‘Cánh diều cõng tôi bay khắp thế giới’

Ông Nguyễn Thanh Vân (ngụ phường Cầu Kho, quận 1) là một trong những nghệ nhân vừa được Hội đồng cấp nhà nước đề nghị Thủ tướng xem xét, công nhận xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là lần đầu tiên Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý này cho những nghệ nhân đang giữ gìn, phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống.

Tuổi thơ gối đầu lên những cánh diều

Tuổi thơ của ông Vân là một xóm nhỏ ở quận 8, lúc đó còn thưa thớt và bình yên như nhiều vùng quê khác. Không biết từ khi nào cậu bé Vân rất mê chơi diều. Mẹ không cho đi phơi nắng sợ con bị ốm, Vân vẫn lén trốn đi. Mỗi khi mẹ cho tiền để mua cà rem, đồ ăn sáng, Vân lại giấu đi mua giấy, mua chỉ để làm diều. Sợ mẹ biết, Vân giấu diều trong cặp, mang về nhà đem giấu ngay dưới chiếu, bỏ gối lên “ngụy trang”.

Vì trong xóm có một hội chơi diều nên Vân có cơ hội học hỏi kỹ thuật làm diều từ các anh lớn hơn trong xóm. Thuở đó, Vân và các bạn hay thách nhau thả diều nào bay cao nhất. Diều phải làm đúng kỹ thuật mới có thể bay êm, không chao và bay cao mãi. Ban đầu diều của Vân chưa bay cao được, Vân mày mò mãi cho đến khi con diều bay hết chiều dài của cuộn dây dài 1.000 m vẫn êm ru. Lúc này, cuộc thi trở nên kịch tính hơn vì những tay chơi diều xóm bên điều khiển diều của mình để “câu” diều của Vân kéo về. Trò này gọi là đá diều hoặc chọi diều. Vân quyết tâm phục thù, bị mất diều nhiều lần rồi cũng biết cách câu diều của đối phương. Khi cầm được con diều của đối thủ trong tay, bạn chơi diều vỗ tay không dứt. Đêm nằm còn chiêm bao thấy những cánh diều bay lồng lộng giữa trời.

Mỗi ngày Vân lại trau chuốt con diều của mình đẹp hơn, lạ hơn, có nhiều kiểu dáng hơn. Mới đầu là diều đuôi nheo, sau tới diều con bướm, diều con chim, diều mặt trăng… theo độ khó tăng dần. Sau cùng, không còn mẫu diều nào làm khó Vân được nữa, bởi Vân làm chủ được kỹ thuật làm diều: Tạo được sự cân bằng vững chãi giữa những cánh đón gió, diều sẽ bay lên.

 
Ông Vân (giữa) cùng những thành viên CLB Phượng Hoàng đang thả diều nghệ thuật (ảnh nhỏ).

Cánh diều Việt bay đến khắp muôn nơi

Tuổi thanh niên, ông Vân đi làm tại khách sạn Phượng Hoàng. Ngày được nghỉ làm, ông lại ra đồng diều. Ông nhìn thấy niềm vui lấp lánh trong mắt những đứa trẻ nên đã làm tặng nhiều con diều nhỏ cho chúng. Nhiều lần vợ ông cũng rầy rà khi thấy ông mê diều quá, còn phải dành hẳn một căn phòng chỉ để cất diều.

Ông tập hợp các bạn cùng sở thích tụ thành một hội chuyên làm diều nghệ thuật. Sau đó, Trung tâm Văn hóa quận 8 mời thành lập CLB diều nghệ thuật, Vân làm chủ nhiệm, đặt tên CLB là Phượng Hoàng. Những con diều nghệ thuật sải cánh hàng chục, hàng trăm mét đã đưa CLB Phượng Hoàng nổi tiếng khắp các festival lớn nhỏ trong nước.

Ông Vân đã kỳ công tạo ra con diều rồng độc đáo dài 100 m và được ghi tên vào Sách kỷ lục Việt Nam 2006. Sau đó, ông tạo ra những con diều liên hoàn hình ngôi sao, hình con mực… dài cả ngàn mét. Những con diều của ông luôn đảm bảo các tiêu chí đẹp, độc đáo, mang bản sắc Việt.

Rồi bạn bè quốc tế biết đến, ông Vân cùng bạn chơi diều trong CLB đã nhiều lần được mời tham gia các liên hoan, festival diều quốc tế tại Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc... Diều sáo của ông Vân đã đạt giải II Diều truyền thống tại Trung Quốc năm 2009. Năm 2010, diều của ông đạt giải Diều đẹp nhất ở festival diều nghệ thuật tổ chức tại Ấn Độ. Năm 2014, diều đèn của ông giành giải nhất festival tại Malaysia. Ông không nén được niềm xúc động khi nhìn con diều mang hình lá cờ tổ quốc cất cánh bay bổng lên cao.

Ở tuổi nghỉ hưu, ông với người bạn đời của mình vẫn đến đồng diều thả diều vào những ngày trời êm gió. Ông cho biết ngày nào cũng được sống với diều, ông thấy lòng mình hồn nhiên, hạnh phúc và luôn tràn đầy cảm hứng để sáng tạo. Niềm đam mê đó ông truyền lại cho những người làm diều trẻ tuổi - những nghệ nhân tương lai của nghệ thuật diều truyền thống.

Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM:

Giữ dòng chảy nghệ thuật truyền thống

TP.HCM có 16 nghệ nhân vừa được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần đầu tiên. Trong đó có sáu nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian-âm nhạc tài tử Nam Bộ. Khác với loại hình âm nhạc đương đại, các nghệ nhân âm nhạc tài tử đóng góp âm thầm chắt chiu, dìu dắt, truyền dạy với tâm nguyện góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian, độc đáo của vùng đất Nam Bộ.

Trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống của TP nói riêng, các nghệ nhân là những chiến sĩ văn hóa thực thụ. Họ đã dành hết tâm huyết, ngón nghề, sức lực và cả sức của cho nghệ thuật truyền thống dù chưa nhận được bất cứ ưu đãi vật chất nào của Nhà nước hoặc cộng đồng.

Thời gian qua, TP đã tập trung tìm chọn những tài năng xuất thân trong các gia đình có nhiều thế hệ làm nghệ thuật để được đào tạo, phát triển kỹ năng nghệ thuật. Tuy vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian, truyền thống còn gặp nhiều thử thách do không hợp thị hiếu với một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ. Chúng tôi phải tìm cách đi đường vòng là đưa các chương trình nghệ thuật truyền thống vào giới thiệu ở các trường tiểu học, trung học, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. TP.HCM là một TP trẻ năng động nhưng luôn giữ gìn, phát huy các mạch chảy của nghệ thuật truyền thống. Đó chính là giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân TP.HCM.

______________________________________

Tôi được nhiều trường học quốc tế trên địa bàn TP.HCM mời đến dạy các em nhỏ làm diều trong giờ học ngoại khóa. Các em rất phấn khích, say mê làm diều. Nhưng không gian TP chật hẹp quá, không đủ an toàn cho các cháu chơi. Diều đẹp trước hết phải là diều bay an toàn. Giá như TP quy hoạch được khu vui chơi đủ rộng cho các em chơi diều thì quá tốt. Ở Malaysia, giữa TP cũng có những đồi diều rất rộng để người dân đến chơi.

Hôm nghe tin bé trai năm tuổi bị diều cuốn lên cao 20 m rơi xuống đất tử vong hồi tháng 3 tại Hóc Môn, tôi bàng hoàng vì nơi đây chỉ nên dành cho trẻ con thả diều vui chơi, không đủ sức chứa cho con diều khổng lồ bay an toàn như thế. Hai lần trước đó, khi được mời về đây hướng dẫn cách chơi diều, tôi đã đề nghị địa phương cần lập hàng rào bảo vệ, những người đến thưởng thức phải ở khoảng cách an toàn khoảng 50 m trở lên.

Nghệ nhân NGUYỄN THANH VÂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.