Ca sĩ Lệ Quyên: Nhạc buồn vận vào người tôi

Có thể nói Lệ Quyên là một trong những ca sĩ nhạc nhẹ hiếm hoi thuộc hế thệ 8X sống nghiêm túc và có trách nhiệm với những sản phẩm âm nhạc của mình.

. Phóng viên: Từ khi bước vào con đường âm nhạc, chị có chọn khán giả cho mình?

+ Ca sĩ Lệ Quyên: Nghệ sĩ không bao giờ chọn khán giả cả mà chỉ là khán giả chọn nghệ sĩ để nghe thôi.

Tôi không quan tâm hát cho người giàu hay nghèo

. Người ta biết đến chị như một ca sĩ hát ở phòng trà, nơi khán giả là những người kinh tế khá và ít nhiều có thẩm mỹ âm nhạc. Vậy khi chọn dòng nhạc bình dân hơn, cụ thể là dòng nhạc “sến” như trong vài album trước đây từng tạo dấu ấn trên thị trường, phải chăng chị muốn có thêm một lớp khán giả mới?

+ Mọi người hình như đang nhầm lẫn. Những người bình dân có thể nghe nhạc xưa nhưng khán giả nhạc xưa không bao giờ là người bình dân. Người ta có thể gọi nhạc xưa là “sến” nhưng “sến” chưa chắc đã không sang. Tuy nhiên, khi tôi hát, tôi không quan tâm là mình đang hát cho người giàu hay nghèo, mà là hát cho những người biết cảm thụ âm nhạc.

. Nếu đã thành công với nhạc sến, nhạc xưa, tại sao chị lại không tiếp tục mà lại chọn hướng đi mới với sự ra mắt album khá lạ tai?

+ Những ca khúc trong Tình khúc yêu thương vẫn là những ca khúc mang tính tự sự như hai album Khúc tình xưa. Đó là những bài tôi mong hát cho mọi người nghe nhất, bởi đó là những ca khúc gắn với kỷ niệm thời trung học hay những ngày đầu đi hát của tôi.

Ca sĩ Lệ Quyên: Nhạc buồn vận vào người tôi ảnh 1

Trở thành vợ của ông chủ phòng trà Không Tên, Lệ Quyên chịu không ít điều tiếng. Nhưng cô đã chinh phục khán giả bằng thực lực của mình.

Có lẽ hiện tại là quãng thời gian những sản phẩm âm nhạc tôi chọn có sự đồng điệu nhất. Sau album này tôi sẽ tiếp tục ra mắt một album nhạc tiền chiến.

. Vậy chị không sợ bị so sánh khi chọn ca khúc cũ?

+ Cũng như hát nhạc xưa, khi tôi chọn phát hành album những ca khúc của 15 năm trước thì dĩ nhiên những ca khúc đó đã có những đàn anh, đàn chị đi trước biểu diễn thành công nhưng không phải vì thế mà tôi ngại ngần… Tức dù nhạc tiền chiến, nhạc xưa hay nhạc của cách đây 15 năm thì khán giả vẫn sẽ thấy ở đó một giọng hát Lệ Quyên không thay đổi. Tôi sẽ luôn là tôi trong mỗi ca khúc tôi chọn.

Không cảm được bài vui

. Những ca khúc thành công của chị thường là những tình khúc buồn. Nghe, hát, thích nhạc buồn hoài nó… vận vào mình, sao chị không chọn thể hiện những ca khúc vui tươi hơn?

+ Tôi là một người sống chậm và khá nội tâm dù bên ngoài trông tôi có vẻ hoạt bát, vui vẻ. Tư duy nghệ thuật của tôi một phần bị bản chất con người tôi chi phối. Có lẽ vì vậy mà tôi không cảm được những ca khúc vui, có tiết tấu sôi động.

Khi hát những ca khúc chậm rãi dường như tôi đang trải lòng mình, tôi được lắng nghe hơi thở của chính mình và tôi thích điều đó.

Thật ra, những ca khúc tiết tấu chậm rãi hay như bạn nói là những tình khúc buồn thường là những bài hát hay, có chiều sâu. Dĩ nhiên ca sĩ thì mỗi người một vẻ nhưng bài hát hay cũng góp phần làm nên sự thành công cho ca sĩ. Và hơn cả là làm giàu cho ca sĩ về cảm xúc nữa…

. Vậy có khoảng cách nào giữa một Lệ Quyên u buồn trên sân khấu và một Lệ Quyên ngoài đời?

+ Nhìn tôi ngoài đời không quá u buồn. Có lẽ ngoài đời tôi thuộc tuýp nhẹ nhàng thôi. Nhưng ngoài đời tôi thấy mình hoạt bát, cởi mở với mọi người hơn. Đó cũng là vì muốn tìm được sự cân bằng giữa nghệ thuật và đời sống.

. Một người mẫu họ sẽ yêu cơ thể mình và thể hiện bằng sự nâng niu, chăm sóc. Còn chị, chị có yêu giọng hát của mình và chị đã nâng niu giọng hát ấy thế nào?

+ Đây là câu hỏi khó nhất. Tôi chỉ có thể nói tôi rất thích sự mềm mại và thích cảm xúc trong giọng hát của tôi. Còn yêu giọng hát của tôi, thôi thì… xin dành lại cho khán giả.

Cho đến giờ Lệ Quyên vẫn chỉ ấp ủ dự định thực hiện liveshow lớn bởi chị cho rằng mình chưa đủ thực lực, sản phẩm âm nhạc và chưa đủ khán giả đến với mình.

Cứ một, hai năm chị lại phát hành album và mỗi album luôn có vài ba bài ghi dấu ấn Lệ Quyên trong lòng khán giả. Rồi đều đặn hằng đêm, Lệ Quyên gửi tiếng hát của mình đến khán giả thân thuộc trong những không gian nhỏ như phòng trà, đặc biệt là phòng trà Không Tên (TP.HCM).

Hành trình “Nam tiến” của Lệ Quyên

Lệ Quyên tên đầy đủ là Vũ Lệ Quyên, sinh năm 1981 tại Hà Nội. Cô học ĐH Văn hóa Hà Nội. Album đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của cô là Giấc mơ có thật (2005). Album này đã ghi dấu tên tuổi của Lệ Quyên với khán giả qua các ca khúc: Giấc mơ có thật, Trăng chiều, Thôi đừng chiêm bao…

Ca sĩ Lệ Quyên: Nhạc buồn vận vào người tôi ảnh 2

Sau đó là hàng loạt những album được đầu tư kỹ lưỡng: Lời yêu còn mãi (2006), Như giấc chiêm bao (2008 - hát cùng Tuấn Hưng),Nếu như ngày đóAcoustic (2009), Để nhớ một thời ta đã yêu (2011), series Khúc tình xưa với hai album: Khúc tình xưa (2010) và Trả lại thời gian (2011), Tình khúc yêu thương (2012).  

QUỲNH TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm