Chảo Yến: Cô gái người Dao nỗ lực giành học bổng Đức

Chảo Thị Yến, cô gái người Dao ở bản nghèo Lào Cai đã từng có nguy cơ phải nghỉ học để lấy chồng. Tuy nhiên, bằng chính nỗ lực của mình, Yến đã rời non núi để đi học đại học và xa hơn nữa là có học bổng để du học ở nước ngoài.

Về nước, sau một hành trình dài ở nước bạn, Chảo Yến nhận ra câu chuyện của mình đã góp phần thay đổi nhiều quan điểm của người quê.

Chảo Yến và các bạn khi còn du học tại Đức. Ảnh: NVCC

Nhận học bổng hai năm bạc tỉ

Chảo Thị Yến, sinh năm 1990, sinh ra và lớn lên ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, một trong những xã nghèo nhất của huyện Bát Xát, Lào Cai.

Chảo Yến từng nhận được học bổng để theo học thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường ĐH Gottingen (CHLB Đức) trong vòng hai năm trị giá 47.000 euro (gần 1,2 tỉ đồng). Chảo Yến cũng là tác giả của cuốn sách Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus. 

Quyết rời bản để học lên cao

. Phóng viên: Đường ngược chiều cũng là tên cuốn sách của Chảo Yến. Phải chăng, ngược chiều là khi không an phận nghỉ học, lấy chồng, sinh con rồi quẩn quanh với núi đồi?

+ Chảo Yến: Em và bố em đã từng có những quan điểm ngược chiều như thế.

Ngày xưa mọi người ở quê em cũng thường nghĩ con gái học hết lớp 9, gia đình sẽ cho nghỉ ở nhà, một phần là vì kinh tế, một phần vì suy nghĩ con gái đi học xong cũng sẽ về nhà chồng vì thế người ta không muốn con gái đi học.

. Vậy cơ hội để chị “xuống dốc” và đi ngược chiều đó đến như thế nào?

+ Năm em học xong lớp 9, ở chỗ em có một số bạn may mắn được xuống ôn thi cấp 3 để thi vào lớp 10 của trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Lấy hết dũng khí, khi đang ăn cơm em bày tỏ ý định đi học với bố mẹ nhưng không hề được bố mẹ ủng hộ, em bỏ ra sau nhà ngồi khóc. Lúc thấy em về, mẹ em nói với bố: “Con thích học quá, mình cho nó đi học đi”. Bố em chần chừ một lúc rồi nói: “Bà cho đi, bà tự nuôi nó nhé”. Thế là mẹ cho em đi. Cả đêm em không ngủ được vì vui và hồi hộp.

. Không chỉ học đại học, chị cũng là người đầu tiên ở xã vùng cao này đi du học châu Âu, cơ duyên nào để chị có cơ hội đó?

+ Lúc trước em không biết du học thế nào, chỉ nghĩ đi học hết cấp 3 sẽ kiếm được việc làm tốt hơn. Thầy giáo em có lần còn bảo phải đi học mới thoát nghèo được, điều đó ăn sâu vào suy nghĩ của em. Học xong cấp 3, em đi học ĐH Lâm nghiệp, sau đó thầy cô cũng giới thiệu cho các chương trình học bổng nhưng vì một số vướng mắc về thủ tục em không đáp ứng được, đến lúc bạn em giới thiệu cho học bổng nước ngoài khác, em nộp hồ sơ và may mắn, đã trúng tuyển.

. Hành trình của chị đã được coi là một hành trình truyền cảm hứng cho rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ ở quê chị. Chị có nhận ra sự thay đổi cụ thể đó bằng nỗ lực của mình không?

+ Em thấy từ khi em được đi học xa và học cao như thế, bà con dân bản có nhiều người họ cũng vui cùng gia đình em, có một số người đã nhận ra rằng học không xấu như họ nghĩ. Giờ đây, em thấy ở quê em con trai, con gái đều được đi học, ai muốn tiếp tục đi học bố mẹ cũng cho đi, chỉ có điều các bạn có học được hay không mà thôi.

Chảo Yến. Ảnh: NVCC

Phụ nữ phải tự chủ và độc lập

. Quá trình học tập ở Đức, chị cảm nhận được gì về vai trò của người phụ nữ trong xã hội ở quốc gia này?

+ Em thấy ở nước bạn họ không đặc biệt dành quyền ưu ái cho phụ nữ trong công việc. Bất cứ công việc gì người ta cũng có sự phân công dựa theo năng lực. Còn vị thế của người phụ nữ cao hơn ở nước mình nhiều. Ở Việt Nam, những ngày lễ phụ nữ thường được tặng quà nhưng nơi em du học người được nhận quà không mặc định là phụ nữ.

. Còn phụ nữ ở nước ta, mà nhất là ở những vùng sâu, vùng xa theo chị nhận thấy có sự khác biệt gì với đàn ông không?

+ Em thấy rõ ràng có sự khác biệt, dĩ nhiên cũng tùy vào phong tục, tập quán của từng dân tộc. Có dân tộc theo chế độ mẫu hệ phụ nữ sẽ nắm quyền hết, tên con cũng được đặt theo họ của mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải chịu sự đàm tiếu nhiều hơn. Ví dụ như nếu phụ nữ ngoại tình thì thường sẽ bị bêu riếu nhưng nếu người đó là đàn ông, đôi khi họ chỉ xin được tha thứ và được bỏ qua.

. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, chị có lời khuyên nào cho các bạn nữ thời nay, nhất là những cô gái ở lứa tuổi của chị?

+ Em nghĩ rằng các bạn nữ hãy cố gắng học tập, không chỉ đi học kiến thức ở trường học mà có thể học ở các kênh thông tin nào đó, quan trọng nhất phải cố gắng học tập. Khi người phụ nữ có sự tự chủ và độc lập sẽ không phải phụ thuộc vào ai cả và vị thế của họ càng được nâng cao.

. Cám ơn Chảo Yến.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm