Bậc thầy tranh thủy mặc tái xuất

Công chúng sắp có dịp thưởng thức 125 tuyệt tác của họa sĩ Trương Hán Minh tại cuộc triển lãm gây quỹ ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của TP từ ngày 2 đến 12-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Vẽ và truyền nghề đến khi không cầm nổi cọ

. Phóng viên: Dòng tranh thủy mặc đã ăn sâu bén rễ với cuộc đời ông ra sao, thưa ông?

+ Họa sĩ Trương Hán Minh: Ngày xưa gia đình tôi làm rẫy ở Đầm Sen nên chim, hoa, lá, bướm rất gần gũi, quen thuộc với tôi. Mỗi lần vẽ những sự vật này tôi cảm thấy tâm hồn thư thái kỳ lạ. Tuy nhiên, nếu không quyết tâm theo đuổi đam mê này thì có lẽ tôi đã là một nhà buôn chứ không phải là một họa sĩ như bây giờ. Cha mẹ tôi muốn tôi học kinh doanh và cho rằng cuộc sống của họa sĩ sẽ khó khăn, vất vả, không nuôi nổi vợ con. Vậy nên tôi chỉ có thể vẽ lén lúc họ vắng nhà hoặc bớt xén một nửa thời gian học buôn bán để vẽ. Tôi mê mẩn đến độ hay bị thầy cô la rầy vì vẽ tùm lum lên vở. Sau đó tôi mới thuyết phục được gia đình bằng triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 19 tuổi. Chỉ chấm phá vài nét nhưng tranh thủy mặc luôn thể hiện được cái thần, khí của cỏ cây, hoa lá, nhân sinh quan hướng đến chân-thiện-mỹ, đồng thời thể hiện sống động tinh thần của con người. Xem tranh, ta có thể cảm nhận được thời gian, thời tiết, niềm vui nỗi buồn gửi gắm trong đó. Càng thể hiện càng thấy thâm sâu, không tận. Tôi ngưỡng mộ danh họa Tề Bạch Thạch, người Trung Quốc, mười mấy tuổi đã vẽ tôm cho đến lúc chín mươi mấy tuổi vẫn vẽ tôm, tương tự Từ Bi Hồng nổi tiếng cả đời với những con ngựa rong ruổi, phóng khoáng. Kể cả tôi cũng vậy, cũng còn phải học hỏi nhiều ở lĩnh vực này, cho đến lúc không còn cầm cọ được nữa thì thôi.

Hơn 60 năm gắn bó đời mình với tranh thủy mặc, họa sĩ Trương Hán Minh là người đã gây dựng nên dòng tranh thủy mặc mang đậm cốt cách, tinh thần văn hóa Việt Nam.

. Ông đánh giá như thế nào về tình yêu của người Việt đối với tranh thủy mặc? Ông truyền nghề cho thế hệ sau như thế nào?

+ Vào Chủ nhật hằng tuần tôi đều mở lớp dạy vẽ tranh thủy mặc cho những người ái mộ môn nghệ thuật này. Đối tượng đến học khá đa dạng, từ sinh viên, doanh nhân, giáo viên, hưu trí đến cả người nước ngoài. Tôi khá mừng là nhiều lứa học trò do tôi đào tạo dần được biết đến với dòng tranh này như Huyền Lâm, Trịnh Huy… Triển lãm của tôi ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… thỉnh thoảng lại gây ngạc nhiên với công chúng rằng Việt Nam cũng có dòng tranh đặc biệt như vậy sao. Điều làm họ hiếu kỳ thường là các thắng cảnh, cây cối, con vật ở quê hương mình như cây đước bảo hộ bờ biển, con cua, con ghẹ, con ba khía… làm tôi rất tự hào. Nếu có cơ hội, tôi muốn quảng bá nhiều hơn nữa dòng tranh thủy mặc mang đậm phong cách quê hương của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Gom tiền tỉ bán tranh lo cho người nghèo

. Được biết ngoài công tác chuyên môn, ông còn tích cực hoạt động xã hội từ thiện. Do đâu mà ông gắn bó với các hoạt động này?

+ Tôi là một giáo viên kiêm họa sĩ nên không thể đóng góp sức lực để xây cầu, xây đường mà chỉ có thể nghĩ ra cách ủng hộ này. Tôi quan niệm làm nghệ thuật là để phục vụ nhân sinh. Mỗi người đóng góp một ít sẽ tạo ra thành quả lớn mà mình không ngờ tới. Chẳng hạn, vào những năm 1970, thầy giáo, tôi và những người bạn từng tham gia vận động xây dựng cả y viện Sùng Chính, nay là BV Chấn thương Chỉnh hình (quận 5) và hồ thủy điện Trị An.

. Kỷ niệm đáng nhớ của ông về hoạt động xã hội từ thiện?

+ Năm 2013, bức Phú quý trường xuân của tôi được xác lập kỷ lục Việt Nam là “Bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất”. Bức tranh này được một thương gia Hong Kong mua về với giá 66.666 USD đã giúp đỡ nhiều trẻ em nghèo khuyết tật. Những năm 1990, tôi đã sử dụng tranh vẽ của mình làm từ thiện, có nhiều bức bán đấu giá được hàng tỉ đồng nên xây được cả chục căn nhà tình nghĩa, giúp đỡ đồng bào miền Trung chịu lũ lụt... Trong nhiều lần đến những vùng sâu vùng xa, chứng kiến đồng bào của mình cực khổ, có nhà mà không ra nhà, lợp tôn thủng, bao nylon chằng chịt khiến tôi rất xúc động nên luôn muốn bù đắp một phần nào đó cho họ.

HOÀNG LAN thực hiện

Bán đấu giá ba bức tranh quý

Ban tổ chức cuộc triển lãm tranh thủy mặc của Trương Hán Minh sẽ tiến hành bán đấu giá ba tác phẩm tranh thủy mặc của ông vào lúc 9 giờ ngày 4-10 tại khách sạn Winsor Plaza (số 1 Sư Vạn Hạnh, quận 5). Trong đó hai tác phẩm Tùng hạc diên niênPhú quý trường xuân đã hoàn thành. Còn tác phẩm Hân hân hướng vinh sẽ được họa sĩ vẽ trực tiếp ngay tại buổi đấu giá. Tiền chênh lệch bán tranh sẽ được họa sĩ dành ủng hộ Quỹ Vì người nghèo TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm