi đó gia đình anh để xác ông nội trong nhà năm ngày. Cứ thế, hằng đêm gia đình và khách viếng hành lễ khèn trống. Vào đêm cuối, khi mùi tử thi nặng nề, khách viếng không dám đến gần xác chết thì con cháu vẫn buộc phải ở lại trong nhà, dù ngôi nhà người H’Mông kín mít không cửa sổ, chỉ có hai cửa chính, cùng thầy khèn, thầy trống.

Còn ông Lâu Văn Chá (60 tuổi, xã Pù Nhi) cho biết đối với những người đến viếng đám tang, không được ai đeo khẩu trang hoặc dùng khăn để bịt mặt, bởi người H’Mông theo hủ tục cho rằng đó là hành động thiếu tôn trọng người đã khuất. Cho đến khi người chết đã được đem đi chôn cất thì phải cả chục ngày sau ngôi nhà đó mới bớt mùi tử khí. 

Người chết được đặt giữa nhà cho đến khi cái xác thối rữa. Ảnh: ĐT

Một đám tang theo hủ tục của người H’Mông, giết mổ nhiều trâu bò, rượu thịt làm khánh kiệt gia sản tang gia. Ảnh: ĐT

Trả nợ cả đời sau mỗi đám tang

Sau mỗi đám tang theo hủ tục người H’Mông là một gia đình khánh kiệt, đói nghèo. Từ số trâu bò phải giết đến thóc gạo, rượu thịt đem ra đãi họ hàng, không biết bao nhiêu cho đủ.

Ông Lâu Văn Chá cho biết người đòi giết trâu bò trong đám tang ở gia đình người chết có con trai là ông cậu ruột hoặc bà cô. Cách đòi đó là ông cậu bà cô đến, gia đình người mất sẽ có bữa cơm chào đặt vấn đề phải giết bao nhiêu con trâu bò. Quy định theo số lượng con trai, thông thường mỗi người con trai là một con bò hoặc một con trâu, đồng thời phải căn cứ vào của cải mà người chết để lại để quyết định giết mổ thêm. Đây là dịp thể hiện vai trò của ông cậu bà cô, đối với người mất thì hai người này có vai trò rất lớn trong đám tang.

Bà Lâu Thị Ly (60 tuổi, ở bản Chim, xã Nhi Sơn), một trong những “nạn nhân” của hủ tục tang ma của đồng bào H’Mông, kể: “Khi chồng tôi mất, nhà tôi có hơn 10 con bò. Rồi sau đó không lâu mẹ chồng mất thì ông cậu bà cô đến đòi giết hết số bò của gia đình, chỉ trừ lại một con làm của hồi môn cho con trai tôi. Sau đó không ít lâu khi mẹ chồng mất, tất cả của cải trong nhà tôi tan tát” - bà Ly rớt nước mắt cho hay.

Theo ông Lâu Minh Pó, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát, vào những năm 1995- 2000, cơn bão ma túy quét qua “cổng trời” biên giới đã để lại hậu quả nặng nề khi xuất hiện nhiều căn bệnh quái ác như giang mai, lậu, HIV, AIDS, bệnh ung thư. Thời điểm đó, đồng bào H’Mông mới bắt đầu đặt ra vấn đề vệ sinh môi trường cho gia đình, cho người sống... Cũng thời điểm đó, các thế hệ con em đồng bào H’Mông đi học có nhận thức tiến bộ ngày càng nhiều lên.

Những dòng họ lớn như là dòng họ Lâu, Thao, Hơ của đồng bào dân tộc H’Mông đã có những manh nha thay đổi, có những người có hiểu biết xã hội, làm cán bộ xã, huyện nhưng chỉ có thể vận động trong gia đình, dòng họ của mình mà không thể vận động các dòng họ khác thay đổi. Cũng theo ông Pó, ở đồng bào H’Mông, mỗi dòng họ đều có một tập tục tang ma, nghi lễ có phần hơi khác nhau, dòng họ này không thể quyết định thay đổi việc của dòng họ khác. Thậm chí là cùng một dòng họ nhưng nhánh khác thì cũng không thể tác động. Chính vì thế hủ tục tang ma cứ mãi tồn tại cho đến tận ngày nay.

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm