Cải lương tiền tỉ: Cuộc thử nghiệm bất thành!

Mùa cải lương Tết 2010 này, ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đã gửi công văn xin lỗi tập thể các nghệ sĩ vì không thể dựng vở cải lương tiền tỉ Hoàng đế Quang Trung, dù trước đó nhà hát đã triệu tập các nghệ sĩ họp để chuẩn bị khởi dựng nhiều lần.

Dựng tốn kém để cất vô kho!

Tết năm 2007, vở cải lương tiền tỉ đầu tiên Kim Vân Kiều tốn đến 1,8 tỉ đồng, con số kỷ lục về mức đầu tư cho một chương trình biểu diễn vào thời điểm đó. Đạo diễn tuyên bố sẽ tạo nên những hiệu ứng, hình ảnh sân khấu chưa từng có trước nay. Song, những hiệu ứng Kim Vân Kiều mang lại chỉ ở hình thức, có tiền là làm được. Phục trang tốn tới mấy trăm triệu đồng. Mấy trăm diễn viên từ cải lương, hát bội, kịch nói, xiếc, múa, tấu hài, ca nhạc, cascadeur… cùng một dàn nhạc giao hưởng thính phòng và dàn hợp xướng được huy động lên sân khấu. Lần đầu tiên cải lương diễn ở sân vận động rộng mênh mông.

Tuy nhiên, có dư luận từ khán giả, giới chuyên môn phản ứng Kim Vân Kiều ở các điểm: Phục trang khi Việt khi Tàu. Cảnh trí hoành tráng nhưng duy nhất một cảnh chết vừa nhàm chán vừa không hợp lý (cảnh nhà Thúy Kiều cũng là cảnh nhà Hoạn Thư). Tám nàng Kiều, tám chàng Kim khiến khán giả ngơ ngác. Âm nhạc cải lương cũng chỏi với các loại hình âm nhạc khác.

Cải lương tiền tỉ: Cuộc thử nghiệm bất thành! ảnh 1

Live show của nghệ sĩ Thanh Sang với số tiền đầu tư chưa quá 200 triệu đồng nhưng "cháy vé" và được yêu cầu tái diễn. Thành Cổ Loa trong Chiếc áo thiên ngabị phê là đẹp nhưng không đúng lịch sử. Ảnh: HÒA BÌNH

Dư luận phản ánh dựng cải lương tiền tỉ là lãng phí, không mang lại hiệu quả mà còn gây tranh cãi phá nghệ thuật cải lương. Giá vé quá cao, đến hơn 1 triệu đồng/vé, vở chỉ diễn được 2-3 đêm rồi bỏ. Theo ông Quốc Hùng, Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga nhà hát đều thu hồi vốn, có lời nhờ nguồn tài trợ và bán vé. Tuy nhiên, với Hoàng đế Quang Trung nhà hát đã không có kinh phí để làm.

Ở Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, vở cải lương tốn hơn 1 tỉ đồng Trở về miền nhớ của đoàn Đồng Tháp cũng bị phê là lãng phí. Vở dựng bục bệ hoành tráng, quy tụ hơn 100 diễn viên nhưng sau hội diễn chỉ có thể cất vô kho chứ khó thể đưa ra phục vụ công chúng. Thực tế kinh phí mỗi đêm diễn của đoàn rất thấp, không đủ tiền thuê diễn viên; điểm diễn cũng chỉ là những sân khấu tạm bợ ở vùng quê, không thể dựng bục bệ hoành tráng.

Mới nhưng đừng mất bản sắc

Cải lương luôn và đang rất cần những yếu tố làm mới và cần sự đầu tư lớn, hoành tráng để tạo sức hấp dẫn. Song việc làm mới vẫn phải đảm bảo không làm mất bản sắc của cải lương như lời Giáo sư Trần Văn Khê, nghệ sĩ Thanh Sang từng nhấn mạnh. Ông Quốc Hùng cũng rút kinh nghiệm: “Nếu đủ sức làm cải lương tiền tỉ nữa, chúng tôi sẽ chỉ diễn ở Nhà hát Hòa Bình cho công chúng thưởng thức được nghệ thuật ca diễn đặc trưng của loại hình này và chỉ làm cải lương không thôi chứ không pha ca nhạc nữa”.

Vở Kim Vân Kiều đầu tư khoảng 1,8 tỉ đồng, bán vé hòa vốn.

Vở Chiếc áo thiên nga  đầu tư hết khoảng 3,8 tỉ, vé bán được khoảng 1 tỉ.

Kinh phí đầu tư, giá vé hợp lý cũng là bài toán sống còn cho cải lương. Live show của nghệ sĩ Thanh Sang với số tiền đầu tư chưa quá 200 triệu đồng nhưng đậm đà chất cải lương ở sự ca diễn tinh tế, tuồng tích hay từng "cháy vé", được yêu cầu tái diễn.

Tết 2008, Nhà hát Trần Hữu Trang dựng vở Chiếc áo thiên nga với kinh phí lên đến 3,8 tỉ đồng. Những khuyết điểm cũ chỉ giảm đi chứ không được loại bỏ, một lần nữa cải lương tiền tỉ gặp sự chỉ trích của công luận. Năm 2009, vở Lan và Điệp của ca sĩ Minh Thuận đưa ca sĩ tân nhạc hát cải lương, giá vé cao đến 1 triệu đồng. Vở có ưu điểm là giữ nguyên chất cải lương và chọn đúng vài ca sĩ hát được cải lương nhưng vắng khán giả, phải dựng lại, bán vé giá bình dân để… gỡ vốn.

Hình thức đình đám, dễ mất bản sắc

Cải lương phải đi vào sự tinh tế, dù hình thức thế nào thì cũng phải đi vào câu chuyện, câu hát… bởi hát vẫn là quan trọng nhất. Hình thức mà đình đám quá dễ làm cho cách hát “lọt thỏm” vào trong, mất bản sắc. Tôi cho rằng cải lương vẫn là nghệ thuật của thính phòng chứ không phải là của sân khấu ngoài trời. Một trong những lý do làm cho cải lương chết là khi đưa nó ra ngoài trời, nếu làm hoành tráng quá thì thiếu phần hồn và bị lỗ, mà làm đơn điệu quá thì lại thiếu phần xác, thành ra tạm bợ, èo uột. Khi đời sống phát triển, sự chỉn chu, tinh tế luôn được đề cao, vậy mà cải lương của các sân khấu ngoài trời lại làm cho khán giả có suy nghĩ rằng nó quá lèo tèo, quá nghiệp dư. Tôi ít khi dùng khái niệm hoành tráng mà thích dùng khái niệm mỹ lệ hoặc tráng lệ. Bao giờ chúng ta mới lại có một vở cải lương mỹ lệ và tráng lệ là một câu hỏi nên được trả lời bài bản và ngay từ bây giờ.

Tôi cho rằng đột nhiên bỏ ra một số tiền lớn để dựng vở, hay đột nhiên rót tiền về cho các đoàn là việc làm sai, mà vấn đề là số tiền lớn ấy phải chia ra cho hằng quý, hằng năm. Chúng ta phải nghĩ xa hơn chuyện thành tích một vở diễn, một hội diễn để hướng về tương lai xem 10 năm hay 20 năm nữa cải lương sẽ như thế nào. Qua mỗi thế hệ, chúng ta đang thiếu trầm trọng nhân lực giỏi cho giáo dục, sáng tác, lý luận, quản lý và đặc biệt là đội ngũ làm nghề, thiếu các nghệ sĩ hát hay; chúng ta cũng thiếu sự quan tâm vào việc tìm kiếm lượng khán giả mới mà chỉ cố chiều lòng khán giả già, và người hâm mộ. Nếu không làm những việc này thì dù có chục tỉ, trăm tỉ… cho mỗi vở cũng khó mà cứu được cải lương.

(Đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu)

Nhà nước phải bảo trợ

Nói một cách nghiêm túc và có phần… nghiêm khắc, trong khoảng vài năm nay, cải lương có chịu khó đổi mới nhưng chưa đạt được tầm cách tân (đúng với nội hàm của từ này). Trong “đổi mới” thì cũng chỉ đạt được tiêu chí “lạ” nhưng chưa phải là “mới”… Không có một giải pháp duy nhất và đơn nhất mà là một chiến lược từ đào tạo - tổ chức - xây dựng phát triển, từ đội ngũ làm nghề đến sự trợ lực của toàn xã hội và cả những quy hoạch theo từng lộ trình thời gian; bên cạnh đó và là cơ bản nhất, nhà nước phải đứng trong vai trò bảo trợ. Nếu không thực hiện được những điều này thì đừng nói chi đến chuyện cách tân, mà ngay cả một đêm nghệ thuật cải lương trữ tình, sang trọng đúng nghĩa mà bao lâu rồi chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được, vẫn chỉ là một câu hỏi không lời đáp!

(NSƯT Bạch Tuyết)

Giữ cho được chất trữ tình cải lương

Để làm mới cải lương phải dựa vào ba yếu tố chính. Thứ nhất, vẫn phải giữ được chất trữ tình của cải lương. Thứ hai, tiết tấu phải nhanh, xử lý hiện đại và mang hơi thở của cuộc sống đời thường, không quá cao siêu. Thứ ba, đào, kép sân khấu phải đẹp, hát hay diễn giỏi, nổi tiếng thì càng tuyệt vời.

(Đạo diễn Hoàng Duẩn)

Theo báo Thể Thao Văn Hóa

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm