Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt

Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt

(PLO)- Áo dài của Việt Nam đã có cội nguồn Việt từ cả vài trăm năm trước. Hồn Việt luôn mãi ở trong chiếc áo dài ngàn năm không đổi dù cuộc sống và hình dạng chiếc áo dài có thay đổi đến đâu. 

Người Việt tự hào áo dài là một trang phục đặc trưng của mình với từ "Áo dài" (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.

Đã có nhiều so sánh, nhầm lẫn chiếc áo dài của người Việt Nam với chiếc sườn xám của dân tộc Trung Hoa. Song, áo dài của Việt Nam đã có cội nguồn Việt từ cả vài trăm năm trước. Hồn Việt luôn mãi ở trong chiếc áo dài ngàn năm không đổi dù cuộc sống và hình dạng chiếc áo dài có thay đổi đến đâu.

Tiến trình hình thành chiếc áo dài hiện đại từ rộng rãi đến ôm sát, nhấn eo như ngày hôm nay, để chiếc sườn xám nhìn có nét hao hao, hoàn toàn ảnh hưởng từ văn minh phương Tây trong sáng tạo của người Việt, không lưu dấu văn hóa Trung Quốc.

Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt ảnh 1
Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt ảnh 2

Đến năm 1744, tại Đàng Trong, Việt Nam, dưới thời cai trị của chúa Nguyễn Phúc Khoát, các nhà nghiên cứu trang phục Việt cho rằng chiếc áo dài Việt bắt đầu manh nha xuất hiện.

Lúc này, để phân biệt với người Đàng Ngoài, dưới sự cai trị của các chúa Trịnh, chúa Nguyễn ra lệnh các thuộc hạ của mình phải mặc thêm một chiếc quần dài bên trong chiếc áo lụa dài.
Đồng thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ra sắc dụ trong dân, bắt buộc: "Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép..." như sách Đại Nam Thực lục ghi chép.

Từ đó có sự thay đổi y phục, đổi phong tục, nam nữ sĩ thứ trong nước, đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây.

Tức từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã xuất hiện chiếc áo dài ngũ thân mặc với quần dài. Được cải tiến từ áo tứ thân, áo ngũ thân gồm 5 tà, gồm 2 tà ở sau, 2 tà ở trước và một tà ẩn dưới hai tà trước.

Đây cũng là bộ trang phục đầu tiên có xẻ tà ở eo, một trong những điểm đặc biệt trong áo dài hiện đại. Áo dài ngũ thân tồn tại đến đầu thế kỷ 20.

Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt ảnh 4
Đầu thế kỷ 20, khi nền văn minh châu Âu theo chân người Pháp ồ ạt du nhập vào Việt Nam thì giới trí thức và tầng lớp trung lưu người Việt cũng bắt đầu Âu hóa.

Ngày 23-3-1934, trên Báo Phong Hóa đã cho đăng hình ảnh những chiếc áo dài cách tân với tên gọi áo dài Lemur của họa sĩ Cát Tường. Chiếc áo dài này có những đường nét cơ bản của áo dài truyền thống hiện nay với hai tà, xẻ eo, nhấn eo để tôn dáng tôn ngực. Tuy nhiên chiếc áo dài Lemur mang nhiều dáng dấp Âu hóa như tay phồng, cổ bồng, cổ hở, cổ có gắn nơ.

Chiếc áo dài này lập tức bị phê phán lai căng, khêu gợi, không đúng đắn. Tuy nhiên, vẻ đẹp hiện đại và gợi cảm của chiếc áo dài Lemur đã chinh phục được số đông phụ nữ đương thời, tạo nên một phong trào các bà các cô mặc áo dài ngày càng lan rộng.

Lúc này, chiếc áo dài Lemur đã được họa sĩ Cát Tường hoàn thiện thêm với phần nịt ngực như áo bơi để mặc thay cho áo yếm truyền thống, giúp chiếc áo dài Lemur vừa giữ được sự kín đáo của người phụ nữ Việt vừa tôn dáng vẻ người phụ nữ.

Với thành công của chiếc áo dài Lemur, họa sĩ Cát Tường đã được mời thực hiện một tủ áo dài riêng cho Nam Phương hoàng hậu. Ông cũng Nam tiến, đi khắp nước để quảng bá chiếc áo dài của mình, và làm áo dài cho nghiều nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như bà Phùng Há.

Từ chiếc áo dài Lemur, họa sĩ Lê Phổ đã tiếp tục cải tiến khiến chiếc áo dài gần giống với áo dài truyền thống hôm nay. Tức chiếc áo dài qua thiết kế của họa sĩ Lê Phổ đã có cổ, cài nút bên phải, tay không còn phồng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này chiếc áo dài có nhược điểm bị chùng vải ở nách tay vì tay không ráp xéo.

Nhược điểm này đã được nhà may Dung ở khu Đa Kao, Sài Gòn khắc phục vào năm 1960 với kiểu tay áo cắt xéo vào nách tránh được sự dư vải, nhăn vải ở nách người mặc gọi là áo dài tay raglan.

Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt ảnh 8
Trong suốt quá trình hình thành và hoàn thiện của mình, chiếc áo dài không ngừng được cải tiến, cách tân để có vẻ đẹp hiện đại mà đặc trưng hồn Việt làm tôn sự duyên dáng, kín đáo mà quyến rũ của vóc dáng phụ nữ Việt Nam.
Tuy nhiên, bất cứ sự cải tiến, cách tân nào của chiếc áo dài cũng đều gây ra sự tranh cãi không dứt.

Năm 1958, bà Trần Lệ Xuân, lúc đó là vợ của ông Ngô Đình Nhu – cố vấn trong chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã phổ biến chiếc áo dài không cổ, có thể xuất phát từ mẫu thiết kế của một nhà tạo mẫu người Mỹ gốc Nhật vẽ kiểu được nữ diễn viên Kiều Chinh trình diễn lần đầu tiên tại Sài Gòn cùng thời điểm.

Song, với sự lăng xê chiếc áo dài này của bà Trần Lệ Xuân, người dân gọi luôn kiểu áo dài này là áo dài Trần Lệ Xuân. Chiếc áo dài này vẫn may tay raglan, nhấn eo, hai tà dài, gài nút bên phải mặc với quần dài, tuy nhiên cổ khoét tròn, khoét thuyền hay khoét hình tim để tạo sự thoải mái cho người mặc, phù hợp với khí hậu nhiệt đới.
Tuy áo dài Trần Lệ Xuân được phổ biến rộng rãi cho đến tận hôm nay nhưng vẫn có không ít ý kiến cho rằng chiếc áo dài này làm mất vẻ kín đáo, nét duyên của phụ nữ Việt.
Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt ảnh 10
Trong thập niên 1960-1970, tại miền Nam Việt Nam, không rõ từ đâu phụ nữ Việt, từ người nổi tiếng cho đến giới bình dân đều thịnh hành mốt áo dài chít eo, mặc với áo ngực chóp nhọn.
Chiếc áo dài kiểu này may cổ khá cao, eo ngoài nhấn các đường ôm sát còn được chít hông sao cho thật sát vào bụng người mặc để làm nổi bật vòng eo thon nhỏ và làm lộ phần ngực được nâng cao với chiếc áo ngực có chóp nhọn hẳn ra.
Áo dài xưa – nay: Mãi còn hồn Việt ảnh 11
Cũng trong khoảng thời gian này, Sài Gòn xuất hiện phong trào áo dài mini rất được giới nữ sinh, sinh viên và thanh thiếu nữ trẻ tuổi ủng hộ.
Chiếc áo dài mini may tà ngắn đụng chấm đầu gối, không chít eo, tà hẹp, mặc với quần ống lòa xòa. Áo dài mini Sài Gòn phù hợp với nữ sinh vì gọn gang, làm tôn sự dễ thương, sinh động của các thiếu nữ trẻ, nhưng vẫn gặp luồng như luận phê phán loại áo dài này quá hippy.

Sau 1975, do đời sống chính trị xã hội có sự thay đổi trong buổi giao thời nên chiếc áo dài gần như biến mất. Mãi đến thập niên 1990, chiếc áo dài mới trở lại trong đời sống của người Việt một cách mạnh mẽ.

Nữ sinh, giáo viên, nhân viên công sở, ngân hàng, tiếp viên hàng không… đi làm, đi học đều mặc áo dài như đồng phục.

Năm 1989, cuộc thi Hoa hậu Áo dài lần đầu tiên được tổ chức với hoa hậu xinh đẹp Kiều Khanh được trao vương miện.
Hàng loạt cuộc trình diễn thời trang áo dài được tổ chức, với sự xuất hiện của nhiều nhà thiết kế áo dài tên tuổi như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Liên Hương, Võ Việt Chung, Việt Hùng…

Từ nhiều năm qua Festival Huế liên tục có những đêm lễ hội áo dài hoành tráng, lung linh rực rỡ. Cho đến nay, Sở Du lịch TP.HCM cũng đã nhiều lần tổ chức thành công Lễ hội áo dài TP.HCM vào tháng ba khiến phong trào mặc áo dài trong đời sống người dân càng thêm trăm hoa đua nở.

Từ đó đến nay chiếc áo dài liên tục được cách tân, biến đổi, xuất hiện áo dài may bằng đủ thứ loại vải vóc như vải jean, vải cotton, vải linen…; còn có áo dài mặc với quần tây, quần jean, quần thun bó, áo dài cổ sen, áo dài cổ sơ mi, áo dài tay ngắn, tay lỡ…; áo dài mặc với váy…

Song, bên cạnh những biến tấu làm chiếc áo dài ngày càng đẹp và hiện đại, vẫn có những biến tấu làm chiếc áo dài trở nên hở hang, thô kệch và kỳ dị đến không còn nhận ra đó là chiếc áo dài.

Bởi thế, công luận luôn đòi hỏi ở mỗi chiếc áo dài phải thật sự mang trong mình nó  hồn Việt, tức vẻ duyên dáng, kín đáo, mềm mại nhưng vẫn tôn dáng vẻ của phụ nữ Việt.