Có cần mặc vest khi đi nghe nhạc cổ điển?

Along 2 Worlds (2 thế giới) là một trong những buổi biểu diễn nhạc cổ điển do các bạn của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn tổ chức (SaigonClassical).
Một buổi hòa nhạc quy tụ các nghệ sĩ chơi cổ điển ở tầm thế giới, các nhạc cụ đắt tiền nhất như cỡ cây Viola của Vincenzo Panormo làm khoảng năm 1790... vậy mà không ai bắt người xem phải ăn mặc như quý ông và quý bà. 

Đặc biệt hơn nữa, thính giả không phải mua vé, chỉ cần đăng ký. Thính giả được khuyến khích đóng góp cho quỹ có thể tổ chức tiếp vào lần sau, khoảng 100 ngàn đồng/người. Với tổng số khán giả, với số tiền ấy, có thể nói, các nghệ sĩ đang chơi "vì đam mê", các lợi ích tài chính không có mặt trong các buổi biểu diễn thế này.

Tứ tấu 'Gypsy' của Brahm, bốn nghệ sĩ Việt, Pháp, Mỹ và Hàn Quốc. 

Đó chính là mục đích của SaigonClassical, phổ cập và giúp nhiều hơn các tầng lớp bình dân, đặc biệt là người trẻ và trẻ em tiếp cận được với nhạc cổ điển.
Đừng ngại khi không có kiến thức về nhạc cổ điển, những người hướng dẫn đã chuẩn bị sẵn các tài liệu giới thiệu cặn kẽ, trước mỗi tiết mục, sẽ có chuyên gia giải thích và định hướng về tác phẩm sắp được chơi. Chú giải dễ hiểu và cặn kẽ đến từng chương, với hành trang đó, một người chưa từng nghe nhạc cổ điển cũng có thể phiêu lưu trên từng bè âm thanh đang diễn ra. 

Hoa và "đam mê", các nghệ sĩ cũng ăn mặc giản dị hơn những buổi biểu diễn trang trọng khác.

Thật vui vì buổi biểu diễn hai tác phẩm, một phóng túng của Brahms, một kinh viện của Fauré hôm qua đã khiến nhiều người trẻ bần thần và vỗ tay không dứt, đã khiến một đứa trẻ hiếu động như con tôi dính trên ghế hai tiếng đồng hồ.

Những bạn trẻ với quần Jean và áo pull ấy đang cho thấy âm nhạc không dành riêng cho tầng lớp nào, nếu có thể nhảy được với EDM thì họ cũng có thể nhắm mắt để nghe những da diết Digan của Brahms chảy trong mình.
Cô cháu gái tôi, đã kinh ngạc khi thấy Violinist Chương Vũ, Cellist Nguyễn Tấn Anh, Pianist Sun-Young Ju (Hàn Quốc), Violist Vincent Fillatreau (Pháp), Violinist Martha Walvoord (Mỹ)... chơi. Lần đầu tiên cô bé hiểu nhạc cụ đã trở thành một phần cơ thể của người chơi là như thế nào. Bằng cách nào các bè âm thanh có thể khiến dòng cảm xúc bên trong ta có thể vừa cuồng chảy đó lại có thể lặng lại, im như sông chết. Buổi biểu diễn, chí ít cũng đã khiến một bạn rất trẻ, rất biết các trend, sẽ tiếp tục nghe cổ điển về sau.
Nếu có ý định nghe thử một buổi hòa nhạc cổ điển, nếu có ý định muốn thấy một buổi hòa nhạc cổ điển được tổ chức như thế nào mà không sợ phải tốn nhiều tiền hay có hành động thất thố, hãy đăng ký vào trang của SaigonClassical, tháng nào cũng sẽ có một buổi trình diễn như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.