Bia Tiến sĩ nói cho người thời nay những gì?

Những tấm bia được dựng sau này đã cung cấp thêm các thông tin thú vị về những dấu ấn mở đầu khác...

1. Bia Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) là tấm bia đầu tiên cho biết nội dung đề thi. Trên bia có đoạn viết: “Hoàng thượng ngự ở hiên điện thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương”.

Đây cũng là tấm bia đầu tiên cho biết địa điểm treo bảng vàng ghi tên những người đỗ: “Vua ngự điện Kính Thiên, cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra yết ngoài cửa Đông Hoa để cho các sĩ tử xem tên”.

Bia Tiến sĩ nói cho người thời nay những gì? ảnh 1
Những tấm bia được dựng sau này đã cung cấp thêm các thông tin thú vị về những dấu ấn mở đầu khác. Ảnh IE

2. Bia Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) là tấm bia đầu tiên được dựng ngay trong năm khoa thi được tổ chức. Theo nội dung của bia thì ngày mồng 7 tháng 4 thi Đình; ngày 4 tháng 5 công bố tên người thi đỗ thì đến ngày 15 tháng 8 bia đã được khắc dựng xong.

3. Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) là tấm bia đầu tiên cho biết tuổi người đỗ, tuy nhiên trong số 61 người đỗ khoa này, nội dung bia chỉ cho biết tuổi của một người duy nhất là Lê Sạn (đỗ Bảng nhãn) người xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín (nay thuộc làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) đỗ khi 35 tuổi.

Đây cũng là tấm bia đầu tiên cho biết nghi thức rước bảng vàng và cung cấp thông tin rằng bắt đầu từ khoa này bảng vàng không treo ở cửa Đông Hoa nữa mà chuyển sang treo ở ngoài cửa nhà Thái học (tức Quốc Tử Giám): “Mấy năm trước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa, năm nay sai Bộ Lễ rước bảng có trống nhạc dẫn trước, đem treo ngoài cửa nhà Thái học, cốt khiến cho sĩ tử nhìn thấy mà thêm phần khích lệ”.

4. Bia Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1529) là tấm bia đầu tiên ghi nhận việc ban tiền bạc cho các tân khoa và điều thú vị là họ được nhận tới 2 lần: “Ngày hôm đó ban cho tiền bạc có thứ bậc khác nhau. Ngày 27 ban cân đai áo mũ nhiều hơn lệ thường. Ngày 28 ban yến tại Bộ Lễ. Ngày mồng 7 tháng 3 cho phép vinh qui, ban tiền theo thứ bậc khác nhau, ơn huệ thật nồng hậu”.

5. Bia Tiến sĩ khoa Giáp Dần (1554) là tấm bia đầu tiên bị đục mất một số chữ, những chữ này là tước hiệu của chúa Trịnh Tráng và chúa Trịnh Tạc. Đây cũng là tấm bia đầu tiên ghi danh những người thi đỗ dưới thời Lê Trung Hưng, còn việc đục bỏ một số chữ không phải do có nội dung sai sót, phạm húy mà nó đều là tước hiệu của các chúa Trịnh và được áp dụng với cả những bia Tiến sĩ dựng sau đó. Nguyên nhân là vua Minh Mạng thấy khó chịu trước những dòng chữ ca ngợi chúa Trịnh nên năm Canh Tý (1840) truyền dụ cho các địa phương miền Bắc phàm đền chùa có bia, biển gỗ đề cao họ Trịnh thì phải “mài gọt đục đi, chớ để dấu tích lại” (Đại Nam thực lục chính biên).

6. Bia Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1565) là tấm bia đầu tiên cho biết sau khi nhận những nghi thức tôn vinh, các tân khoa được phong ngay tước trật chứ không như thông thường sau khi vinh quy bái tổ sẽ trở lại triều đình để nhận chức quan, tước vị, phẩm trật. Trên bia viết: “Ban tước trật để tỏ lòng ưu ái, cho áo mũ cân đai để điểm tô, ban yến Quỳnh Lâm, ơn sủng tràn đầy mà lễ đãi ngộ cũng rất hậu vậy”.

7. Bia Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1619) là tấm bia đầu tiên cho biết tên người chỉ huy việc khắc dựng bia, phía cuối nội dung bài văn bia có đoạn viết: “Chỉ huy sứ ti xá nhân Dĩnh Uyên bá Nguyễn Sĩ Chiêu, người xã Phú Lâm, huyện Đông Sơn vâng mệnh trông coi đôn đốc việc khắc dựng bia các khoa thi”.

Bia Tiến sĩ nói cho người thời nay những gì? ảnh 2

Các sĩ tử đua nhau sờ đầu rùa... Ảnh: Hoàng Hà.

8. Bia Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1631) là tấm bia đầu tiên cho biết sau khi được ban mũ áo, đãi yến tiệc, các vị tân khoa còn được thưởng thức các tiết mục múa hát: “Ban cho áo mũ cân đai để đẹp thân, cho dự yến nghe hát để thỏa lòng, ban cho tước cao lộc hậu để tỏ lòng ưu ái, lễ đãi hiền thật vẻ vang long trọng”.

9. Bia Tiến sĩ khoa Bính Thân (1656) là tấm bia đầu tiên ghi nhận lệ tân khoa được cưỡi ngựa, cùng quân hầu mang võng lọng, cờ trướng đi thăm kinh đô đồng thời đây cũng là dịp để người dân chiêm ngưỡng dung nhan các anh tài khoa cử: “Ban áo mũ cân đai, yến Quỳnh hoa bạc, rong ngựa đi chơi phố phường, cho vinh quy về quê nhà, ân điển thực đã trọng hậu vậy”.

10. Bia Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718) là tấm bia đầu tiên cho biết vị trí, chức vụ, thứ bậc trong xã hội của những người ở thời điểm họ thi đỗ Tiến sĩ. Trong số 17 người đỗ khoa này có 1 người giữ chức Hiến phó, 6 người làm Huấn đạo, 1 người làm Tham nghị, 2 người làm Tri huyện, 2 người là Giám sinh và 5 người là Nho sinh trúng thức.

Đây cũng là tấm bia đầu tiên ngoài việc ghi quê quán còn ghi cả nơi trú quán của người đỗ. Nội dung bia cho biết Nguyễn Tuyền quê ở xã Nỗ Bạn, huyện Thanh Trì (nay thuộc xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội), trú quán thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (cũng thuộc huyện Thường Tín).

11. Bia Tiến sĩ khoa Qúy Sửu (1733) là tấm bia đầu tiên ngoài việc ghi nơi ở hiện tại còn cho biết cả nguyên quán, trú quán của người đỗ, đó là Vũ Đình Dung, người phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên quán xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (nay là xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và Trương Nguyễn Điều, người xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn (nay là xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội), trú quán xã Hàn Lạc, huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

12. Bia Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) là tấm bia đầu tiên cho biết có vị tiến sĩ đã đổi tên sau khi thi đỗ, đó là Trần Bá Tân, người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), nội dung bia cho biết ông “sau đổi tên là Huy Bật”.

13. Bia Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1739) là tấm bia đầu tiên ngoài nơi ở hiện tại còn cho biết chính quán của người đỗ và cũng là tấm bia đầu tiên cho biết tên cũ của người đỗ. Đó là trường hợp của Vũ Trần Thiệu, người phường Thái Cực, huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chính quán xã Đan Luân, huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, Hải Dương). Nội dung bia cho biết ông “nguyên tên là Vũ Trần Tự”.

14. Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Thân (1752) là tấm bia đầu tiên cho biết chính quê, họ cũ, tên cũ của người đỗ. Đó là trường hợp của Đoàn Nguyễn Thục, người xã Hải Yên, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), chính quê xã Đại Hạnh, huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên), vốn họ Nguyễn, tên cũ là Đoàn Duy Tĩnh. Ngoài ra còn có Nghiêm Vũ Đăng, người xã Kỳ Nhai, huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, Thái Bình), vốn tên cũ là Nghiêm Vũ Chiêu và Nguyễn Diêu, người xã Hoàng Xá, huyện Thư Trì (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, Thái Bình) vốn tên là Nguyễn Xuân Huyên.

15. Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772) là tấm bia đầu tiên cho biết độ tuổi của tất cả những người thi đỗ, bao gồm 13 người. Trong đó người nhiều tuổi nhất là Vũ Huy Trác 43 tuổi, quê ở xã Lộng Điền, huyện Đại An (nay thuộc xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định); tiếp đến là Trần Công Xán 42 tuổi, người xã Yên Vĩ, huyện Đông Yên (nay là xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Người trẻ nhất là Nhữ Công Chân 22 tuổi, người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương).


Theo Lê Thái Dũng (Bee.net)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm