Billie Holiday: “Mẹ đẻ” tài hoa bạc phận của nhạc jazz

Cách đây tròn 100 năm, một ngày tháng 4-1915 tại bang Philadelphia, một bà mẹ ở tuổi vị thành niên hạ sinh cô con gái và đặt tên là Eleanora Fagan.

Nghèo đói, bị cưỡng hiếp, học nhạc trong nhà thổ

Sự ra đời của Eleanora không được người cha là nghệ sĩ jazz Clarence Holiday biết đến. Cô bé lớn lên với một tuổi thơ đầy khó khăn: Nghèo đói đến nỗi mẹ phải đi làm gái mại dâm để nuôi cô, thường xuyên bỏ học, năm 10 tuổi bị cưỡng hiếp, 14 tuổi bị bắt khi đang làm gái bán hoa. Sau này khi nhắc lại những năm tháng đầu đời, Billie nói: “Tôi chưa từng có cơ hội được chơi búp bê như những đứa trẻ khác. Sáu tuổi tôi đã phải đi làm kiếm tiền”.

Khi chuyển đến ở khu Harlem (New York), nơi đa phần người Mỹ gốc Phi sống, hằng tối cô gái trẻ Eleanora đến hát ở các hộp đêm và quán jazz dù chưa từng được qua đào tạo về âm nhạc. Cô không biết đọc nhạc, quãng hát bị hạn chế và hầu như chỉ có thể hát được những bản ballad chậm. Những người ảnh hưởng đến Eleanora là ca sĩ Bessie Smith và nghệ sĩ kèn trumpet Louis Armstrong. Cô thưởng thức các nhạc phẩm của họ ở nơi làm việc là nhà thổ.

Hình ảnh Billie Holiday biểu diễn với một bông hoa lan trắng cài trên tóc cùng giọng hát kỳ diệu trở thành thương hiệu riêng.

“Thiên tài âm nhạc”, biểu tượng của jazz

Trong những ngày tháng hát jazz ở quán, giọng ca đặc biệt đã đưa Eleanora đến với nhà tìm kiếm tài năng John Hammond của hãng thu âm Columbia. “Cô ấy là nữ ca sĩ đầu tiên tôi tìm thấy, người mà có thể hát như một thiên tài nhạc jazz tiềm năng” - John nói về Billie Holiday, nghệ danh của Eleanora được lấy theo tên của ngôi sao điện ảnh Billie Dove và họ của cha bà. Năm 1935, những bản thu âm đầu tiên của Billie được phát hành là Riffin’ the ScotchYour Mother’s Son-in-Law.

Billie không có quãng hát vút cao chuyên nghiệp nhưng điều đó không cần thiết bởi bà từng chia sẻ ghét phải “hát thẳng tưng”, thay vào đó: “Tôi cảm giác như mình đang thổi kèn. Tôi cố để giống Lester Young (nghệ sĩ chơi saxophone), Louis Armstrong hay những người tôi hâm mộ. Tôi phải thay đổi tông theo cách mà tôi hát, vậy thôi”. Lời ca cũng vô cùng quan trọng với Billie, không như những nghệ sĩ jazz khác. Danh ca nhạc jazz Lavay Smith từng chia sẻ: “Billie là một biểu tượng bởi bà luôn thành thật với chính mình. Bà khiến chúng ta tin rằng mỗi lời bà hát đều có ý nghĩa thực sự”.

Lấy âm nhạc rửa nỗi đau nghiện ngập và bị ngược đãi

Đến với nhạc jazz, Billie thả cuộc sống đầy rẫy đau buồn vào từng câu chữ. Như John Hammond nhận xét, ở độ tuổi còn trẻ nhưng Billie hát như có sự trải nghiệm. Sau tuổi thơ khốn khó, khi trưởng thành, đời sống riêng của Eleanora cũng không khá khẩm hơn. Bà thường xuyên rơi vào mối quan hệ không hạnh phúc và bị ngược đãi.

Billie gột rửa nỗi đau bị những gã đàn ông mình yêu đối xử tệ bạc, chứng nghiện rượu và ma túy, sự phân biệt chủng tộc của xã hội Mỹ bằng âm nhạc. Đó là Strange Fruit mạnh mẽ lên án nạn phân biệt màu da, là người đàn bà không bao giờ được biết đến tình yêu trong Lover Man, nỗi đau của người vợ khi phát hiện chồng ngoại tình của Don’t Explain

Tiếng hát đi trước thời đại

Mỗi nghệ sĩ đều có những thời điểm riêng nhưng với Billie Holiday, âm nhạc và giọng hát của bà đi cùng với thời thế ngay cả khi bà không còn trên cõi đời. Ảnh hưởng của Billie Holiday với nền nhạc jazz được ghi nhớ bởi giọng hát truyền tải cảm xúc, những câu từ đầy ẩn ý và tiếng nói chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Ở thập niên 1930, nạn phân biệt chủng tộc của người da trắng với da màu khá nặng nề ở Mỹ. Tính tự do đi trước thời đại của Billie trở thành rào cản với bà. Ca khúc Strange Fruit nói về những vụ người da màu bị hành quyết mà không cần xét xử từng bị hãng Columbia từ chối thu âm. Ban đầu Billie cũng lo lắng khán giả sẽ nổi giận nhưng rồi bà cũng quyết định trình diễn vào năm 1939. Trong một lần phỏng vấn vào năm 1958, Billie nói rằng có rất nhiều người không hiểu ý nghĩa của Strange Fruit. Ca khúc này về sau được coi là biểu tượng của phong trào dân quyền người Mỹ gốc Phi và nó đã được tạp chí Time bình chọn là “ca khúc của thế kỷ”.

44 năm sinh thời dành dụm được… 750 USD

Trong những năm cuối đời, giọng hát bị tàn phá bởi thuốc lá, rượu và ma túy nhưng cách hát cảm xúc và nhịp điệu đặc trưng của Billie Holiday không hề bị mất đi. Như Mikki Shepard - người điều hành nhà hát Apollo, nơi Billie từng biểu diễn nói: “Tôi nghĩ rằng bà ấy đã kết nối được với mọi người bởi con người bà là thật, là độc nhất”. Chất giọng mềm mại nhưng mạnh mẽ ảnh hưởng từ những nhạc công danh tiếng, trôi lướt qua từng nốt nhạc này đến nốt nhạc khác ám ảnh người nghe về giọng hát cất lên từ một kiếp người ngắn ngủi nhưng đầy sóng gió của Billie. Sinh ra trong sự thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm, ngay cả khi ra đi vào tháng 7-1959, số tiền tiết kiệm Billie để lại chỉ vỏn vẹn 750 USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm