Ấn tượng Võ Văn Kiệt - Ánh lửa giữa đêm đen

. Phóng viên: Thưa nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều dấu ấn cho đất nước cả trong chiến tranh lẫn sau hòa bình, ông chọn đưa vào kịch bản phim của mình ấn tượng nào?

+ Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Tôi chọn thời điểm sau Hiệp định Paris (1973). Thời điểm này, Bộ Chính trị chủ trương ngưng chiến, thực hiện tinh thần hiệp định nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở khu 9 lại nhân đó thực hiện chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ lấn đất giành dân. Lúc này, ông Võ Văn Kiệt đang là bí thư Khu ủy khu IV. Ông Kiệt giả dạng quá giang xuồng để nghe tâm tư của dân. Đâu đâu dân chúng cũng thắc mắc: “Sao mình không đánh?”. Bộ đội cũng bồn chồn, ngồi buồn bã uống rượu vì cứ phải lẩn trốn mà không được đánh trả. Ông Kiệt quyết “xé rào”, tuyên bố: “Tôi thi hành mệnh lệnh của đất của dân, với tôi đây là mệnh lệnh thiêng liêng nhất. Đây là chủ trương của tôi, tôi sẽ tự chịu trách nhiệm”. Nhờ đó, ở các chiến trường khác bị lấn mất đất, mất dân rất nhiều, riêng ở Quân khu 9, nơi địch tập trung quân đông nhất, ông Kiệt vẫn giữ chắc vùng. Người xem sẽ thấy hình ảnh một ông tướng có sáng tạo đột phá, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

. Về chính trị, quân sự đánh địch mà không có trung ương chi viện sẽ khó khăn, còn về kinh tế, hậu cần thời đó thì sao?

+ Lúc đó, tình hình hậu cần rất khó khăn, tài chánh chỉ có “đôla xanh” của Hong Kong trong khi Sài Gòn chỉ xài “đôla đỏ”, ông Kiệt tìm cách móc nối với cơ sở để đổi tiền, chăm lo đời sống cho anh em. Ông ra lệnh cấm rượu tuyệt đối, đây cũng là thời gian ông Kiệt bỏ thuốc lá. Từ trong thành ra, ông Kiệt quen hút thuốc lá thơm nên vào khu hút thuốc lá đen không nổi. Biết ông có ý bỏ thuốc lá, có người kiếm thuốc lá thơm cho ông và nói: “Hổng lẽ cả cái quân khu này không lo nổi cho anh mỗi ngày một gói thuốc lá thơm!”. Ông Kiệt trả lời: “Như vậy không giống ai”, rồi ông quyết tâm bỏ thuốc lá cho đến cuối đời.

Ấn tượng Võ Văn Kiệt - Ánh lửa giữa đêm đen ảnh 1

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm một đơn vị thanh niên xung phong. Ảnh: Tư liệu

. Thưa ông, trước đây ông đã từng viết kịch bản cho phim tài liệu Ấn tượng Võ Văn Kiệt, và giờ là phim truyền hình với không ít nguồn tư liệu “độc quyền”, do đâu ông hiểu rõ về cố thủ tướng như vậy?

“Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn của địch ở địa bàn Chương Thiện năm 1973 là thắng lợi của sự lãnh đạo và chỉ huy sáng tạo, tài tình của Đảng ta mà trực tiếp là Khu ủy và Quân Khu ủy Khu 9; là chiến thắng của tinh thần đoàn kết gắn bó - quân với dân là một, là chiến thắng của tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của các lực lượng vũ trang - đặc biệt là của các đơn vị chủ lực của quân khu…”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

+ Khi làm phim tài liệu, tôi ngồi thu âm nhiều lần, nhiều buổi ông Kiệt kể về cuộc đời ổng, đó cũng là tư liệu để tôi viết phim truyền hình bây giờ.

. Có phải ông có mối quan hệ thân tình với cố thủ tướng?

+ Ông Kiệt biết tôi là một nhà văn. Sau giải phóng, năm 1979 cả miền Nam bị dịch sâu rầy phá lúa trầm trọng. Lúc đó, tôi có biết một giống lúa duy nhất của anh nông dân Hai Chung là không bị sâu rầy. Tôi đã gửi lúa đó cho ông Kiệt, sau đó ông Kiệt đã rủ tôi xuống nhà anh Hai Chung để nghiên cứu về giống lúa rồi chỉ đạo nhân rộng ra cho bà con nông dân. Từ đó, chúng tôi quý nhau vì cùng quan điểm: đi tới đâu, thấy cái gì lợi cho dân thì làm. Sau này, những phong trào văn nghệ ở Sài Gòn, ông Kiệt đều rủ tôi tham gia.

. Hình ảnh của cố thủ tướng ngoài đời và trong phim có gì khác nhau, phim có những chi tiết hư cấu nào?

+ Dĩ nhiên là có hư cấu rồi, phim phải có hư cấu, hư cấu dựa trên cơ sở thật, còn hư cấu gì phải chờ coi phim chớ. (Cười)

. Theo ông, làm sao để bộ phim truyền hình Ấn tượng Võ Văn Kiệtthu hút được giới trẻ?

+ Nó sẽ thu hút được nếu nó hấp dẫn. Nghĩa là kịch bản viết tốt tạo được hứng khởi cho đạo diễn và diễn viên.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản phim về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo lời mời của Đài PT-TH Vĩnh Long. Nhà văn đang phân vân nhiều cái tựa cho kịch bản của mình nhưng ông ưng ý nhất là tựa Ánh lửa giữa đêm đen. Dự kiến đến tháng 6, kịch bản sẽ hoàn tất. “Tôi có nhiều chuyện bận rộn, không tập trung vào viết được như thời viết kịch bản phim Cánh đồng hoang, hồi đó tôi viết có một tuần là xong” - nhà văn tâm sự.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm