Cấp giấy phép vở diễn từng năm: bầu sô muốn xỉu!

Tháng 3/2016, Nghị định 15/2016 sửa đổi Nghị định 79/2012 được ban hành. Trong đó, khoản 6 điều 9 của NĐ 15 qui định "giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng".

Giật mình mỗi năm mỗi xin phép cho… vở cũ

Tháng 6-2016, nghệ sĩ Ái Như đi xin giấy phép công diễn vở Rau răm ở lại thì được cán bộ phụ trách chuyên môn Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM báo cho biết rằng vở diễn này chỉ được cấp phép biểu diễn một năm thôi, sau một năm muốn diễn nữa phải đi xin phép lại. Khác với nhiều năm qua, từ 1975 đến nay, mỗi vở diễn của một sân khấu, đoàn hát chỉ cần xin giấy phép một lần, diễn bao lâu là do tuổi thọ của vở chứ không cần xin phép lại.

Nơi này cũng yêu cầu nghệ sĩ Ái Như làm lại đơn xin cấp phép với dòng chữ ghi thêm đại ý “chỉ xin cấp phép cho vở diễn trong thời hạn một năm”. Nếu không có dòng chữ này thì coi như thủ tục xin cấp phép không hoàn thành. Lý do có sự thay đổi, Sở giải thích với nghệ sĩ Ái Như là làm theo Nghị định 15/2016/NĐ-CP.

Vở diễn mới nhất "Đàn ông ơi... anh là ai "của Kịch Hoàng Thái Thanh sẽ phải xin phép lại hằng năm theo Nghị định 15. Ảnh: HOÀ BÌNH

Do được lưu ý nên Ái Như biết có qui định mới. Còn lại hầu hết các sân khấu khác được hỏi như Kịch Phú Nhuận, IDECAF, Thế Giới Trẻ - Sài Gòn Phẳng, TKC… đều khẳng định không biết thông tin gì.

Thậm chí có một số ông bà bầu gần đây mới biết về việc này như Trịnh Kim Chi của Kịch TKC. Giám đốc Nguyễn An Thi của Kịch Thế Giới Trẻ - Sài Gòn Phẳng đến giờ này, khi được hỏi thì mới biết đã có sự thay đổi lớn như thế. Những ông bà bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDECAF, Hồng Vân của Kịch Phú Nhuận được biết việc này tương đương thời điểm của bà bầu Ái Như đều ôm một bầu tâm tư...  không biết nói cùng ai.

Điều mà các ông bà bầu tâm tư nhất là khi họ hỏi đều được trả lời rằng mỗi năm đi làm lại giấy phép cho từng vở diễn theo qui định mới thì phải đóng phí trên dưới 3 triệu đồng một vở như khi xin giấy phép, phúc khảo lần đầu.

"Sao không bước chân xuống sân khấu sau phúc khảo?"

Khi giới sân khấu liên thông được với nhau về việc này thì sự bức xúc như dâng cao. Nghệ sĩ Ái Như than thở: “Sân khấu muốn chết đến nơi, nếu qui định này chỉ để lấy thêm một số tiền cấp phép mỗi năm như vậy thì oan ức vô cùng. Có vở 3-4 tháng mới diễn một lần, có khi không diễn được phải xin trả vé. Một vở diễn diễn đi diễn lại qua năm có khi bán vé bao nhiêu lâu vẫn không hoàn vốn được, lỗ vẫn thêm lỗ. Để giữ cho một vở diễn mỗi đêm sáng đèn, chúng tôi phải cùng nhau vượt khó. Sân khấu khó khăn, cơ quan quản lý dường như không hiểu gì hết!”.

Bà bầu Hồng Vân đặt vấn đề: “Tại sao chúng tôi phải xin phép và đóng tiền hằng năm để mua lại cái giấy phép mà mình đã xin phép, đã đóng tiền rồi cho chỉ một vở diễn? Sân khấu đang quá khó khăn, chúng tôi đã nhiều lần xin nhà nước giúp đỡ, các lãnh đạo cơ quan quản lý hứa sẽ xem xét, vậy nhưng bây giờ thì thành ra như vầy sao?”.

Đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho biết, tuy là đơn vị nhà nước nhưng nhà hát của ông vẫn phải chịu chung qui định này. Ông nói đây là một qui định không hợp lý nên gặp phải sự phản ứng của giới sân khấu. Tuổi thọ một vở diễn kéo dài tùy thuộc vào độ ăn khách của nó do khán giả bỏ tiền mua vé chứ không thể phụ thuộc vào giấy phép.

Ông Huỳnh Anh Tuấn băn khoăn: “Tại sao những vở diễn trước 1-5-2016 thì không cần xin phép lại mỗi năm, còn những vở diễn sao đó thì phải xin phép lại hằng năm? Trách nhiệm hậu kiểm của giới quản lý đâu, nếu đưa lý do để quản lý chất lượng vở diễn sao không thường xuyên hậu kiểm, sân khấu nào diễn sai bản duyệt thì phạt, không thèm bước chân xuống sân khấu sau phúc khảo mà lại bắt các sân khấu đi xin phép lại để quản lý ?”.

Sở nói: Qui định gây khó khăn cho đơn vị nghệ thuật

Sau khi Nghị định 15/2016 được ban hành, NSƯT Hồng Vân và một số sân khấu đã làm kiến nghị gửi Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM nêu sự vô lý của qui định mỗi năm mỗi vở diễn phải xin cấp phép lại cùng một số khó khăn khác cần được giải quyết cấp bách của giới sân khấu. Tuy nhiên, Sở vgiải thích là trách nhiệm về nghị định 15 thuộc Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa –thể -thao –du lịch, Sở chỉ là đơn vị thừa hành. Các vấn đề của kiến nghị chỉ được hứa là ghi nhận để gửi lên trên.

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM nói: “Có một sự hiểu lầm khi giải thích và thực hiện nghị định 15/2016 với các sân khấu. Không có việc thu tiền cấp phép như ở lần đầu tiên cho mỗi vở diễn hằng năm. Các sân khấu chỉ việc làm hồ sơ xin cấp phép lại và chúng tôi hỗ trợ thủ tục nhanh chóng hết mình.

Riêng về qui định cấp phép lại mỗi năm cho mỗi vở diễn, cá nhân tôi thấy nó không phù hợp với thực tế sân khấu. Thực tế có những tác phẩm sân khấu có tuổi thọ 30 năm, thậm chí có thể còn lâu hơn thế nữa. Việc gia hạn giấy phép sau một năm là quy định gây thêm khó khăn cho các đơn vị nghệ thuật.

Trong những lần tham khảo ý kiến của Sở trước khi ban hành Nghị định 15/2016/NĐ-CP, Bộ Văn hóa – thể thao –du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn đều không đề cập đến vấn đề về thời hạn hiệu lực của giấy phép biểu diễn cho một vở diễn sân khấu. Chỉ đến khi nghị định được ban hành, chúng tôi mới biết có sự thay đổi này. Sở đã từng đề cập đến vấn đề này này và sẽ gửi kiến nghị, nêu rõ bất cập trên với Bộ và Cục. Tuy nhiên trong khi chờ đợi sự thay đổi  thì chúng ta vẫn phải thực hiện đúng các điều khoản của nghị định”.

Bao giờ sự vô lý được xóa bỏ? Pháp Luật TP.HCM chưa liên lạc được với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa –thể thao-du lịch, nhưng sẽ tiếp tục theo đuổi để có được câu trả lời.

Về phía các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, đây cũng là kinh nghiệm cần rút ra trong việc chủ động cập nhật các thông tin, qui định và dự thảo qui định thường được phổ biến trên trang web của Chính phủ, trang web của các bộ ngành, cục liên quan, sở quản lý ở địa phương và báo chí để tránh ngỡ ngàng vì qui định đã được ban hành nhưng không nắm rõ để kịp thời có ý kiến. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm