"Có khán giả khóc khi xem phim hài của Đỗ Minh Tuấn"

- Cảm xúc của đạo diễn thế nào khi mỗi tác phẩm “gây cười” ra mắt?

- Tôi có hai phim hài Tôn Ngộ Không đến Việt Nam, Trâu Vàng như ý và hai chùm hài kịch Đời cười 3, Internet về làng ra mắt vào dịp Tết. TrừTrâu Vàng như ý là phim chiếu trên truyền hình, các tác phẩm kia đều bán vé cho khán giả vào xem trong rạp.

Đạo diễn Đõ Minh Tuấn.
Đạo diễn Đõ Minh Tuấn.

Những tác phẩm đó rất ăn khách, thậm chí thành hiện tượng trong thời gian đó. Ngoài niềm vui thấy khán giả xem đông, tôi có hứng thú là thường xuyên đến rạp để thưởng thức tiếng cười của khán giả, lúc qua rạp này, lúc sang rạp khác, có khi xem lại cả tác phẩm, có khi xem một hai đoạn.

Phim tâm lý xã hội thì tôi không thể xem lại liên miên như các phim hài, kịch hài. Có nghĩa là, với mỗi buổi chiếu hay buổi diễn các tác phẩm hài tôi đều có cảm xúc của buổi ra mắt. Tiếng cười của người xem làm mới lại tác phẩm của tôi.

- Khán giả, bạn bè và đồng nghiệp nhận xét thế nào về phim hài, kịch hài của ông?

- Phim tôi thường là hài tình huống, hài tính cách nên diễn viên diễn càng chân thực càng tốt. Có người nhận xét, phim hài của tôi có chỗ lúc xem không cười ngay, nhưng đêm về nhớ lại cứ “nhe răng”… một mình.

Số khác cho rằng phim của tôi nhiều chỗ cười ra… nước mắt, ví như phim Dịch cười. Họ nói, phim hài nhưng lại quá bi thảm. Cũng có người nhận xét, phim của tôi có ưu điểm là chỉ kể lại chuyện phim và các chi tiết cũng thấy buồn cười rồi.

Ở Paris năm 1989, tôi dùng truyện phim Dịch cười để dạy tiếng Việt cho một lớp học trong Nhà Việt Nam. Tại San Jose, Mỹ năm 2003, trong buổi tiệc sau khi chiếu Vua bãi rác, tôi lại kể chuyện ấy, người nghe thích thú ngỏ ý muốn mua phim chiếu cho bà con Việt Kiều ở Mỹ.

Cảnh trong phim Dịch cười.
Cảnh trong phim Dịch cười.

Trong LHP Locarno, tôi tiếp tục khoe Dịch cười với ông Giám đốc LHP Singapore, thấy thú vị quá nên ông chọn bằng được phim này tham gia LHP Singapore lần thứ 18 trong chương trình riêng giới thiệu đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cùng Vua bãi rác và Ký ức Điện Biên. Ông còn tài trợ cho Cục điện ảnh làm phụ đề cho phim Dịch cười.

- Khán giả Việt Nam có thói quen đến rạp vào những dịp lễ, tết và thường thích những phim có yếu tố gây cười, vì thế nhiều đạo diễn có vẻ chiều theo thị hiếu khán giả, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Chỉ con người mới cười, con vật biết khóc nhưng không biết cười. Vì thế, thích được cười là một nhu cầu văn hóa thường trực của nhân loại, chứ không chỉ là nhu cầu trong dịp lễ, tết. Tự nhu cầu đó không hề rẻ tiền. Thậm chí, nhiều khi phải có trí tuệ mới biết cười.

Thế nhưng, cười cái gì và cười thế nào là tiêu chí phân loại phân cấp khán giả. Khi đặt vấn đề các đạo diễn làm phim Tết có vẻ chiều theo thị hiếu khán giả nhà báo đã nhắm đến những tiếng cười rẻ tiền, hời hợt, những kiểu chọc cười dễ dãi thô tục.

- Theo đạo diễn, làm phim hài và phim nghệ thuật cái nào khó hơn?

- Tôi không tách bạch và đối lập hai loại phim, phim hài cũng là nghệ thuật và phim nghệ thuật cũng có thể đầy ắp tiếng cười. Như Dịch cười là một phim hài nghệ thuật, Vua bãi rác là một phim nghệ thuật nhưng có nhiều yếu tố hài hước.

Vua bãi rác.
Vua bãi rác.

Loại phim nào thành công cũng khó, nhưng làm người xem cười khó hơn làm người xem khóc. Sự thành công của phim hài dễ thấy hơn, vì đó là tiếng nổ bùng. Sự thành công của phim nghệ thuật khó thấy hơn, vì đó là tiếng nổ om, nổ ngầm bên trong tâm hồn khán giả.

- Các phim hài trước đây ông thường chọn diễn viên nghiệp dư nhưng trong bộ phim hài mới nhất ông chọn một loạt các danh hài của phía Nam?

- Tôi hay chọn diễn viên nghiệp dư đóng phim hài vì đã là hài tình huống thì ai diễn cũng có thể gây cười. Thế nhưng, với phim Tết tôi muốn tạo hưng phấn cho khán giả từ trước khi xem nên phải chọn những gương mặt khán giả yêu thích.

Hơn nữa, chọn họ phim sẽ quay nhanh, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Họ quen tấu hài nên thuộc thoại nhanh và diễn rất lưu loát. Đại Nghĩa nhuần nhuyễn và tinh tế, Cát Phượng khúc chiết và ấn tượng, Quốc Nam, Nguyễn Châu rất tự nhiên, chân thực sinh động, vì thế nhân vật rất có hồn.

Hầu như tôi khống chế lối diễn tấu hài của các diễn viên, chỉ đôi lúc khai thác ở mức độ lợi thế của cách diễn này trong một vài tình huống.

Cái lo nhất là lời thoại bị bai ra do các danh hài…lấy đà xa. Để nói một câu trong kịch bản, có vị lấy đà đến hai ba câu mới ứng tác thêm. Nếu không cảnh giác thì 6 tập sẽ bị pha loãng thành 10 tập như chơi! Tuy nhiên, nếu gò quá cũng nguy hiểm vì sẽ làm diễn viên thiếu hồn nhiên, cứ để họ thoải mái cũng nhặt được những câu thoại có duyên thăng hoa đột xuất.

Nói chung, tôi hài lòng với diễn xuất của họ, rất nhập vai, hài hước và chân thực.

Trâu vàng như ý.
Trâu vàng như ý.

- Ông thấy làm truyền hình khác với điện ảnh thế nào?

- Người làm phim truyền hình ở ta thường dễ dãi, người xem cũng ngày càng dễ dãi. Tôi thấy có phim làm rất ẩu, nhiều khi để diễn viên đứng yên hay ngồi yên một chỗ nói chuyện tầm phào với nhau cả mười phút đồng hồ mà vẫn được khen.

Khi làm phim dù điện ảnh hay truyền hình không bao giờ tôi để nhân vật ngồi họp như thế. Nếu bà bán thịt có ngồi nói chuyện với anh hàng rau thì cũng phải có người đến mua, bà ta phải vừa làm việc bán thịt vừa chuyện trò. Nếu không thì bà ta cũng phải có hành vi và tâm lý của bà bán thịt, ít nhất là đuổi ruồi, ngửi thịt và lo bị ôi, cũng có khi phải “hành quân” quanh mẹt thịt và đốt vía chẳng hạn.

Tìm nhiều chi tiết cho nhân vật diễn, dàn cảnh động, để nhân vật di chuyển tạo sự chân thực, phong phú về góc máy và bối cảnh. Thế nhưng, khi làm truyền hình tôi dàn cảnh động, đòi có quần chúng xen ngang, thì thường bị các đồng nghiệp cho là vẫn mang tư duy điện ảnh vào truyền hình. Họ bảo phim truyền hình là phải nói nhiều, chuyển động và cắt cảnh ít, như các phim sản xuất theo kỹ nghệ sít com hiện đại. Thực ra là họ muốn quay nhanh, tiết kiệm tiền, vì thế dễ biến phim truyền hình thành hoạt cảnh.

- Đạo diễn nói, trong năm Trâu vàng sẽ khởi động lại những dự án phim nhựa hợp tác với nước ngoài bị bỏ lửng cách đây 5 năm?

- Đó là các dự án phim Tôn Ngộ Không đại náo Hoa Kỳ và Bố của một ông Thánh. Hai dự án này được trình bày ở LHP Lorcarno năm 2004 trong chương trình Open Door và được một số nhà sản xuất Âu Mỹ quan tâm, thảo luận về tài chính, phương thức sản xuất.

Nhưng sau khi từ Hoa Kỳ về nước năm 2003, tôi bị cuốn vào các dự án làm phim lịch sử trong nước như Ký ức Điện Biên và Thái tổ Lý Công Uẩn nên các dự án này bị bỏ lửng, không kịp sửa chữa theo yêu cầu đối tác.

- Nếu không làm phim thì đạo diễn Đỗ Minh Tuấn sẽ làm gì?

- Vẽ, viết kịch, viết tiểu thuyết và sáng tác nhạc kịch hài. Ý tưởng viết nhạc kịch hài tôi đã bàn với các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài từ hai chục năm nay, nhưng bận quá vẫn chưa làm được.

- Xin cám ơn ông!

Theo Thu Huyền (Đất Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm