Bình Định tạm dừng tạc phù điêu 86 tỉ đồng vào vách núi

Chiều 25-9, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra cùng ngày đã thống nhất tạm dừng kế hoạch tạc bức phù điêu khổng lồ Lạc Long Quân - Âu Cơ vào vách núi Bà Hỏa tại TP Quy Nhơn.

“Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất khi nào hoàn thành quy hoạch, xây dựng nút giao thông khu vực ngã năm Đống Đa, nơi dự kiến làm bức phù điêu, mới tính tiếp có triển khai làm bức phù điêu này hay không” - ông Dũng nói thêm.

Phối cảnh bức phù điêu khổng lồ Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa qua có một doanh nghiệp đề nghị được tài trợ làm bức phù điêu vào vách núi tại nút giao thông khu vực ngã năm Đống Đa để tạo dấu ấn cho cửa ngõ vào TP Quy Nhơn. Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Định đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đề xuất này, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã tổ chức lấy ý kiến các cựu lãnh đạo tỉnh. UBND tỉnh cũng chuẩn bị tổ chức thăm dò, lấy ý kiến các chuyên gia và nhân dân, tuy nhiên bước đầu đã có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất trên.

Cũng theo ông Dũng, hiện tỉnh Bình Định đang quy hoạch, đầu tư kinh phí để cải tạo nút giao thông ngã năm Đống Đa vì đây là cửa ngõ quan trọng của TP Quy Nhơn. Trong đó có việc mở rộng giao thông, tạo mỹ quan đô thị.

Trao đổi với PV vào chiều cùng ngày, một số cựu lãnh đạo tỉnh Bình Định đồng tình việc tạm dừng kế hoạch tạc phù điêu, sau đó lấy ý kiến rộng rãi giới chuyên môn, người dân rồi mới xem xét có làm hay không.

Như PLO đã đưa tin, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức lấy ý kiến các cựu lãnh đạo tỉnh về kế hoạch chuẩn bị tạc bức phù điêu khổng lồ vào vách núi Bà Hỏa tại TP Quy Nhơn. Theo UBND tỉnh Bình Định, bức phù điêu khổng lồ tạc vào vách núi có chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc” nhằm thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điểm nhấn cho TP Quy Nhơn thu hút khách du lịch.

Đào đất thăm dò khu vực dự kiến làm phù điêu. Ảnh: NO

Dự kiến bức phù điêu được tạc thẳng vào vách núi với chiều dài hơn 81 m, chiều cao ở vị trí cao nhất là 35 m, cùng hệ thống cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng 3.000 m2 trên mặt đất. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án trên hơn 86 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách chi hơn 34 tỉ đồng để triển khai phần hạ tầng cắt bạt núi, di dời, hạ ngầm đường điện… Còn lại vận động xã hội hóa cùng các nguồn huy động khác để làm phần mỹ thuật phù điêu tạc vào vách núi. Thời gian thực hiện công trình trong hai năm 2020-2022.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một dự án văn hóa - lịch sử độc đáo, góp phần phát triển du lịch cho tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, nhiều người phản đối việc làm bức phù điêu vì cho rằng lãng phí, không cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm