Có tính toán cuộc đời mới ý vị

Bộ phim Vĩnh cửu của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng vừa ra rạp trong tuần qua. Phim được chuyển thể từ truyện dài Nét duyên góa phụ của nhà văn Alice Ferney (Pháp).

Và ngay sau đó phim đã tạo hiệu ứng xôn xao trong khán giả, bởi hầu hết khán giả đều khen đây là bộ phim đẹp, đáng xem chứ không phải nói hay hoặc dở nhưng với riêng đạo diễn, đây là một sản phẩm anh hài lòng và là một hướng đi mới cho anh.

Phim dở tệ nếu giống hệt đời sống

. Phóng viên: Nhiều phim trước lẫn phim này tôi thấy anh là một người cực đoan trong nghệ thuật, theo kiểu phim của Trần Anh Hùng là phải như vậy thôi, khán giả có quyền thích hay không là của khán giả…

+ Đạo diễn Trần Anh Hùng: Không đâu, với phim tôi thì đó luôn là những món quà gửi đến k h á n g i ả . Người muốn thưởng thức thì tốt cho họ, nếu không biết thưởng thức thì cũng không sao. Món quà đó độ mặn ngọt chỉ như thế, nếu người thích mặn hơn hay ngọt hơn thì sẽ phải tự thêm “gia vị” khi coi, tùy họ.

. Một nửa đầu của Vĩnh cửu là lời kể, hầu như không có thoại, cảnh đẹp nhưng đó là vẻ đẹp của sự dụng công sắp đặt với bàn tay đạo diễn rất nhiều, như bàn tay phải đúng vậy, bình hoa phải đúng kia… Nó hoàn toàn mất vẻ đẹp tự nhiên…

+ Đối với tôi, trong nghệ thuật, tự nhiên là cái tệ nhất. Trong nghệ thuật, tất cả phải là tính toán. Tự nhiên là cái có trong đời sống, phim không phải là cái để nhái lại tự nhiên, đời sống. Phim là nơi tạo ra một ý vị, ý vị đó là sự tính toán cho cuộc đời ý nghĩa. Chứ đời sống bình thường là ra đời, sống, sống lúc vui lúc buồn, tới lúc chết đi thế thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Phim là cái đưa ý nghĩa cho mình về đời sống. Để có ý nghĩa thật sâu phải có sự tính toán, sắp đặt trong đó. Tôi hoàn toàn cố ý sắp đặt, tôi không bao giờ nhái đời sống hay làm cho nó tự nhiên, đó là cái tệ nhất.

Cảnh trong Vĩnh cửu được đạo diễn dụng công sắp đặt. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Một bản phim hoàn hảo

. Sau khi ra rạp anh có hài lòng với Vĩnh cửu, có bao giờ nghĩ phải chỉnh lại chút gì đó trong phim không, thưa anh?

+ Tôi hài lòng với Vĩnh cửu. Tôi đã có đủ thời gian để chỉnh lại rồi. Đây tất nhiên là bản hoàn hảo.

. Vĩnh cửu là bộ phim mới mẻ và hoàn toàn khác với phim anh làm trước đó, với anh bộ phim này đặc biệt như thế nào trong sự nghiệp của mình?

+ Ngôn ngữ của nó đặc biệt. Nếu mình chọn gạt bỏ cốt truyện, những cảnh, lời thoại, tâm lý, lịch sử, xã hội… gạt bỏ tất cả thì bộ phim còn lại gì? Đó là độ hiểm nguy rất lớn cho nghề nghiệp vì người ta sẽ không hiểu gì cả. Nhưng tôi cần gạt bỏ để đưa đến cho khán giả một cảm xúc đặc biệt khi chưa bao giờ họ được xem phim như thế. Đó là món quà quý, đó là cái khó nhất.

Tất cả trôi qua, chỉ còn lại tình yêu

. Khởi sự của truyện Nét duyên góa phụ có thể hiểu Thiên Chúa là đấng ban sự sống thông qua sự sinh nở của người phụ nữ nhưng khi nhân vật nữ Valentine trong truyện bị mất con, mất chồng thì cô cũng mất niềm tin và có khi chống lại Chúa. Đó là những nút thắt tạo cao trào cho truyện, vậy sao trong phim anh không chọn lối kể đó?

+ Nó cũng có vài ba chỗ vì phim rất là tinh tế, không nói rõ lên điều gì hay chi tiết gì cả. Trong phim mình có thể hiểu được ý này về Valentine. Đó là khi mà cô ta nói với cô con gái Margot khi biết Margot muốn đi tu rằng “ tình yêu của một người đàn ông ít phân tâm hơn tình yêu với Thiên Chúa” và một câu khác là “Margot là người hiến tình yêu, tuổi trẻ của mình cho Chúa nhưng Chúa đã không cho cô thời gian gặp lại mẹ”. Đó là những lời trách với đức tin. Nó chỉ nên chừng đó, không nên nhấn mạnh dẫu trong truyện bi kịch hơn. Tôi chọn như vậy bởi phim này tôi muốn nói rằng tất cả đều phải trôi qua với thời gian, chi tiết trôi qua, hai thế chiến cũng trôi qua, không có gì phải nói đến…

. Vậy Vĩnh cửu còn lại gì sau những trôi qua như thế?

+ Chỉ có tình yêu. Khi đàn ông và đàn bà gặp nhau, va chạm cơ thể có những đứa con ra đời, đó là sự đảm bảo cho vĩnh cửu. Đó là lý do tôi chuyển cách kể chuyện khác đi, đặt tựa khác đi.

. Tôi biết tác giả truyện cũng có quá trình xem phim này và mỗi lần xem phim cô ấy khóc. Ngoài khóc, cô ấy có chia sẻ gì khác với anh không?

+ Vấn đề giữa nghệ sĩ với nhau luôn có sự tự do sáng tác, khi cô ấy đồng ý cho tôi chuyển thể thì tôi phải có tự do để làm việc. Xúc cảm của cô ấy với bộ phim lớn đến độ trong tiểu thuyết tới cô ấy tiếp tục câu chuyện này. Lý do cô ấy không về Việt Nam trong lần ra mắt sách và phim này là do cô ấy đang phải sửa lại quyển tiểu thuyết đó, cũng là phần tiếp theo của Nét duyên góa phụ. Phần tiếp tôi được biết đó là chuyện về 10 người con của nhân vật Mathilde.

. Anh có muốn tiếp tục kể một câu chuyện nào đó theo cách kể biểu tượng như phim này?

+ Có, phong cách này tôi muốn, dĩ nhiên phải có câu chuyện nào đó phù hợp để khai thác theo lối kể này. Đây là cách làm phim rất thú vị, tôi sẽ phải để ý thêm trong đời sống còn có những câu chuyện nào để mình có thể làm bộ phim theo hướng đó.

. Xin cám ơn anh.

Làm phim không bao giờ bị áp lực doanh thu

Cách kể câu chuyện trong Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng hơi lạ so với ngôn ngữ điện ảnh thông thường lẫn khán giả Việt. Nó sẽ gây ra điều thích hoặc không và hậu quả là doanh thu. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi “anh có áp lực doanh thu khi làm phim?”, đạo diễn Trần Anh Hùng thẳng thắn: “Không bao giờ cả. Khi tôi làm phim sẽ không có ai tới nói với tôi phải thay đổi điều này nếu không sẽ mất 400 người xem. Tôi chỉ nghĩ mình phải làm thành phim hay. Khi người ta bỏ tiền vào đầu tư, quan trọng nhất khi phim xong họ hài lòng hay không, còn ăn khách hay không mình không biết được. Có phim rất dở vẫn ăn khách, có phim hay lại không ăn khách và ngược lại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm