66 tuổi vẫn miệt mài tìm điệu hát ru dân tộc

Nhiều năm nay, cô Cao Minh Hiền (66 tuổi) một mình đi đến các dân tộc khác nhau ở vùng Tây Bắc để tìm hiểu và tìm cách thu lại những điệu hát ru nơi đây. Cô nói: “Già hay trẻ không ở tuổi tác mà ở nhiệt tâm của mình”.

Ghiền điệu hát ru từ thuở nhỏ

Cô Hiền kể cô sinh ra ở Thanh Hóa nhưng được mẹ đưa lên Lai Châu để sinh sống từ lúc còn chưa biết đi. Tiếng ru của mẹ đã theo cô suốt những ngày còn nằm trong vành nôi, được mẹ địu trên vai lên nương rẫy…

Cô Hiền bảo những lời ru của mẹ không chỉ là lời hát ru cho con dễ ngủ mà đó như lời khuyên, dạy dỗ chị em cô biết yêu thương, trân trọng những giá trị của cuộc sống, tình cảm giữa con người với con người. “Tôi cảm nhận rõ hơn về cuộc sống, về con người qua chính lời ru của mẹ nên tôi dành tình yêu của mình với hát ru ngay từ khi còn rất bé” - cô nói về cái duyên của mình với hát ru.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những lúc gặp phải khó khăn của cuộc sống, phải tha hương cầu thực ở nhiều nơi, loay hoay với nỗi lo về cơm áo gạo tiền... cô Hiền vẫn giữ cho mình những ký ức đẹp đẽ về hát ru. “Lúc nào cũng vậy, tôi cảm nhận rõ là tiếng hát ru cứ đầy ắp trong tôi dù trong cả lúc bĩ cực nhất của cuộc đời” - cô nói chân thành.

Chắc vì lẽ đó mà khi đã trải qua hết những buồn vui trong cuộc đời mình, khi về già cô Hiền lại muốn giữ gìn những mảng ký ức về hát ru bằng cách tự mình đi tìm lại những điệu ru của dân tộc, của quê hương.

Cô Hiền thường xuyên tham gia các cuộc trò chuyện, giao lưu. Ảnh: TL

Sống đến cùng với đam mê

Cô Hiền kể dù trong cô lúc nào cũng nồng cháy cái khát khao được lan truyền những điệu hát ru cho mọi người nhưng bản thân cô chưa tìm ra cách để truyền đam mê của mình đến với mọi người. Mãi cho đến một ngày của hơn 10 năm trước, cô có cơ duyên được tham gia buổi sinh hoạt của Hội quán Các bà mẹ về hát ru. Chính những lần đi sinh hoạt cùng mọi người, được gặp gỡ GS Trần Văn Khê đã luôn thôi thúc cô phải làm gì đó với điệu hát ru của dân tộc mình.

“Trong buổi đó, tôi mạnh dạn đứng lên xin hát bài ru Công cha nghĩa mẹ. Nghe xong mọi người ai cũng rơm rớm nước mắt. Lúc đó tôi cảm nhận rõ tình yêu của mình với hát ru trỗi dậy rất mạnh mẽ và tôi quyết làm cho bằng được” - cô Hiền kể lại.

Từ sau hôm đó, cứ có dịp là cô Hiền lại tham gia sinh hoạt cùng mọi người và tận dụng cơ hội để “xin” được hát ru cho mọi người nghe ở bất kỳ nơi đâu. Có nhiều người thấy cô cứ “xin” được hát mà không bao giờ hỏi đến chuyện tiền nong, cô trả lời thẳng thừng: “Tôi không cần tiền, không cần gì cả. Tôi chỉ cần đem tiếng hát, lời ru của mình đi cống hiến, để mọi người được nghe và cùng giữ gìn nó là tôi vui lắm rồi”.

Song song đó, cô Hiền còn tự mình dành dụm tiền để thực hiện những chuyến đi đến Tây Bắc để được nghe người dân hát ru và lưu lại. Tuổi đã cao, lại chỉ đi một mình, cô biết trước rằng sẽ có rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ cô cho phép mình bỏ cuộc. Con cái trong nhà lo lắng vì sợ cô không đủ sức, cô cũng gạt phăng đi mà quả quyết rằng cô sẽ làm được.

Cô Hiền nói cái khó nhất với cô là làm sao để xoay xở vừa quay hình vừa giao lưu với mọi người. “Tôi cũng già rồi nên việc dùng thiết bị cũng rắc rối lắm nhưng tự học là được hết. Cứ đi đến đâu, tôi lại nhờ thanh niên ở đó đi cùng để ghi lại giùm tôi, rồi cũng được tuốt” - cô Hiền cười.

Lúc mới bắt đầu, cô không nghĩ mọi người sẽ đồng hành cùng cô, chỉ có thể làm trong khả năng của mình. Nhưng càng lúc cô càng nhận được sự chia sẻ của nhiều người, cùng cô thực hiện nhiều chuyến đi đến nhiều nơi. “Tôi nghĩ rằng ai cũng có đam mê của riêng mình cả. Tôi đam mê hát ru, bản thân mình đam mê như thế mà mình không tìm tòi, không có khát khao gì với nó thì mình đam mê để làm gì” - cô nói.

Với suy nghĩ đó, trong suốt chặng đường 10 năm của mình, cô đã đi qua nhiều vùng khác nhau ở Tây Bắc, Việt Bắc để giao lưu và nghe người dân nơi đó hát ru, ghi lại những làn điệu hát ru thấm đẫm hồn dân tộc đó.

Nhiều người cùng đồng hành

Có nhiều người khi biết đến việc làm của cô Hiền đã cùng chung sức để giúp cô thực hiện ước nguyện của mình. Đó là những anh chị em Việt kiều người Úc, những chị em trong Hội quán Các bà mẹ TP.HCM, nhạc sĩ Tuấn Khanh, các thành viên trong Công ty TNHH Quảng cáo Du kích Thương hiệu (quận 7, TP.HCM) đã giúp cô có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục mong ước của mình.

“Tôi còn đang nuôi ước mơ sẽ cùng mọi người đi về miền trung du Bắc bộ, đồng bằng Bắc bộ, miền Trung Bắc bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ... để ghi lại những lời hát ru như mình đang làm. Ước nguyện của tôi là trước khi nằm xuống sẽ có thời gian để kịp ghi lại hết những lời ru đó, tôi muốn giữ hồn dân tộc mình qua những lời ru như vậy…” - cô Hiền nói.

“Hãy sống có hồn nhất khi có thể...”

Được đi, được cháy hết mình với đam mê của mình là điều duy nhất mà cô Hiền muốn làm trong suốt quãng đời còn lại của mình. Cô từng trải qua trận ốm nặng vào năm 2014 và phải mất hơn sáu tháng để khỏe trở lại. Bạn bè, con cái tưởng rằng cô sẽ thôi đi, thôi đam mê hát ru nhưng cô lại bảo: “Phải làm chứ. Còn sức thì còn làm chứ sao lại dừng lại được”.

Ở tuổi cô Hiền, thay vì sống yên vui bên con cháu như bạn bè, cô lại chọn sống hết mình với đam mê, với niềm tin dù có muôn vàn khó khăn... “Hãy sống có hồn nhất có thể” - cô gửi gắm lòng mình.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.