Chết mê với nhạc phim Việt hay

Gần đây, phim điện ảnh Việt nở rộ các bản nhạc phim hay, được đầu tư kỹ lưỡng. Hầu hết chúng không chỉ góp phần vào thành công của bộ phim mà còn bay vượt ra khỏi phim, có một đời sống riêng.

Được khán giả lùng nghe điên đảo

Giữa năm ngoái, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra rạp và nổi đình nổi đám trong làng phim Việt. Khán giả không tiếc lời khen ngợi câu chuyện xúc động gắn với những khung cảnh đẹp như mơ. Cùng với đó, bản nhạc phim Thằng Cuội làm họ rưng rưng. Bài hát của cố nhạc sĩ Lê Thương ra đời từ gần 60 năm trước, nay được đạo diễn Victor Vũ khéo léo chọn ăn ý tuyệt vời cho bộ phim qua xử lý của nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm.

Theo vị nhạc sĩ này, anh được Victor Vũ “đặt hàng” hòa âm lại bản nhạc trên tinh thần càng giản dị, mộc mạc càng tốt. “Tôi đã nghĩ ngay đến việc chỉ đệm guitar để cho giọng hát được tôn lên. Làm ca khúc này không cần tay nghề giỏi mà cần cảm xúc” - nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm cho biết. Đặc biệt, chất giọng trong trẻo, có chút nũng nịu trẻ con của Ngọc Hiển, một giọng hát mới toanh, giúp ca khúc được khoác một lớp áo mới, nhẹ nhàng và vô cùng ấm áp. Nó khiến hàng trăm ngàn khán giả nghe qua đều thổn thức về thời thơ ấu đẹp đẽ, bình yên của mình.

Thằng Cuội sau đó đã trở thành ca khúc được tìm kiếm nhiều nhất và chiếm lĩnh vị trí đầu bảng xếp hạng trên Zing Mp3. Đến mức ca sĩ Phương Thanh cũng phải xuýt xoa: “Âm nhạc của phim quá xuất sắc”.

Miu Lê hát nhạc Trịnh Còn tuổi nào cho em trong phim Em là bà nội của anh làm thổn thức trái tim khán giả.

Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì Em là bà nội của anh được đánh giá là phim thành công nhất trong năm 2015, trước hết ở kỷ lục doanh thu. Lần đầu tiên có một bộ phim điện ảnh Việt cán mốc đến 102 tỉ đồng sau hai tháng công chiếu. Có thể khẳng định âm nhạc chính là phần đóng góp không nhỏ trong sự thành công của phim này. Bởi Em là bà nội của anh có đội ngũ làm nhạc hùng hậu, với bốn người. Nhạc sĩ Đức Trí hòa âm lại bốn ca khúc nhạc xưa trong phim là Ô mê ly, Còn tuổi nào cho em, 60 năm cuộc đờiDiễm xưa. Nguyễn Hải Phong sáng tác ca khúc chủ đề Mình yêu từ bao giờ. Hai người còn lại lo nhạc nền. Chưa kể đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm người giám sát âm nhạc cho phim, phát huy hết thế mạnh riêng của mỗi người.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: “Tôi may mắn có một dàn bao hùng hậu, ăn ý để làm nhạc của bộ phim này trở nên hấp dẫn và có nhiều cảm xúc”. Những bài hát từ nhạc xưa đến nhạc trẻ đều được anh và các nhạc sĩ lựa chọn kỹ lưỡng, đi vào lòng khán giả, nhất là qua tiếng hát của diễn viên chính Miu Lê. Miu Lê đã xử lý các bản nhạc Trịnh một cách thông minh, ngọt ngào và đầy cảm xúc. Cô được gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hết lời khen ngợi và các ca khúc này cũng liên tục được người hâm mộ săn lùng.

Các bản nhạc khác như Ngày em xa quê của nhạc sĩ Việt Anh viết cho phim Vòng eo 56, Tôi là ai trong em cũng của nhạc sĩ này viết cho phim Taxi, em tên gì? Hay mới đây nhất là ca khúc This my life do nhạc sĩ Dương Khắc Linh viết cho phim Truy sát cũng tạo nên hiệu ứng tích cực bất ngờ.

Kỳ vọng mới cho phim Việt

Một thời gian dài nhiều đạo diễn phim điện ảnh Việt coi nhạc phim chỉ là thứ minh họa chi tiết, sơ sài cho bộ phim. Một đạo diễn gạo cội từng tiếc nuối cái thời của các bản nhạc phim Bài ca không quên của Phạm Minh Tuấn viết cho phim cùng tên, Đời gọi tên em biết bao lần của Trịnh Công Sơn viết cho phim Tội lỗi cuối cùng, hay Bài ca trên núi của Nguyễn Văn Thương viết cho phim Vợ chồng A Phủ.

Giới làm phim đều biết câu ví von: “Nếu kịch bản là tấm vải thô thì hình ảnh và âm nhạc mới chính hoa văn, màu sắc bắt mắt cho tấm vải đó”. Không dám kỳ vọng nhạc phim Việt hiện nay trở về thời huy hoàng Đời gọi tên em biết bao lần nhưng đáng mừng là nhiều đạo diễn đang ý thức được sự lợi hại vô cùng của nhạc phim nên có sự chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng cho phần âm nhạc. Chẳng hạn, đạo diễn Dustin Nguyễn “chọn mặt gửi vàng” nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận viết ca khúc Anh từ đâu? cho bộ phim Bao giờ có yêu nhau, chiếu từ ngày 12-5. Hay cách đây gần cả năm, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã đặt hàng nhạc sĩ Đức Trí viết nhạc cho bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ ra rạp vào tháng 8 năm nay.

Nhạc phim hay không chỉ bộc lộ tài năng của nhạc sĩ sáng tác, hòa âm mà còn phản ánh cả trình độ nghệ thuật của đạo diễn. Và suy cho cùng, với một bản nhạc phim hay thì khán giả yêu nhạc và mê phim vẫn là người được lợi cả đôi đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm