Cơ hội vàng cho người làm phim Việt

Trong tuần tới, hai sự kiện điện ảnh cùng diễn ra, đó là Liên hoan phim (LHP) Việt Nam (từ ngày 1 đến 5-12 tại TP.HCM) và Gặp gỡ mùa thu (GGMT) (từ ngày 30-11 đến 7-12 tại TP Đà Nẵng). Nếu LHP Việt Nam là sự kiện đã 19 mùa tổ chức của điện ảnh nhà nước thì GGMT chỉ mới bước vào mùa thứ ba do những nhà làm điện ảnh độc lập tổ chức. Tuy còn trẻ so với LHP Việt Nam nhưng GGMT đã là một sự kiện được các nhà làm phim trẻ lẫn những người lâu năm trong nghề chờ đợi.

Trao cơ hội cho người trẻ

GGMT tổ chức mùa đầu tiên năm 2013 và năm nay chương trình tiếp tục mùa thứ ba tại TP Đà Nẵng. Xuất phát vốn là những người trẻ, độc lập trong con đường làm phim, bộ ba hình thành nên GGMT là ba gương mặt vừa đủ độ chín trong nghề để có thể vừa làm nghề vừa thực hiện những dự án tạo kết nối với thế hệ làm phim trẻ kế tiếp. đó là đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Dung.

Không quá to tát vì một nền điện ảnh thế này thế kia, điều mà êkíp GGMT muốn làm giản đơn và cụ thể. “Thế hệ tôi, Phan Đăng Di và Mỹ Dung được va chạm quốc tế nhiều; chúng tôi dành những kinh nghiệm đó để hỗ trợ cho các bạn trẻ. Chúng tôi làm GGMT với mục đích đầu tiên là tìm kiếm tài năng điện ảnh trẻ trong nước, tiếp đó là hỗ trợ các tài năng trẻ này đến với các nền điện ảnh quốc tế” - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, Giám đốc chương trình GGMT, cho biết.

Hay như chia sẻ của đạo diễn Phan Đăng Di - Chủ tịch GGMT thì: “Khi có cơ hội nhìn điện ảnh Việt Nam cả từ bên trong lẫn bên ngoài, những người cùng chia sẻ tình yêu điện ảnh với chúng tôi giật mình nhận ra rằng nếu thiếu đi những cơ hội cho những người trẻ của chúng ta được làm việc, học hỏi, chia sẻ cơ hội, kinh nghiệm, được cạnh tranh cùng nhau và cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa của họ trên khắp thế giới thì lại có thêm một thế hệ nữa lạc lõng và nằm ngoài những cuộc đối thoại quan trọng của nhân loại về và qua điện ảnh. GGMT mới chập chững đi những bước đầu tiên nhưng chúng tôi nhất quyết theo đuổi mục tiêu trao cho các bạn trẻ của chúng tôi cơ hội đó”.

Các nhà làm phim trẻ tham gia Lớp học quay phim trong khuôn khổ GGMT lần thứ hai vào tháng 11-2014. Ảnh: Autumn Meeting

Từ Đà Nẵng đến Busan

Có lẽ từ mục đích rõ ràng như thế nên chương trình không chọn Hà Nội hay TP.HCM để tổ chức mà lại chọn Đà Nẵng - một TP miền Trung làm điểm hẹn cho các nhà làm phim. Và GGMT cũng không nhiều hoạt động rình rang mang tính nghi lễ hay hội hè mà chú trọng các hoạt động chuyên môn như: các lớp học quay phim, đạo diễn và năm nay có thêm lớp học sản xuất; chợ kịch bản phim; một hoặc hai diễn đàn điện ảnh mỗi mùa nói thẳng vào những vấn đề đang vướng của điện ảnh Việt và hệ thống năm giải thưởng (giải thưởng lớn GGMT, giải Lựa chọn của các nhà sản xuất; giải Bộ phim của tương lai, giải Lựa chọn của các ngôi sao giải Tay máy vàng).

Các lớp học tại GGMT không đơn giản chỉ học chơi chơi và ai đăng ký học đều được mà có sự tuyển chọn học viên kỹ càng. “Việc tuyển chọn học viên được chúng tôi thực hiện trước khi chương trình diễn ra khoảng nửa năm. Học viên là các bạn trẻ đã hoạt động điện ảnh với tác phẩm, kịch bản… Năm nay là năm đầu tiên các lớp học có học viên từ Đài Loan và Singapore. Tức các nhà làm phim Việt phải cạnh tranh với các nước để đăng ký học các khóa học này” - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói.

Thực tế, việc tuyển chọn học viên là cần thiết bởi người đứng lớp vốn là những người có tiếng trong lĩnh vực điện ảnh như đạo diễn Trần Anh Hùng từ Pháp, nhà quay phim Kim Hyung Koo (đạo diễn hình ảnh Quái vật sông Hàn, Ký ức của tên sát nhân…), đạo diễn Kim Tae Yong (đạo diễn phim Thu muộn); nhà sản xuất Won Dong Yeon (Sắc đẹp ngàn cân - bộ phim đạt đến 10 triệu người xem của Hàn Quốc)… Bên cạnh đó rất nhiều người có tên tuổi trong làng điện ảnh thế giới từng có mặt tại GGMT với tư cách khách mời tham gia các buổi tọa đàm: Ông Paolo Bertolin, giám tuyển phụ trách khu vực Đông Nam Á của LHP Venice (Ý); ông Benjamin Illos từ LHP Cannes (Pháp); nhà làm phim Joe Lawler (Anh)…

Và sau các khóa học, những dự án tốt nhất sẽ được một hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia điện ảnh hàng đầu lựa chọn để trao. Hệ thống giải thưởng của GGMT vừa mang tính khích lệ các nhà làm phim trẻ với thành quả cụ thể của họ vừa một lần nữa sàng lọc để chọn tác phẩm đem đến các kỳ LHP quốc tế. Như hai dự án giành giải dự án hay nhất của Góc phim nghệ thuậtThế giới phim giải trí tại Chợ kịch bản phimGGMT năm ngoái là Cha Cha (Đỗ Quốc Trung) và Thằng Ròm (Trần Dũng Thanh Huy) đã trở thành hai trong số 20 dự án được mời đến Hội chợ dự án phim châu Á (Asian Project Market) trong khuôn khổ LHP Busan 2015 tại Hàn Quốc vừa qua để tìm kiếm những cơ hội hợp tác sản xuất.

Có lẽ còn quá sớm để nói đến một Đà Nẵng mươi, mười lăm năm nữa sẽ như một Busan của Hàn Quốc nhờ vào LHP hằng năm. Nhưng những người yêu mến điện ảnh Việt có quyền hy vọng vào một thế hệ làm phim mới, văn minh, tử tế từ những sự kiện như GGMT; hay xa hơn là “Câu chuyện GGMT đang muốn phát triển thành một LHP quốc tế, khi nhìn từ kinh nghiệm của Stockholm (Thụy Điển) - một LHP với quy mô ở mức vừa phải thôi chúng ta đã có thể thấy mọi phô trương hình thức cuối cùng không phải là điều tạo nên một LHP hay” - đạo diễn Phan Đăng Di hy vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm