Ballet Mỹ đến Việt Nam: Tạo thói quen xem múa

Chiều qua (17-5), vũ đoàn ballet đương đại Mỹ - Trey McIntyre đã đến TP.HCM. Đại diện vũ đoàn, ông Trey McIntyre, biên đạo múa, giám đốc nghệ thuật và ông John Michael Schert, vũ công, giám đốc điều hành vũ đoàn, đã có buổi gặp gỡ với một số cơ quan truyền thông.

Pháp Luật TP.HCM trích đăng cuộc trao đổi giữa Pháp Luật TP.HCM, một số báo cùng hai nghệ sĩ trên.

Múa là nghệ thuật sống

. Pháp Luật TP.HCM: Ở Việt Nam, cuộc sống nghệ sĩ múa khá khó khăn, tình trạng tương tự có xảy ra tại Mỹ?

+ Ông Trey McIntyre: Về cơ bản, đời sống của vũ công luôn khó khăn. Tuy nhiên với Mỹ, đặc biệt ở những thành phố lớn như New York, San Francisco có nhiều vũ đoàn, nhiều đất diễn cho các nghệ sĩ.

Nhưng những nơi xa xôi hẻo lánh, những thành phố nhỏ có rất ít vũ đoàn. Vì vậy, chúng tôi đặt vũ đoàn ở TP Boise, bang Idaho - một bang rất nhỏ ở miền Tây Trung nước Mỹ, tạo cơ hội cho những người dân ở đây xem nghệ thuật đỉnh cao.

Đó cũng là lý do chúng tôi đến Việt Nam, nơi khá xa xôi với chúng tôi. Bởi chúng tôi nghĩ rằng múa là môn nghệ thuật mà bất cứ ai cũng có thể xem được.

. Thông thường, khi chuyển từ loại hình kinh điển theo hướng cách tân thì dễ bị những người tôn trọng yếu tố kinh điển phản đối. Ông có gặp những phản ứng như vậy?

+ Mọi người đều có thể có ý kiến đồng thuận hoặc trái chiều nhưng không có gì ngăn cản chúng tôi thay đổi. Ballet cổ điển vẫn luôn trường tồn với một lớp khán giả. Nhưng cũng có một số khán giả tìm đến chúng tôi. Tôi nghĩ cái hay nhất của nghệ thuật múa chính là sự sống động, thay đổi. Ngay khi lưu diễn, chúng tôi xem chương trình của các vũ đoàn khác, dù đó là điệu múa dân gian, cổ điển, họ cũng đã có thay đổi theo thời đại người ta sống. Sự thay đổi khó mà tránh khỏi, không bao giờ giữ mãi gốc được.

Ballet Mỹ đến Việt Nam: Tạo thói quen xem múa ảnh 1

Vũ đoàn Trey McIntyre luôn mong muốn tạo ra văn hóa xem múa để múa không xa lạ với bất cứ ai. Ảnh: WBEZ

Múa có thể diễn bất cứ đâu

. Pháp Luật TP.HCM: Vậy làm sao để khán giả bỏ qua định kiến cũ để có thể đến xem một loại hình mới?

+ Ông Trey McIntyre: Tôi nghĩ rằng nếu tác phẩm của tôi chân thật đến từ chính trái tim của tôi thì nó sẽ mở cửa cho mọi người và mọi người sẽ đến. Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ, nhiều người vẫn tự nghĩ rằng múa không dành cho họ mà chỉ dành cho một nhóm người sang trọng. Điều chúng tôi đang làm là tạo ra văn hóa xem múa, để ai cũng có thể đến với múa mà không thấy xa lạ hay dành cho giới nào.

+ Ông John Michael Schert: Chúng tôi thể nghiệm ngay tại TP Boise, nơi chúng tôi đặt trụ sở. Đây là một thành phố rất nhỏ, rất ít dân nhưng chúng tôi luôn tìm cách làm sao đưa nghệ thuật múa đến với người dân để múa có thể phổ biến như bóng bầu dục. TP Boise đã đặt cho chúng tôi danh hiệu “Những người giúp phát triển kinh tế Boise” bởi chúng tôi đã làm cho thành phố này nổi tiếng hơn, nghệ thuật ở đây được biết nhiều hơn và từ đó kéo theo sự phát triển một số dịch vụ cho thành phố. Từ danh hiệu đó mà sau đó, chúng tôi được chọn làm Đại sứ văn hóa cho Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chuyến đến Việt Nam lần này chúng tôi cũng muốn tạo ra môi trường, thói quen xem múa. Chúng tôi biểu diễn ở nhiều nơi từ bệnh viện, trường học, đường phố… không chỉ đến giới thiệu múa mà hướng dẫn để người dân có thể xem, hiểu được cơ bản về múa.

Tối nay công diễn tại Nhà hát TP.HCM

Vũ đoàn Trey McIntyre đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Dance Motion USA do Bộ Ngoại giao Mỹ và Học viện Âm nhạc Brooklyn thực hiện. Tại Hà Nội, vũ đoàn đã công diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, giao lưu với nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc, sinh viên Trường Cao đẳng Múa, thăm và giao lưu với các em nhỏ tại Làng SOS Hà Nội.

Sáng nay (18-5), vũ đoàn sẽ giao lưu với các nghệ sĩ của Nhà hát Bông Sen, học một điệu múa cổ truyền Việt Nam. Sau đó, vũ đoàn sẽ công diễn vào tối nay tại Nhà hát TP.HCM các tác phẩm: In dreams (Trong những giấc mơ), Serious (Nghiêm túc) Leatherwing Bat (Con dơi với đôi cánh bằng da).

Ngày 19-5, vũ đoàn sẽ thảo luận chuyên môn với vũ đoàn Arabesque, với các vũ công từ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, sinh viên trường múa… Và chương trình cuối cùng là buổi diễn giao lưu với những người thiệt thòi và khiếm thính tại Hội quán Đời Rất Đẹp (91/6N Hòa Hưng, quận 10, TP.HCM).

Ballet là một loại hình vũ kịch xuất xứ từ hoàng gia Ý, Anh, Pháp, Nga… Ballet cổ điển thường dựa trên một kịch bản gồm hai phần nhạc và vũ, diễn trong các nhà hát được thiết kế cảnh trí sân khấu, có đạo cụ, phục trang. Phần vũ trong ballet cổ điển gồm những chuyển động của cơ thể trong không gian, điệu bộ và sự biểu lộ bằng nét mặt.

Ballet đương đại là sự kết hợp giữa ballet cổ điển và múa hiện đại. Sân khấu của ballet đương đại không phụ thuộc nhiều vào cảnh trí sân khấu mà sử dụng ánh sáng, âm nhạc (âm nhạc có thể là nhạc pop, world music…), video art….

Khác biệt dễ thấy nhất là với ballet cổ điển, khán giả và nghệ sĩ tách biệt bởi nghệ sĩ chỉ diễn trên sân khấu. Còn với ballet đương đại, sân khấu không chỉ ở trước mặt khán giả mà có thể ở mọi không gian xung quanh.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm