Chưa kịp thổn thức đã buộc phải cười

Thị trường âm nhạc Việt gần đây trong tình trạng lưng chừng. Một liveshow nếu chỉ có hát thì khó có sức hút với khán giả từ đầu đến cuối. Hay một chương trình thi tài năng ca hát qua truyền hình nếu chỉ chờ lượt xem từ truyền hình cũng sẽ không còn “hot” như xưa… Chính vì vậy hiện nay các chương trình ca nhạc tại sân khấu, trên sóng truyền hình lẫn các cuộc thi đều thay áo mới.

Ca nhạc thành tạp kỹ

Trong tuần qua, đêm nhạc Vũ Thành An - Tình khúc không tên với giọng ca Lệ Quyên diễn ra tại Việt Nam. Đây được xem là liveshow dễ bán vé bởi cái tên Lệ Quyên cũng như lần đầu tiên nhạc Vũ Thành An được làm liveshow trong nước; thế nhưng trong tình hình hiện tại, nhà tổ chức liveshow này dù cắn răng đầu tư cho đêm nhạc lớn nhưng không bao giờ dám mạo hiểm tổ chức đêm nhạc này thành hai, ba đêm như nhiều năm trước. Chương trình chỉ diễn ra một đêm duy nhất, tiền bán vé chỉ vừa đủ bù chi phí cho đêm diễn, nhà tổ chức và các nghệ sĩ đúng tinh thần làm cho đã, cho đỡ nhớ nghề mà thôi.

Nhớ lại chỉ khoảng hai năm trước, sêri các chương trình âm nhạc như Không gian âm nhạc, In The Spotlight, Cầm tay mùa hè, Bốn mùa tình ca… đã mang đến không khí sôi động đầy hy vọng cho thị trường nhạc nhẹ. Đây là những chương trình bán vé, khán giả đến mua vé xem ca nhạc. Những chương trình này chỉ có âm nhạc, hoàn toàn vắng vóng các loại hình giải trí khác như diễn thời trang, tiểu phẩm hài, ảo thuật… để câu khách. Bây giờ những đêm nhạc như thế dường như rất hiếm hoi.

Các nghệ sĩ hiện giờ khi tổ chức liveshow luôn buộc lòng phải chào mời các món khuyến mãi như tiểu phẩm hài, dựng lại trích đoạn cải lương hay tuồng cổ, ca sĩ tham gia trong tiết mục thời trang… Những món khuyến mãi này góp phần quyết định việc móc túi tiền mua vé của khán giả. Trong các ca sĩ hiện nay thì ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly… là những cái tên khéo léo đưa các thể loại múa, kịch… vào chương trình của mình. Vì thế các liveshow của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay chuỗi liveshow Tự tình quê hương của ca sĩ Cẩm Ly đều là những chương trình cháy vé nhờ các tiết mục cộng thêm này.

Hài giúp cho chương trình về ẩm thực như Thiên đường ẩm thực có người xem cao nhưng đôi khi hài quá lê thê làm khán giả ngán ngẩm. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Không chỉ trên sân khấu biểu diễn mà các chương trình trên sóng truyền hình cũng dần chuyển sang thể loại tạp kỹ như trên. Như Sài Gòn đêm thứ 7(vừa phát sóng số đầu tiên vào ngày 15-8 trên VTV9) là một chương trình tái hiện không gian âm nhạc xưa với những ca khúc một thời hòa hợp với những tiết tấu âm nhạc hiện đại. Chương trình đã gần như làm trọn vẹn một chương trình ca nhạc hay, tuy nhiên chương trình đã lồng ghép thêm những tiểu phẩm kịch, những bộ thời trang… làm cho phần âm nhạc loãng đi.

Phát mệt với hài!

Các chương trình trên sóng truyền hình, yếu tố tạp kỹ cũng dần lấn lướt nội dung chính, như chương trình ẩm thực đang thu hút khán giả nhất trên sóng truyền hình hiện nay là Thiên đường ẩm thực. Phiên bản gốc chương trình này là The King of Food của đài truyền hình KBS World (Hàn Quốc). Ở phiên bản gốc đơn thuần là chương trình về kiến thức ẩm thực, giới thiệu các món ăn… thì phiên bản Việt Nam ngoài các yếu tố đó thì yếu tố tiên quyết giúp thu hút người xem là nhân vật Ông Hoàng Hạnh Phúc của diễn viên hài Trường Giang và các diễn viên, nghệ sĩ tham gia. Phần bình luận mang tính đấu khẩu giữa các nghệ sĩ chơi, những câu đá xéo vào… bụng đói của ông hoàng với người chơi làm cho chương trình lấy tiếng cười khán giả. Tuy nhiên, chính khi chú trọng yếu tố giải trí quá nhiều trong một chương trình về ẩm thực thì hiển nhiên phần thức ăn trong chương trình cũng nhạt bớt ít nhiều, nhiều tập chương trình phần gây cười gắng gượng và lê thê.

Hay chương trình Tôi là người chiến thắng - The Winner is, đây là sân chơi ca hát với giám khảo chính thay đổi mỗi đêm. Không ai ép giám khảo phải là người rành rẽ về âm nhạc nhưng chí ít cũng phải là người làm khán giả chú tâm. Thế nhưng trong nhiều đêm diễn vừa qua, khi ghế nóng thuộc về các diễn viên hài như Tấn Beo, Chí Tài… chương trình mất điểm thê thảm bởi các nghệ sĩ ráng cho hài, cho vui nhưng thành hời hợt, vô duyên.

Thực tế, nếu hiểu tạp kỹ là một chương trình gồm nhiều loại hình nghệ thuật thì rất đáng để thực hiện bởi với một bữa tiệc tạp kỹ, khán giả được dọn nhiều món ăn hơn, bữa tiệc như thế có thể phục vụ đa dạng khán giả hơn. Tuy nhiên, thường những chương trình giải trí tổng hợp, tạp kỹ của Việt Nam lại tương tự một món lẩu thập cẩm mà đôi khi sự pha trộn không khéo léo. Nhiều chương trình, một ca khúc trữ tình vừa kết thúc thì đập ngay vào mặt khán giả là một tiểu phẩm kịch hài. Người xem chưa định thần lại cảm xúc thì lại phải lao vào một kiểu cảm xúc khác, vì thế hầu hết chương trình bị gắn mác tạp kỹ thường làm người xem mệt hơn là thư thái giải trí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm