Cannes 2009 đại tiệc của dòng phim tác giả

Đường phố Cannes trong những ngày liên hoan phim
Đường phố Cannes trong những ngày liên hoan phim

Mở màn Liên hoan phim (LHP) Cannes 2009 (diễn ra từ 13 đến 24-5) là bộ phim hoạt hình Up của Hãng Pixar đến từ Hollywood, tiếp nối xu hướng dùng các siêu phẩm thương mại của Hollywood mở màn trong vài năm gần đây tại LHP danh giá này (LHP Cannes 2005 mở màn với Chiến tranh giữa các vì sao phần 3, LHP Cannes 2006 mở màn với Mật mã Da Vinci). Dù tôn vinh dòng phim tác giả, song những năm gần đây LHP Cannes luôn phải dựa hơi ánh hào quang của Hollywood để lôi kéo sự chú ý của giới truyền thông và công chúng thế giới.

Mùa giải năm nay, do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế, các hãng phim Hollywood không còn mặn mà đem phim đến Cannes trình chiếu, ngoại trừ Up được mời để tạo sự kiện “lần đầu tiên một phim hoạt hình 3D được mở màn” cho LHP này. Thiếu vắng các siêu phẩm thương mại cũng đồng nghĩa thảm đỏ của Cannes sẽ vắng mặt các tài tử giai nhân minh tinh màn bạc. Để bù đắp, những nhan sắc khắp thế giới được mời nắm vai trò “cầm cân nảy mực” quyết định Cành cọ vàng thuộc về bộ phim nào: Isabelle Huppert (Pháp), Asia Argento (Ý), Robin Wright Penn (Mỹ) và Thư Kỳ (Hong Kong).

Không chỉ là chuyện tài năng

Cảnh trong phim Inglourious basterds - phim của đạo diễn Quentin Tarantino tranh giải Cành cọ vàng
Cảnh trong phim Inglourious basterds - phim của đạo diễn Quentin Tarantino tranh giải Cành cọ vàng

Khi không còn các siêu phẩm Hollywood rình rang, một loạt phim tác giả của những đạo diễn tên tuổi và quen thuộc ở Cannes có mặt trong danh sách phim tranh giải Cành cọ vàng có cơ hội được để mắt đến nhiều hơn. “Những tác giả vĩ đại làm nên những bộ phim vĩ đại. Vì thế trong năm 2009 chuyện nhìn thấy tên của những đạo diễn như Quentin Tarantino, Lars von Trier, Pedro Almodovar, Jane Campion và Marco Bellocchio là chuyện bình thường. Trong suốt 60 năm qua, Cannes thường xuyên ưu ái Bergman, Fellini, Antonioni, Kurosawa... Truyền thống đó vẫn được tôn trọng” - Thierry Fremaux, giám đốc nghệ thuật của LHP Cannes, cho biết.

Điều đó khá rõ ràng. Đề mục tranh giải Cành cọ vàng của Cannes không phải là sân chơi cho những khám phá tài năng mới. Đã trở thành truyền thống, những đạo diễn lừng danh từng đến Cannes luôn được ưu ái, ngay cả khi phim của họ chưa hoàn thành.

Trong số 20 nhà làm phim năm nay, chỉ duy nhất một mình Isabel Coixet (tác giả phim Bản đồ âm thanh Tokyo) chưa từng xuất hiện tại Cannes trước đây. Bốn trong số họ - Quentin Tarantino, Lars von Trier, Jane Campion và Ken Loach - đang mong chờ đoạt giải Cành cọ vàng lần thứ hai, trong khi những tên tuổi còn lại - Pedro Almodovar, Michael Haneke và Bellocchio - mong chờ chạm đến giải thưởng này lần đầu tiên sau nhiều lần có mặt ở Cannes (vì lẽ đó, để có một phim Việt Nam tranh giải Cành cọ vàng có lẽ là một giấc mơ xa vời bởi có mặt ở Cannes không chỉ đơn giản ở vấn đề tài năng).

Hứa hẹn nhiều tranh cãi

Panô quảng cáo phim Transformers 2 tại Cannes 2009
Panô quảng cáo phim Transformers 2 tại Cannes 2009

Điểm thú vị nhất tại Cannes không chỉ ở tên tuổi của những đạo diễn hay bản thân bộ phim mà còn ở sự bất ngờ của bộ phim sẽ đem đến cho khán giả, bởi đây chính là lần đầu tiên bộ phim công chiếu. Không ít phim được lựa chọn trước cả khi hội đồng tuyển chọn xem bản phim trọn vẹn.

Những câu chuyện về phản ứng bất ngờ của khán giả với các phim chiếu tại Cannes vẫn còn râm ran. Irreversible của đạo diễn Pháp Gaspar Noé khiến khán giả nôn mửa và hơn 200 người bỏ ra khỏi rạp giữa chừng tại Cannes 2002. Tại Cannes 2003, khán giả bỏ về giữa chừng trong khi xem Brown bunny của Vincent Gallo, những người ở lại huýt sáo phản đối khiến nữ diễn viên chính Chloe.. Sevigny bật khóc, còn đạo diễn kiêm biên kịch, kiêm nhà sản xuất, kiêm diễn viên chính Vincent Gallo phải đứng ra xin lỗi...

Năm nay, trong danh sách tranh tài có khá nhiều tựa phim tiềm tàng những cuộc tranh luận sau khi công chiếu. Gaspar Noé trở lại cùng bộ phim Enter the world với hình ảnh mang đậm không khí những cơn ác mộng về câu chuyện linh hồn một người anh trai không muốn giã từ cõi trần để bảo bọc em gái. Bộ phim Antichrist của Lars von Trier gây kinh dị với những cảnh bạo lực và tình dục táo bạo của cặp diễn viên Charlotte Gainsbourg và Willem Dafoe trong vai vợ chồng, sau cái chết của đứa con đã tự nhốt họ vào một cabin trong rừng rậm và đối mặt với những ảo giác đáng sợ.

Đại diện của Trung Hoa Lưu Diệp đem đến bộ phim Spring fever với câu chuyện tình tay ba rất nhạy cảm. Trước khi đến Cannes, thông tin về bộ phim hoàn toàn được giữ kín, phim cũng được quay trong vòng bí mật bởi trước đây Lưu Diệp từng đến Cannes bằng hai bộ phim khiến chính quyền Trung Quốc “tá hỏa”.

Phim hoạt hình Up của Hãng Pixar
Phim hoạt hình Up của Hãng Pixar

Cannes 2009 cũng hứa hẹn khiến thần kinh lẫn lục phủ ngũ tạng người xem phải đảo lộn khi trình chiếu những bộ phim được xem là thấm đẫm bạo lực nhất trong vài năm trở lại đây: The white ribbon (Dải ruy băng trắng) của đạo diễn Đức Michael Haneke về những đứa trẻ của chủ nghĩa phát xít thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, Vengeance (Báo thù) của đạo diễn Hong Kong Đỗ Kỳ Phong xoay quanh người đầu bếp Pháp đến Hong Kong để báo thù cho con gái của mình bị sát hại, Inglourious basterds (Lũ chó khốn nạn) của đạo diễn Quentin Tarantino kể về cuộc báo thù bọn phát xít Đức của một cô gái Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai với phong cách phim bạo lực đẫm máu trào phúng quen thuộc của ông.

Bên cạnh đó, chương trình Director’s Forthnight giới thiệu 21 phim mới không tranh giải của các đạo diễn đã thành danh lẫn mới vào nghề như Tetro của Francis Ford Coppola (phim mở màn cho chương trình này), I love you Philip Morris của hai đạo diễn Mỹ Glenn Ficarra và John Requa, Like you know it all của đạo diễn Hàn Quốc Hong San Soo, Ne change rien của đạo diễn Bồ Đào Nha Pedro Costa...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang lao đao, một số hãng phim độc lập của Mỹ đã không trụ nổi buộc phải đóng cửa vào cuối năm ngoái, Hollywood ngày càng bành trướng các phim làm theo công thức để đảm bảo lợi nhuận, LHP Cannes 2009 thật sự là một đại tiệc điện ảnh dành cho những ai yêu thích các phim tác giả.

Bên cạnh những tác phẩm tranh tài của các đạo diễn quen mặt, Cannes còn có đề mục Một cái nhìn khác giới thiệu dòng phim tác giả có những tìm tòi mới lạ trong cách thể hiện nhưng ít được công chúng số đông để mắt đến. Trong vài năm trở lại đây, Một cái nhìn khác giới thiệu đến công chúng những bộ phim độc đáo có giá trị không thua kém những phim tranh giải Cành cọ vàng, tiêu biểu là Hunger của Steve McQueen và Tokyo sonata của Kiyoshi Kurosawa hồi năm ngoái. Năm nay, Một cái nhìn khác giới thiệu một loạt phim tác giả đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Pháp, Nga, Colombia, Hi Lạp, Israel...

Có thể nói không ít quyết định chọn phim trong cả đề mục tranh giải Cành cọ vàng lẫn Một cái nhìn khác của hội đồng tuyển trạch LHP Cannes mang tính chất mạo hiểm, nhưng đã góp phần đem đến cho công chúng thế giới một chân dung điện ảnh hiện đại táo bạo không khoan nhượng, những khám phá trải nghiệm mới mẻ mà có lẽ ở các nền công nghiệp điện ảnh mang mô hình Hollywood khó có thể làm được.

PHAN XI NÊ TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm