Ba vị vua được thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Người khai móng mở nền

Người khai móng mở nền ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám là Đức vua Lý Thánh Tông. Ngài người châu Cổ Pháp tính theo quê gốc của Đức vua Lý Thái Tổ. Đại Việt Sử ký toàn thư, quyển một (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, xuất bản năm 2004) mục Thánh Tông Hoàng Đế có ghi:

"Vua huý là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông, mẹ là Thái Hậu Kim Thiên Mai thị. Trước là nằm chiêm bao thấy mặt trăng vào bụng, thế rồi có mang, năm Quý Hợi Thuận Thiên thứ 15 (1023), tháng 2, ngày 25 sinh ra vua ở cung Long Đức. Năm Thiên Thành thứ 1, sách phong Đông Cung thái tử - Thái Tông băng, vua lên ngôi, ở ngôi 17 năm, thọ 50 tuổi, băng ở điện Hội Tiên. Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt…".

Ba vị vua được thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ảnh 1

Lý Thánh Tông là người chọn đổi quốc hiệu đất nước từ Đại Cồ Việt có từ thời nhà Đinh thành Đại Việt sau khi lên ngôi. Trong nhiều công việc lớn của mười bảy năm chấp chính có năm 1070, ngài đã làm một công việc quan trọng rất có ý nghĩa với sự học hành của đất nước. Đại Việt Sử ký toàn thư có viết:

Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 (1070) (Tống Hy Ninh năm thứ 3).

Mùa xuân làm điện Tử thần.

Mùa hạ, tháng 4, đại hạn, phát thóc và lụa ở trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo.

Đặc biệt là chuyện này:

Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế, Hoàng thái tử đến đây học.

Sách đã chú thích Tứ phối gồm các vị tiên Nho là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử. Các ngài là bốn người học trò xuất sắc của Khổng Tử được người đời thờ phụng bên Thầy. Còn Thất thập nhị hiền là 72 người học trò giỏi nữa của Đức ngài Khổng Tử cũng được thờ. Đây là khuôn mẫu để làm Văn Miếu và thờ tự theo nguồn gốc Nho học bắt đầu từ quê hương của Khổng Tử, việc mà các nước phương Đông mộ đạo thường có để tỏ lòng tôn kính với chữ nghĩa của Thánh hiền!

Như vậy là dưới thời trị vì của vua Lý Thánh Tông có thể nói lần đầu tiên đất nước ta có được một cơ ngơi tương đối chính quy cho việc học hành. Người đứng đầu đất nước đã nhận thức ra tầm quan trọng của sự học trong hai lẽ là tôn trọng chữ nghĩa bằng cách dựng đền thờ người có công khai sáng ra chữ nghĩa và cử người đến để tôi rèn trong nghiệp chữ nghĩa đặng mai sau trở thành hiền tài giúp dân trị nước. Người đầu tiên phải đến đây học là Thái tử. Theo lẽ thông thường Thái tử là người nối tiếp nghiệp vua cha nắm quyền trông coi thiên hạ theo luật cha truyền con nối của chế độ phong kiến! Việc cho Thái tử đến Văn Miếu để học hành là thái độ thực sự cầu thị của người có quyền và muốn quyền đó phát huy bằng tri thức.

Người học trò đầu tiên của Quốc Tử Giám

Quốc Tử Giám là nơi dạy dỗ, rèn giũa các Quốc Tử (nghĩa là con vua) để họ có đầy đủ tư chất và phẩm hạnh thành người kế tục sự nghiệp của phụ vương khi được quyền chấp chính. Hiểu nôm na thì đây là trường dạy dỗ con vua cháu chúa và rộng ra là cả con các quan nữa khi đang trong tuổi học hành cần phải học hành.

Lịch sử về sự học hành của người Việt Nam không phải tới thế kỷ thứ XI mới có mà trước đó rất lâu, tự thuở Hùng Vương dựng nước theo truyền thuyết đã có lớp học do thầy giáo Vũ Thê Lang dạy dỗ nay còn lưu lại sự tích nơi Thiên Cổ Miếu ở Phú Thọ. Nhân dân gọi đây là Đền thờ Thầy giáo. Đền thờ thật trang nghiêm với đôi câu đối đầy tự hào về chốn nổi tiếng :

Hùng Lĩnh trung chi thắng tích

Nam Thiên chính khí linh từ

Có giả thuyết cho rằng nước ta đã có chữ ngay từ thuở trống đồng chim Lạc với lối viết mềm mại mang hình ngọn lửa và được gọi là hỏa tự. Câu chuyện trên chưa được chính sử ghi nhận nhưng có trong các truyền thuyết và các giai thoại. Còn việc ông cha ta xây Văn Miếu- Quốc Tử Giám thì đã có sách ghi.

Đại Việt Sử Ký toàn thư có kể về người học trò đầu tiên của Văn Miếu Quốc Tử Giám chính là Đức vua Lý Nhân Tông. Ngài đến đây nhập học ngay từ thuở vừa rời vú mẹ. Đấy là năm 1070 lúc cơ ngơi sự học được xây dựng và ngài được vua cha cho vào đây học khi vừa 5 tuổi, tính theo tuổi mụ - Đức vua Lý Nhân Tông sinh năm 1066!

Sử xưa kể về Đức vua Lý Nhân Tông như thế này:

Ngài khi lên ngôi có tên hiệu là Nhân Tông Hoàng đế. Ngài là kết quả của mối tình tuyệt đẹp giữa ông vua cao tuổi hiếm con trai Lý Thánh Tông với cô gái tài sắc vẹn toàn đứng tựa gốc Lan miền Kinh Bắc.

Lý Nhân Tông có tên huý trước khi chấp chính là Càn Đức. Ngài là con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Hoàng phi Ỷ Lan. Vua sinh vào ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ, Long Chương Thiên Tự thứ 1. Chỉ một ngày sau khi người phi yêu sinh hoàng nam, ông vua hiếm muộn ấy đã lập tức phong cho con làm Hoàng thái tử. Như vậy là Đức ngài Lý Nhân Tông đã được vua cha ươm mầm mống làm Thiên tử ngay khi mới chào đời. Năm 1072 vua cha băng hà, vua con lên ngôi khi bảy tuổi, có mẹ bên cạnh chỉ đạo và Thái sư Lý Đạo Thành lo giúp việc nước. Ngài ở ngôi rất lâu, 56 năm, từ 1072 đến 1128, thọ 63 tuổi, mất ở điện Vĩnh Quang.

Vua Lý Nhân Tông được người đời đánh giá là một quân vương mẫn tiệp. Ngài là bậc thần võ sáng suốt, lấy hai chữ hiếu nhân để trị quốc và bang giao khiến các nước lớn nể ngại, các nước nhỏ thì quý mến. Trong triều đình các quần thần chung sức thuần phục theo vua vun vén cho các công việc của xã tắc. Đức vua được sử nhận xét là người có thần giúp đỡ, người người ứng theo. Ngài được coi là bậc thông âm luật, biết chế ra khúc hát, thần dân sum vầy đông đúc cùng vua dựng nền thái bình.

Lịch sử đánh giá Đức ngài Lý Nhân Tông là vị vua giỏi của triều Lý. Việc Văn đáng ghi nhận của Đức vua khi còn trẻ là việc năm 1075, tức là chỉ ba năm sau ngày lên ngôi ngài đã cho mở cuộc thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường. Đây được coi là khoa thi chính thức đầu tiên trong lịch sử thi cử của nghiệp học hành ở Việt Nam. Trong khoa thi này người đỗ đầu là ông Lê Văn Thịnh. Sau đó ông Lê Văn Thịnh đã được triều đình uy tín và tiến cử làm người dạy dỗ vua Lý Nhân Tông học hành khi ngài đang còn tuổi phải rèn giũa thêm nhiều về chữ nghĩa trong đạo chữ và đạo trị quốc.

Năm 1076 vua Lý Nhân Tông đã cho phép triều đình lập ra Quốc Tử Giám và chỉ thị cho việc tuyển sinh chọn quan viên văn chức những người biết chữ đưa vào học tiếp ở Quốc Tử Giám để cho trình độ được nâng cao hơn. Đây được coi là trung tâm học hành bậc nhất đất nước lúc ấy. Về việc Võ dưới thời vua Lý Nhân Tông ta đã đại thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt qua tài chỉ huy thao lược trực tiếp của tướng quân Lý Thường Kiệt cùng sức chiến đấu quả cảm quyết liệt của muôn dân. Cuộc chiến thắng này đã lưu lại cho lịch sử một Tuyên ngôn bất tử về sức mạnh và chủ quyền đất nước:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Dịch nghĩa:

Sông núi nước Nam là của vua nước Nam

Bờ cõi ấy đã rành rành được định tại sách trời

Hà cớ gì những kẻ ngỗ nghịch dám đến xâm phạm

Nếu đến, tất nhiên các ngươi sẽ bị đánh cho không có đường lui

Đây là Võ công lớn của triều vua Lý Nhân Tông. Sau cuộc đại định giữ yên bờ cõi đất nước ấy vua đã làm lễ đại xá, đổi niên hiệu cũ thành niên hiệu mới là Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 1. Liền đó vua xuống chiếu cầu người nói thẳng, cất nhắc những người hiền lương có công trạng và trình độ học vấn ra làm việc nước…

Đời cha đã làm được một công việc lớn cho dân tộc, xây Văn Miếu, khẳng định tầm vóc quan trọng và tối linh của đạo học đối với đất nước đến đời con, nối tiếp chí lớn của cha đã bồi bổ thêm cho miền đất học này một ý nghĩa chính quy mới mang tên Quốc Tử Giám. Với việc chính thức này một lần nữa thể hiện nỗi khát vọng hiền tài của dân tộc trong tầm nhìn một bậc minh quân mà ngay khi còn là Hoàng Thái tử ngài đã được cha cho vào ăn mày lộc chữ của Văn Miếu. Ta có thể coi cha con Đức vua Lý Thánh Tông là các vị có công đầu đối với miền linh học này của dân tộc!

Người kế thừa và nâng cao tầm vóc Miếu Văn

Ngài là Đức vua Lê Thánh Tông, con trai thứ tư của Đức vua Lê Thái Tông. Vua sinh năm 1442 mất năm 1497. Ngài ở ngôi 38 năm. Triều đình thời ngài cai quản có đặt hai niên hiệu, đó là Quang Thuận và Hồng Đức. Lê Thánh Tông được sử sách đánh giá là người minh mẫn, sáng suốt, thâm thúy về văn, giỏi giang về võ... Đất nước ta dưới thời ngài cai quản là một Đại Việt hưng thịnh. Nhà nước Trung ương phong kiến tập quyền của ngài đã giúp nhà vua có một bộ máy cai quản hoàn thiện từ triều đình tới địa phương. Bộ luật Hồng Đức thời ngài ra đời được coi là luật pháp thành văn bản hoàn chỉnh nhất so với trước đó.

Cùng những năm tháng này bản đồ đất nước được ra đời. Hồng Đức bản đồ được thực hiện bằng chiếu chỉ của vua ban xuống các đạo với nội dung cho bề dưới xem ở trong các hạt mình cai quản có thế núi hình sông thế nào, thuận lợi và những hiểm trở cùng các văn vật đặc sản, sự tích rồi vẽ ra và chép lại. Cuối cùng từ các bản đồ địa phương ấy triều đình đã tập hợp lại thành tấm bản đồ Đại Việt. Đây có thể coi là tấm bản đồ đầu tiên của đất nước do triều đình và nhân dân Đại Việt tạo ra thời Lê Thánh Tông.

Cũng những năm tháng nhiệm kỳ này nhà vua đã sai Sử thần Ngô Sĩ Liên soạn bộ sách Đại Việt Sử Ký toàn thư. Theo "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim, Bộ sử được chia làm hai bản. Bản đầu kể chuyện từ thời Hồng Bàng đến giai đoạn Mười hai sứ quân được viết thành 5 quyển. Bản sau kể từ Đức vua Đinh Tiên Hoàng cho đến triều đại của Đức vua Lê Thái Tổ có 10 quyển. Toàn bộ sách sử ký gồm 15 quyển. Đây là Bộ sử ký hết sức giá trị thường được các nhà nghiên cứu sau này dựa vào đấy tìm hiểu, lấy các cứ liệu và sự kiện cho các công việc có liên quan của mình về lịch sử dân tộc!

Việc học hành và thi cử dưới thời vua Lê Thánh Tông được đánh giá là kết quả nhất so với trước đó và cả với những triều đại phong kiến sau này ở những kỳ thi Hán học cuối cùng của triều Nguyễn.

Được biết năm 1463 nhà vua định lệ 3 năm sẽ có một kỳ thi hội. Từ năm 1463 đến năm 1496, với 33 năm ấy nhà vua đã cho tổ chức được 12 khoa thi và lấy đỗ được 502 Tiến sĩ trong đó có nhiều người nổi tiếng như Lương Thế Vinh, Phạm Đôn Lễ, Vũ Tuấn Chiêu…

Đền thờ các bậc Thánh chữ ở Miếu Văn tiếp tục được tu sửa lại, Trường học Quốc Tử Giám được mở rộng hơn. Đây được đánh giá là một cuộc sửa sang có quy mô lớn và hình thức khang trang. Cũng từ lúc này việc tuyển người vào học ở Quốc Tử Giám trước kia chỉ chọn con vua, con quan nay được phép tuyển thêm cả con em của các người dân bình thường miễn là họ giỏi nghiệp đèn sách. Những người học ở Quốc Tử Giám được gọi là Giám sinh.

Nhà vua lệnh cho triều đình chuẩn bị và khởi xướng công việc dựng bia ở Văn Miếu vào năm 1484. Theo lệnh vua tấm bia được dựng đầu tiên là tuyên dương những hiền tài đỗ đạt trong cuộc thi năm Nhâm Tuất Đại Bảo thứ ba tức năm 1442 đúng năm Lê Thánh Tông sinh ra. Tấm bia này được làm với nội dung truy dựng có lời soạn văn bia chứa một câu văn rất nổi tiếng:

Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Nội dung bia do Văn thần Thân Nhân Trung phụng soạn. Cũng từ đây những người đỗ đạt hiển vinh sẽ thành lệ được khắc tên lên đá, được xướng danh ghi tên trên bảng vàng, được vua ban mũ áo rồi cho lễ vinh quy về quê hương bái tổ... Đây là cái đạo chân chính của người làm vua khi biết lấy cái gốc cho sự trị vì của mình bắt đầu từ sự học và coi trọng người có học.

Có học mới có người có tài. Tất nhiên muốn nên hiền tài của quốc gia người có học vấn cao ấy cũng phải có cái tâm đức cao như vậy! Ba vị vua, ở hai triều đại nối tiếp nhau nhưng không cùng thời gian với nhau đã có công lớn đối với Văn Miếu Quốc Tử Giám. Họ là tinh hoa của Nhà nước phong kiến Việt Nam thời thịnh trị khi biết lấy sự học và những người có học làm thành gốc rễ của nghiệp dựng nước. Tượng thờ ba ngài ở lầu hai nhà Thái Học Văn Miếu- Quốc Tử Giám là sự tri ân của dân tộc với những người có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo Nhật Văn (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm