Bạn trẻ đang tha hương trong chính gia đình mình

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả cuốn sách, đã có những buổi ra mắt sách mà chính anh cũng bất ngờ vì khán giả đến quá đông so với sức chứa của hội trường, từ Hà Nội đến TP.HCM.

Một bạn sinh viên đã bật khóc khi chia sẻ trong buổi giao lưu tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cuối tháng 6 vừa qua: “Con cám ơn chú về cuốn sách. Con đã từng tưởng mình lập dị, giờ thì con biết mình không cô đơn. Trong gia đình, con không có hình mẫu nào để học theo cả, con không biết mình là ai. Giờ thì con có thể bắt đầu tìm lại chính mình”.

Vui với vai trò tác giả nhưng rất lo lắng

. Phóng viên: Chúc mừng ông vì đã có một cuốn sách được đón đợi như thế. Chắc hẳn ông vui mừng khi cuốn sách của ông tạo được hiệu ứng tốt?

+ TS Đặng Hoàng Giang: Khi làm cuốn sách này, tôi không dự liệu được nó lại thu hút sự quan tâm đến thế. Các buổi giao lưu ra mắt sách làm tôi bất ngờ. Hơn nữa, tôi cảm giác các bạn trẻ rất khao khát để được chia sẻ, được lắng nghe mà không có bất cứ phán xét nào.

Tôi rất vui với tư cách tác giả nhưng tôi lo lắng với tư cách của một người lớn, một phụ huynh. Chúng ta phải nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ đang tha hương trong chính gia đình của mình. Đó là một điều rất đáng thương và đáng lo.

. Ông tự đánh giá về cuốn sách như thế nào? ông có thấy rằng mình thành công chưa?

+ Tôi nghĩ rằng mình đã chạm được đến những bi kịch nội tâm, những nỗi đau của một thế hệ trong chính gia đình mà không được thấu hiểu. Sự khác biệt giữa các thế hệ không có một cầu nối nào để vượt qua. Tôi cho rằng cuốn sách là một đóng góp nhỏ, chỉ vậy thôi!

TS Đặng Hoàng Giang giao lưu với độc giả. Ảnh: NHÃ NAM

Nhiều người lớn đã lờ đi nỗi đau của con trẻ

. Bây giờ chúng ta sẽ nói về chủ đề nỗi đau. ông có cho rằng cuốn sách của ông được đón nhận ngoài mong đợi là do các bạn trẻ có nhu cầu rất lớn được bày tỏ và vượt qua những nỗi đau của mình?

+ Tôi đã bị một cơn bão cuốn đi, đó là những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của nỗi đau con trẻ mà người lớn thường lờ đi, xem như nó không tồn tại. Các bạn đối mặt với những sang chấn tâm lý mà không có sự giúp đỡ. Gia đình thì không rồi, nhà trường, thầy cô giáo cũng không, đoàn thanh niên cũng không, tôn giáo có thể xoa dịu một chút, các nhà tâm lý thì quá hiếm hoi.

Đây thực sự là một vấn đề lớn của xã hội. Chúng ta đang thiếu một hạ tầng cơ sở để chăm sóc sức khỏe tinh thần của các bạn trẻ nói riêng, của người dân nói chung.

. Từ phía phụ huynh, họ có phản hồi gì không?

+ Có những phụ huynh đã thay đổi một chút khi đọc cuốn sách. Nhưng cũng có bạn trẻ, là nhân vật trong chính cuốn sách này, cho biết bạn đã cố ý để sách ở nơi mà mẹ của bạn ấy có thể đọc được. Nhưng phản ứng của bà chỉ là “mày đọc cái vớ vẩn gì thế?”.

Chúng ta phải chấp nhận rằng có những phụ huynh sẽ không thay đổi. Nhưng các bạn có thể thay đổi để tìm lại căn tính của chính mình.

Thật ra nhiều phụ huynh cũng không biết phải thay đổi thế nào nếu như họ không làm cha mẹ như cách mà cha mẹ của họ từng làm. Họ không có một tình yêu thương minh triết vì bản thân họ cũng có rất nhiều tổn thương.

Một thế hệ tổn thương sẽ tạo ra một xã hội tổn thương

. Sau khi hoàn thành cuốn sách, ông nghĩ gì về các nhân vật của mình?

+ Nhiều bạn trẻ lớn lên vắng bóng người lớn ngay cả khi cha mẹ vẫn ở bên cạnh, họ có thể có thể xác cao lớn nhưng tâm hồn đầy những tổn thương và cô đơn, xã hội chúng ta sẽ phải hứng chịu rất nhiều hệ lụy vì điều này. Một thế hệ tổn thương sẽ tạo nên một xã hội tổn thương.

. ông có định dấn bước sâu hơn vào lĩnh vực tâm lý?

+ Tôi không có tham vọng làm một nhà tâm lý trị liệu, tôi chỉ có thể lắng nghe, không phán xét và đồng hành với các bạn trong quá trình đau đớn được tìm lại chính mình.

Sau cuốn sách này, tôi sẽ bắt đầu một dự án khác về vấn đề trầm cảm. Bởi tôi nhận thấy đây cũng là một lỗ hổng rất lớn trong nhận thức của cộng đồng.

Tôi cũng phải tìm kiếm chính mình

. Ai cũng biết ông là tiến sĩ ngành kinh tế học nhưng bây giờ thì ông theo đuổi nhiều hoạt động cộng đồng và viết sách về tâm lý. Ông có thể giải thích về con đường này như thế nào?

+ Quá trình sống của tôi cũng là một quá trình đi tìm bản thân, tôi cũng như các bạn trẻ, không ngừng theo đuổi việc quán chiếu lại bản thân mình và tìm hiểu chính mình. Và cái quá trình đi tìm mình như thế, học kinh tế nhưng lại đi viết sách tâm lý, nó khiến cho cuộc sống của tôi đáng giá và tôi tìm thấy rất nhiều ý nghĩa trong công việc của mình. 

Bạn trẻ đang tha hương trong chính gia đình mình ảnh 2
Cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Ảnh: HỒNG MINH

Sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là kết quả của dự án xã hội cùng tên được khởi động từ hơn hai năm trước. TS Giang đã tiếp cận nhiều bạn trẻ, cung cấp các kênh khác nhau để các bạn trẻ kể về những trải nghiệm đớn đau thời thơ ấu và những ảnh hưởng của những chấn thương đến cuộc sống hiện tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm