Âm nhạc đang đi vào quỹ đạo của chòm sao xấu!

Bất ngờ, gặp lại anh, nhạc sĩ Quốc Dũng, lặng lẽ trong phòng thu và giật mình vì con người của âm nhạc, sống chết với âm nhạc ấy mở đầu cho cuộc trò chuyện về âm nhạc với chúng tôi bằng “tuyên bố” cực đoan: 10 năm nay tôi không nghe gì nữa, cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại! Và cuộc trò chuyện với anh có không ít sự cực đoan nữa, có thể gây “sốc” với nhiều người, nhưng không phải không có những điều phải suy nghĩ.

Cả đời gắn với âm nhạc nhưng bây giờ… sợ nhạc!

* 10 năm không nghe gì nữa? Tôi có nghe nhầm không, thưa anh?

Quốc Dũng và vợ, ca sĩ Bảo Yến
Quốc Dũng và vợ, ca sĩ Bảo Yến

- Bạn không nghe nhầm đâu. Xem ti vi nếu thấy có ca nhạc là tôi chuyển kênh khác. Đi cà phê tôi sợ tất cả những quán bật nhạc, phải đề nghị họ tắt đi hộ, nếu không thì mình phải đi chỗ khác. Cả đời gắn với âm nhạc nhưng bây giờ tôi lại rất sợ nhạc. Nhạc bây giờ xuống cấp cả từ âm nhạc lẫn người hát. Các ông bầu, các nhà biên tập âm nhạc dường như đang tung hô những nhân vật quái dị trong âm nhạc và vô tình tạo thẩm mỹ rất thấp trong giới trẻ bây giờ. Và tôi tin là không phải chỉ một mình tôi có cảm giác như thế.

* Gượm đã, anh có thể nói một cách cụ thể hơn nhận định của anh về sự xuống cấp của âm nhạc hiện nay, về âm nhạc và về người hát?

- Tôi không bàn về lời ca khúc bây giờ, nghe thoáng qua vài câu đã thấy dở rồi, đã không muốn nghe nữa, mà chỉ chú ý tới giai điệu. Quan điểm của tôi, đã là ca khúc thì phải dễ nhớ. Xưa tôi tự tin mình có trí nhớ âm nhạc rất tốt nhưng lại không thể nhớ được những bài hát bây giờ. Nhạc hiện nay bắt chước nhau nhiều quá, nghe thấy quen, thậm chí có những bài nghe câu nào cũng quen tai, nhưng phát triển giai điệu không có logic nên không nhớ nổi.

Điểm qua một loạt các ngôi sao, có nhiều người tôi không hiểu tại sao họ lại là “sao”? Ngày trước, khi tôi còn làm ban nhạc, những giọng ca như vậy chưa chắc đã xin được lên sân khấu biểu diễn! Chất giọng của một số ca sĩ đang được xem là thần tượng của giới trẻ, có rất nhiều fan hâm mộ trên mạng, tôi thì thấy giọng như... mèo, giọng robot, hoàn toàn do máy sửa. Và khi tôi nghe ca sĩ này hát thật trên truyền hình, thấy thật sự chỉ như người hát karaoke!

Là người làm việc nhiều năm trong phòng thu, những nhận xét của tôi hoàn toàn không cảm tính, có những cái chuẩn chung cho một giọng hát hay. Có một vài ngôi sao đang cực kỳ nổi tiếng, tôi không tiện nêu tên, chất giọng kém, vô phòng thu là biết liền, giọng thiếu bass, thiếu treble và khi hát làm biến dạng bài hát quá nhiều. Tôi rất buồn nếu họ hát bài của mình.

Vẫn có một số giọng ca hay, nhưng nói tới tên thì không ai biết. Trong khi nhiều giọng ca không xứng đáng lại đàng hoàng bước trên thảm đỏ...

Chính vì vậy nên tôi sợ âm nhạc thời đại này, không muốn dính líu gì tới nó nữa.

* Anh có nghĩ rằng mỗi một thời kỳ âm nhạc lại có những thẩm mỹ và con người mới của nó và những cái mới khi vừa manh nha hình thành thường tạo nên những cú sốc với những cái đã có, đã được thừa nhận. Những bất công như anh nói thời nào mà chả có!

- Thời trước có nhưng không nhiều. Bây giờ thì quá nhiều bất công và rất cay đắng. Tất nhiên tôi nói vậy không có nghĩa tất cả các chương trình đều dở, nhưng bài hay quá hiếm, không ai đủ kiên trì ngồi 1-2 tiếng đồng hồ để chờ nghe một bài hay.

* Có thể thẩm mỹ thời nay của giới trẻ đã khác và suy nghĩ của anh bị coi là lạc hậu thì sao?

- 30 năm trước, khi tôi còn trẻ, tôi vẫn yêu thích những dòng nhạc trước đó. Thế hệ tôi dù chơi nhạc trẻ nhưng rất gần gũi với âm nhạc cổ điển, với âm nhạc Việt trước 1954. Còn giới trẻ ngày nay đại đa số không cảm được những dòng nhạc trước họ. Trình độ thẩm mỹ âm nhạc mặt bằng chung ở Việt Nam quá thấp, thấp hơn thế hệ trước rất nhiều. Đó mới là vấn đề.

Tôi có gặp nhiều người Mỹ cùng tuổi, họ cũng không hiểu vì sao nhạc Mỹ bây giờ kém thế so với thời của The Beatles, của Carpenters... Từ Madonna đã bắt đầu kém.

Tôi không nghĩ lỗ tai mình đã lạc hậu, đã không cảm nhận được cái mới. Nhiều ca khúc mới thật sự phạm nhiều lỗi về sáng tác.

* Nhưng ca sĩ làm thế để phục vụ khán giả?

- Có hai loại khán giả: khán giả Tĩnh và khán giả Động. Có những khán giả thích reo hò nhưng có những khán giả thích ngồi yên thưởng thức, không thể căn cứ trên tiếng la ó của khán giả để đánh giá. Đám trẻ bây giờ đa số thích huyên náo, thích ra yêu sách “hát bài này đi, hát bài kia đi”.v.v. để chứng tỏ mình biết, nhưng thật ra biết rất ít. Còn những khán giả lớn tuổi thì nhẫn nại, chịu đựng. Khi ca sĩ xuất hiện, không một khán giả lịch sự nào gào bài hát mình thích cả!

* Vậy anh lý giải thực tế đáng buồn này ra sao?

- Tôi nghĩ thực tế này có trách nhiệm của các đài phát thanh, truyền hình, các phương tiện truyền thông, đã dung túng cho việc giáo dục thẩm mỹ quá thấp cho công chúng. Không khó để phát hiện ra những giọng ca tốt, những bài hát hay nhưng tôi không tin những người biên tập âm nhạc làm việc vô tư. Thời trước, khi các đài phát thanh truyền hình còn ít, chương trình chất lượng hơn. Nay các đài, các chương trình bung ra, một số người được Nhà nước trao nhiệm vụ quản lý văn hóa thiếu khả năng kiểm soát hiệu quả tình hình.

* Nhưng thưa anh ở Mỹ thì các đài phát thanh và truyền hình xưa nay vẫn thế...

- Đúng như vậy. Và có lẽ nên giải thích điều này bằng... chiêm tinh học. Thập niên 1960-1970, trái đất chịu ảnh hưởng của chùm sao nào đó khiến âm nhạc toàn thế giới phát triển rực rỡ. Bây giờ quỹ đạo trái đất đang chịu ảnh hưởng của chòm sao xấu. Những bản nhạc hay bây giờ hoặc viết từ trước đó, hoặc phải 30 năm sau mới thấy hay. Những bản nhạc hay bây giờ không có cửa!

* Nghe có vẻ mê tín quá...

- Không phải mê tín. Có những điều bây giờ chưa thể giải thích được, nhưng sau này có thể giải thích. Ví như chuyện người ngày xưa nghĩ có chiếc gương thần có thể nhìn thấy người thân ở xa đang làm gì, thì có khác gì bây giờ truyền hình trực tiếp?

* Vậy có nghĩa là thời thế đã vậy rồi, không làm gì thay đổi được?

- Tôi bảo con hãy cứ làm những gì mình thích, còn để thay đổi thì rất khó. Để thay đổi, mặt bằng dân trí phải cao lên. Mà ngành giáo dục ở ta thì có quá nhiều vấn đề. Không hiểu vì sao có những môn học, những kiến thức chúng tôi học 40 năm trước giờ vẫn nhớ, mà bọn trẻ bây giờ học như điên nhưng thi xong là quên. Con tôi học hết lớp 12 mà rất dốt về kiến thức. Học sinh tốt nghiệp lớp 12 ở Việt Nam, theo tôi đều không bình thường về kiến thức. Mới rồi, đọc bài báo nói chuyện đứa trẻ làm bài toán một quả cam cộng hai quả cam thì biết, nhưng nếu đổi quả cam thành quả khác là... không biết, thì thấy!

Đó là chưa nói tới âm nhạc. Thử hỏi có thầy cô nào ở Nhạc viện hát thành công không, ngay cả khi họ còn trẻ? Có thầy nào dạy hòa âm được đặt hàng làm hòa âm không? Thực tế toàn những người tự học hòa âm lại trở thành những nhạc sĩ hòa âm vedette!

Tôi không thích làm mới đâu!

* Vẫn thấy anh miệt mài trong phòng thu, tức là vẫn không “cắt đứt” hoàn toàn?

- Tôi vẫn đang phối nhạc cho một số ca sĩ trong nước và hải ngoại. Làm hoàn toàn theo ý thích, không làm nhạc bây giờ, mà làm nhạc xưa, từ thập niên 1960 đến 1980, và phối theo cách xưa. Chỉ có phương tiện thu thanh mới và chất lượng âm thanh mới.

Vì với tôi đỉnh cao của âm nhạc thời tôi sống là của thập niên 1970, không biết sau đây có cái nào cao hơn nữa không và bao giờ thì nó xuất hiện. Thập niên 1980-2000 xem như dừng lại và từ năm 2000 tới nay thì lùi nhanh chóng mặt.

Tôi thấy mình may mắn vì đã dừng lại đúng lúc, đã từ giã sân khấu ca nhạc đúng thời kỳ nó tuột dốc, để không phải đàn những bản nhạc mình ghét, không phải đệm cho những ca sĩ mà giọng hát mình không thích. Những khách hàng của tôi bây giờ cũng giống tôi.

* Anh nhàn hơn trước?

- So với hồi những năm 1990, lúc làm như trâu, một ngày phối và thu âm tới 20 bài, thì bây giờ chỉ còn làm một ngày một bài. Công việc hiện nay đòi hỏi phức tạp hơn xưa, chậm lại nhưng chất lượng cao hơn. Xưa, thú thực là tôi làm vội, hơi dối. Bây giờ hòa âm của tôi tinh tế hơn, cẩn thận hơn trước, nhưng không mới. Tôi không quan niệm làm âm nhạc cho khác - phá thì khác ngay. Nếu phối lại mà hay hơn thì tôi mới làm. Tôi không theo khuynh hướng thay đổi. Một bài phối slow-rock thì vẫn sẽ là slow-rock chứ không phối lại theo một phong cách khác. Khi một ca sĩ đến nhờ làm nhạc, tôi nói luôn: Tôi không thích làm mới đâu! Nếu thích làm mới thì có thể tìm nhạc sĩ khác! Duy nhất chỉ có một người làm mới (phối khí) mà hay hơn, tôi kính phục, là Paul Mauriat.

* Anh vẫn viết chứ?

- Tôi vẫn viết và viết theo thị hiếu thời đại của tôi (thập niên 1970), tất nhiên với cố gắng cái viết sau phải hay hơn cái trước đó. Vì vậy nếu nghe sẽ thấy cổ dù là sáng tác mới nhất. Tôi chẳng có bài nào “hot” cả. Những bài hay từ từ rồi người ta cũng sẽ biết.

Ngoài ra tôi muốn tìm những giọng ca hay để giới thiệu với những người biên tập, các nhạc sĩ, ông bầu. Tôi muốn trả lại một phần sự công bằng. Nghe ở đâu giới thiệu có giọng ca mới, tôi đi ngay. Tới phòng trà tôi chỉ thích nơi nào có những tên mới, nếu chỉ thấy tên quen thì tôi không vào!

* Vậy anh đã phát hiện được những ai rồi?

- Tôi mới biết một giọng hát nam, nghe trong phòng thu thấy hay và thậm chí có thể còn hay hơn Bằng Kiều. Giọng hát Bằng Kiều có quá nhiều ưu điểm, nhưng vẫn có khuyết điểm, còn giọng này nghe không thấy có khuyết điểm. Nếu cậu ta không nổi thì cuộc đời bất công quá. Nghe nói cậu ta có thi Vietnam Idol, có cái tên hơi giống con gái: Ngọc Anh hay Ngọc Ánh gì đó (vì viết không dấu). Giọng nữ thì có một cô tên Thu Trang, người gốc Quảng Ninh, khó có giọng nữ mới nào qua được cô này.

* Thu Trang thì tôi chưa biết, nhưng Ngọc Ánh (chứ không phải Ngọc Anh) thì tôi ngạc nhiên vì đúng là anh “10 năm không nghe gì nữa”: Giải nhì Vietnam Idol đầu tiên Ngọc Ánh đã được rất nhiều người biết tới và bầu chọn, cũng là gương mặt tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng 1-2 năm trước. Bởi vậy, sự bất công, nếu có, với Ánh, thì chắc là vì anh đã chỉ về nhì trong cuộc đua với Phương Vy...

- Đúng là tôi không quan tâm tới tình hình bên ngoài. Với ca sĩ, chỉ nghe giọng hát chứ không quan tâm tới danh hiệu của họ. Tôi cũng chưa nghe Phương Vy.

* Vậy anh có nghĩ mình cũng bất công vì đã không quan tâm được hết những gì đang diễn ra trong dời sống âm nhạc mà đã rất bi quan về nó?

- Có thể. Vì vậy tôi vẫn nghĩ hiện tại có nhiều ca sĩ hay, nhạc sĩ giỏi và bài hát hay. Nên cố gắng, trong khả năng của mình, lấy lại sự công bằng cho họ một cách vô vụ lợi.

* Bằng cách nào khi mà anh đã “rửa tay gác kiếm”?

- Bằng kinh nghiệm và những quan hệ, uy tín trong hơn 40 năm hoạt động âm nhạc của mình, tôi giới thiệu những người tôi đánh giá cao với những bạn bè đang làm việc. Có thể tôi rất quá khích khi bài bác cái dở và quá khích khi giới thiệu cái hay. Nhưng tôi tin những gì mình nói có ép phê. Và bản thân thì cố gắng làm những gì theo tiêu chuẩn chung của thế giới và chuẩn mà mình thấy đẹp. Tôi không “rửa tay gác kiếm” mà chỉ sợ càng tiếp xúc với bên ngoài mình càng xuống tinh thần.

Hạnh phúc của tôi là làm cho người khác hạnh phúc

* Anh có vài ngôi nhà, từng có xe hơi. Tất cả đều do âm nhạc mang lại?

- Âm nhạc đã mang lại cho tôi đời sống khá tốt. Tốt nhất là cách đây 20 năm, khi tôi còn chuyên về trình diễn, có thời điểm tôi làm trưởng ba ban nhạc một lúc, cùng lấy tên Ban nhạc Quốc Dũng. Uy tín của ban nhạc thời đó mạnh tới mức chương trình treo cả bandroll tên ban nhạc.

Bây giờ nhiều lúc tôi cũng nhớ nghề trình diễn, cũng muốn hợp tác với vài người bạn kiếm một mặt bằng nào đó trong thành phố, mở một phòng trà chỉ chơi nhạc hòa tấu. Mơ thế thôi, vì tiền mặt bằng bây giờ quá đắt.

* Bi quan thế với tình hình ca nhạc, vì sao anh để con trai Khải Ca tiếp tục bước chân vào con đường ca hát? Anh có giúp Khải Ca trở thành ngôi sao hay không?

- Tôi không nghĩ sẽ làm cháu thành ngôi sao và cũng không muốn như vậy. Tôi chỉ muốn Khải Ca là một trong những sứ giả truyền bá cái đẹp của âm nhạc, nhưng làm được điều đó hay không còn tùy thuộc vào khả năng của nó. Tôi chỉ là người hướng dẫn, còn kết quả phụ thuộc vào nhiều thứ: vào khả năng trời cho, vào một chút sự khổ luyện và cả may mắn. Tuy nhiên tôi không kỳ vọng nó sống bằng âm nhạc.

Gia đình nghệ sĩ Quốc Dũng - Bảo Yến trong một chuyến đi nghỉ ở Đà Lạt
Gia đình nghệ sĩ Quốc Dũng - Bảo Yến trong một chuyến đi nghỉ ở Đà Lạt

* Còn cậu con trai thứ hai, Bảo Châu, tôi nghe nói anh lại rất kỳ vọng vào khả năng âm nhạc của cháu?

- Bảo Châu đang học lớp 11, rất có khiếu âm nhạc. Hiện nay khi tôi phối bài tới phần piano là nó đàn giúp. Tương lai Bảo Châu giỏi hơn tôi nhiều, nếu nó không nổi tiếng thì đó cũng là sự bất công. Lối đàn của nó đầy sáng tạo và ngẫu hứng. Con đường tồi tệ nhất của nó, chấp nhận bất công, là làm một nhạc công. Nhưng tôi kỳ vọng cháu là một kiểu Paul Mauriat. Nếu ông ấy còn sống, tôi sẽ tìm cách dắt nó đến gặp ông ấy và tôi tin Paul sẽ nhận nó làm đệ tử!

Tương lai nối nghiệp âm nhạc gia đình, tôi kỳ vọng ở Bảo Châu. Bản thân tôi rất tự tin và tự hào về cháu, nhưng để công chúng ở Việt Nam thừa nhận, đó lại là chuyện khác.

* Bây giờ hạnh phúc của anh là gì? Niềm say mê của anh là gì? Và tình yêu, liệu có tin được người đàn ông cũng có tiếng đào hoa này chịu “rửa tay gác kiếm” với tình yêu?

- Hạnh phúc của tôi là làm cho người khác hạnh phúc, những người có duyên gặp gỡ, những người hoặc tôi thấy đáng thương, hoặc mến phục tài năng và nhân cách của họ. Say mê à? Từ hồi nào tới giờ tôi say mê kiếm tiền. Vì với tôi, tiền là phương tiện để giúp đỡ người khác. Giờ này nhìn tôi không dư tiền là đủ hiểu. Nhà tôi thường xuyên cho sinh viên nghèo tới ở, có lúc 2-3 đứa, có đứa nhà tôi bao ăn luôn! Còn tình yêu? Hiện nay tôi không còn yêu nữa. Tới tuổi này yêu cũng khó, và cũng không nên yêu nữa. Vì sao à? Bản chất cọp là phải ăn thịt, tôi tin đa số đàn ông cũng giống tôi, thích yêu những cô gái trẻ, nhưng ở tuổi tôi bây giờ, con gái lớn đã 37 tuổi rồi thì không thể và không nên nữa. Tôi có viết bài hát Khoảng cách nói về tâm trạng này, tại sao hơn 50 tuổi rồi lại yêu người nhỏ tuổi hơn con gái mình? Nhưng thú thực, những cô trên 30 tuổi tôi không yêu được nữa!

* Tức là thấy mình già?

- Từ năm 2000 thì có cảm giác ấy. Có một lúc một loạt “đối tượng” mà mình để ý, tự nhiên gọi mình bằng chú, thậm chí có người gọi bằng bác, là thôi luôn.

* Tức là hoàn toàn không yêu nữa?

- Trước yêu là sống trong tình yêu. Còn bây giờ vẫn yêu, thậm chí rất yêu, yêu say đắm, nhưng không được sống trong tình yêu, yêu mà chỉ giữ cho mình, không thổ lộ. Thế mới khổ!

* Thế khi vợ anh, ca sĩ Bảo Yến nói “chuyện ba người” và “tình yêu bên lề” của chị ấy, anh không ghen à?

- Tôi nghĩ chắc hiếm ai giống mình - không biết ghen, từ điển của tôi không có chữ này. Nếu vợ tôi có tình yêu khác, tôi không can thiệp. Nếu sự im lặng của tôi mang lại hạnh phúc cho hai người thì tôi im lặng.

* Nhưng chắc là vợ anh, từng là một ngôi sao nổi tiếng trong làng ca nhạc, khó có thể im lặng được với người chồng, cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng, lại sống một cuộc sống rất giản dị, xem ra chẳng có tí gì là ngôi sao này...

- Có nhiều thứ tôi khác Yến. Vợ con đi xe máy đời mới, xe hơi, nhưng tôi chỉ thích đi xe đạp vì không phải đội nón bảo hiểm. Quần áo tôi mua không có cái nào trên 60.000 đồng. Tôi không thích đút đầu vô mấy nhà hàng sang trọng. Tôi ăn bánh bèo 15.000 đồng nhưng mua bánh pizza 140.000 đồng cho con. Chỉ dùng điện thoại mấy trăm ngàn nhưng vẫn mua iPhone cho vợ và con. Nếu đi ăn một mình hoặc những người bạn thân, tôi chỉ thích ăn ở những quán nhỏ, họ là những người nghèo, mua hàng của họ tôi không bao giờ trả giá. Những quán sang trọng họ đã giàu rồi, tại sao mình phải tiếp tay cho họ giàu thêm. Ý nghĩ ấy đã tập cho cơ thể tôi quen với lối sống ấy. Không phải keo, nhưng giống như con bò chỉ thích ăn cỏ, có cho nó cao lương mỹ vị gì nó cũng không ăn!

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Theo Phạm Thị Thu Thủy (TT&VH Cuối tuần)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm