Chữ hiếu và môi trường văn hóa

Phải nói đây là một “đạo luật đáng buồn”, vì điều này chứng tỏ thực trạng đáng báo động của một xã hội mà con cái ngày càng thờ ơ, ít quan tâm hay bỏ mặc cha mẹ già trong cảnh neo đơn.

Việc xảy ra ở Trung Quốc, nhưng nhiều người Việt cũng giật mình, vì Việt Nam vốn có sự tương đồng với Trung Quốc về văn hóa và đường hướng phát triển kinh tế-xã hội. Qua hàng ngàn năm, tư tưởng Khổng - Mạnh đã ăn sâu vào tiềm thức của các dân tộc Á Đông, trong đó có người Việt Nam. Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín thì con người thời nào cũng cần có. Tư tưởng Khổng - Mạnh cũng đề cao trung và hiếu. Thời đại ngày nay ý nghĩa chữ “trung” phải được hiểu là trung với nước, với dân - tức yêu nước, thương nòi; và “hiếu” thì thời nào con cháu cũng phải hiếu để với ông bà, cha mẹ. Đó là điều căn bản nằm lòng từ thuở ấu thơ, khi lớn lên ai cũng phải nhớ. Tại sao xã hội Trung Quốc chỉ mới vừa phát triển đã vội rơi vào “bi kịch mất gốc” đến nỗi nhà nước phải ban hành luật về đạo hiếu? Xin thưa: Vì Trung quốc phát triển như vũ bão để bắt kịp và vượt qua nhiều nước bằng mọi giá. Và thật sự họ đang trả giá cho sự phát triển vượt bậc bằng ô nhiễm môi trường cùng sự tàn phá môi trường sinh thái lẫn môi trường văn hóa!

Chúng ta có thể nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc - những quốc gia phát triển và có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam: Trọng lễ nghi theo tư tưởng Khổng - Mạnh và tinh thần Phật giáo - để rút ra được những bài học quý giá. Bởi mặc dù được sống trong một xã hội phát triển cao nhưng người Nhật, người Hàn vẫn giữ được những tập tục tốt đẹp như hiếu đễ, lễ phép, tôn sư trọng đạo… Nền giáo dục tại các quốc gia này đóng vai trò chính trong việc bảo tồn những giá trị tinh thần. Còn nền giáo dục của ta hiện đang ở một giai đoạn đáng báo động, như lời than vãn của GS Hồ Ngọc Đại - một người gần cả cuộc đời nặng lòng với nền giáo dục nước nhà:“Thực trạng giáo dục sờ sờ trước mắt, nhìn thấy nhức mắt: Sao lại đến nỗi này? Rồi sẽ ra sao?” - Tạp chíSách và Đời sống, số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-2013.

Thật ra giáo dục về đạo hiếu hay bổn phận làm con cũng chẳng cao xa gì, bởi ngoài những sách dạy về đạo nghĩa trong gia đình, đạo lý trong xã hội hầu hết được soạn khá giản dị, dễ hiểu, còn có những truyện tích, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ khuyên răn, nhắc nhở mọi người phải kính yêu cha mẹ; nên thương yêu, giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn… mà có lẽ bất cứ ai cũng từng nghe, như“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Hoặc “Những phường bội bạc xưa nay/ Làm nên chung đỉnh có hay bao giờ”

Đó là những bài giảng dung dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, là những lời nhắc nhở thâm trầm về đạo làm con, để việc báo hiếu cha mẹ là hoàn toàn tự nguyện. Hy vọng Việt Nam sẽ không bao giờ phải ban hành luật về đạo hiếu.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm