64 năm Đoàn Thanh Nga trong lòng khán giả

Trong những ngày vừa qua, công chúng yêu cải lương náo nức với thông tin sẽ có chương trình kỷ niệm 64 năm Đoàn Cải lương Thanh Minh Thanh Nga và kỷ niệm 36 năm ngày mất cố nghệ sĩ Thanh Nga quy tụ gần hết những nghệ sĩ cũ của đoàn. PV đã trao đổi cùng nghệ sĩ Bảo Quốc - người hậu duệ của Đoàn Thanh Minh Thanh Nga về sự kiện này.

Thương hiệu “cải lương xã hội”!

. Thưa nghệ sĩ Bảo Quốc, vì sao lại tổ chức chương trình kỷ niệm Đoàn Thanh Minh Thanh Nga vào thời điểm này mà không phải sớm hơn?

+ Có lúc gia đình chúng tôi - con cháu bà bầu Thơ của Đoàn Thanh Minh Thanh Nga - đã tính làm chương trình kỷ niệm cho đoàn sớm hơn nhưng cứ phân vân hoài là sẽ làm như thế nào cho đạt yêu cầu… Cứ tính tới tính lui mà để thời gian trôi qua. Giờ nhìn lại mới giật mình vì các cô chú, anh chị nghệ sĩ trong đoàn ra đi nhiều quá, phần còn lại như các anh chị Út Bạch Lan, Thanh Sang, Thanh Tú… ngày càng lớn tuổi, sức khỏe ngày càng yếu, không thể để lâu hơn nữa.

. Nói đến Thanh Minh Thanh Nga là công chúng nghĩ ngay đến một thương hiệu lớn về cải lương xã hội. Việc chọn phục dựng hai vở cải lương đều mang yếu tố cổ trang, màu sắc phải chăng vì lợi thế hai vở này được phổ biến rộng rãi qua tivi, còn băng hình tư liệu để phục dựng?

+ Chúng tôi cũng đã tính đến việc dựng lại một trong những vở cải lương xã hội kinh điển của đoàn như Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển… trong dịp này. Tuy nhiên, diễn cải lương xã hội hay rất khó, đòi hỏi nhiều thứ, khó nhất là cải lương xã hội kén diễn viên, đòi hỏi phải có những diễn viên diễn tâm lý giỏi, ca hay… Thế nên chúng tôi chọn Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh, cũng là những vở cải lương kinh điển của đoàn, một vở mang màu sắc bi hùng, một vở về tình yêu nhẹ nhàng được rất nhiều những thế hệ diễn viên sau này yêu thích, diễn lại, tạo sự hòa đồng dễ dàng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ tham gia chương trình. Công chúng cũng rất quen thuộc và yêu thích hai vở diễn kinh điển này.

 
Từ trái qua, nghệ sĩ Trọng Phúc vào vai Nhuận Điền và nghệ sĩ Vũ Linh vào vai  Trần Minh trong lúc tập vở Bên cầu dệt lụa. Ảnh: HÒA BÌNH

Lần giở ký ức để phục dựng vở diễn

. Chương trình kỷ niệm Đoàn Thanh Minh Thanh Nga nhưng danh sách nghệ sĩ lại có khá đông tên tuổi những nghệ sĩ các đại bang cải lương khác và những lĩnh vực khác?

+ Có những cái tên nghệ sĩ khiến người khác ít nghĩ đến Đoàn Thanh Minh Thanh Nga như chị Phượng Liên nhưng chị Phượng Liên cũng có hơn một năm gắn bó với đoàn giai đoạn sau 1975 rồi mới về Nhà hát Trần Hữu Trang. Thanh Hằng cũng từng là diễn viên trẻ của đoàn. Các nghệ sĩ như Lệ Thủy, Phương Hồng Thủy, Vũ Linh, Thành Lộc, Hoài Linh, Tú Sương, Vũ Luân… là những khách mời cho thấy có một sự giao lưu và kế thừa cho những vở diễn giá trị của Đoàn Thanh Minh Thanh Nga ở nhiều thế hệ, kéo dài cho đến bây giờ. Sự kết hợp nhiều thế hệ, nhiều nguồn nghệ sĩ này còn để bảo đảm sức khỏe cho những nghệ sĩ trụ cột của đoàn nay đều đã có tuổi, sức khỏe hạn chế.  

. Việc phục dựng hai vở diễn Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh lần này có gì khác và có mới, có theo đúng như ký ức của ông về hai vở diễn ấy không?

+ Tôi và Hữu Châu cùng đảm trách việc phục dựng lại hai vở này theo bản dựng gốc của hai đạo diễn Ngô Y Linh và Huỳnh Nga. Mọi thứ như âm nhạc, cảnh trí, đường dây kịch bản tôi đều cố gắng làm như gốc mình từng biết như âm nhạc sử dụng hoàn toàn dàn đờn cổ nhạc cũ chứ không xài đĩa hay điện tử thay thế. Tuy nhiên, về phục trang chúng tôi có làm mới và thêm vô cho đủ, cho đẹp hơn. Đó cũng là cách thuyết phục những khán giả trẻ mới đến với cải lương, qua hai vở diễn này thấy cải lương đẹp, gần với mình hơn mà yêu nó. Còn về diễn xuất chúng tôi không gò nghệ sĩ theo khuôn mẫu cũ mà để các anh chị tự do phát huy tài năng diễn xuất của mình.

Khán giả còn thương cải lương

. Với không khí náo nức ủng hộ chương trình từ công chúng cho đến giới nghệ sĩ trong những ngày qua, cảm xúc của ông như thế nào?

+ Tôi quá sức sung sướng và hài lòng. Trước khi làm chương trình tôi có những nỗi lo lớn: Mình mời anh em làm tham gia live show của mình thì dễ rồi, vì danh nghĩa đồng nghiệp hỗ trợ nhau. Còn như mời anh em đứng dưới một bảng hiệu đoàn hát gia đình, không biết anh em có nhận lời không. Rồi tôi lo khán giả có còn thương còn nhớ, còn ủng hộ cái tên Thanh Minh Thanh Nga không, có còn yêu cải lương không… Không ngờ khi mời thì các nghệ sĩ từ cũ đến mới, trong nước đến ngoài nước đều ủng hộ hết lòng, không nề hà vai lớn vai nhỏ gì hết. Khán giả nghe tin thì mua vé ủng hộ rất nhiều, vé bán rất nhanh.

. Vậy còn cảm xúc của ông với ký ức về Đoàn Thanh Minh Thanh Nga thời vang bóng thì sao?

+ Tôi bồi hồi xúc động như thấy mình đang sống lại những ngày tháng cũ trong Đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Buổi hội ngộ đầu tiên nhiều anh chị nghệ sĩ cũ của đoàn sau bao nhiêu năm không có dịp gặp nhau đã ôm nhau khóc, rồi cười nói rộn ràng như trong đoàn ngày nào. Tôi như thấy má tôi, bà bầu Thơ đang bắt cái ghế ngồi ở góc cánh gà xem tập tuồng. Ngày trước lần tập tuồng nào má tôi cũng đến sớm hơn nửa tiếng và bắt ghế ngồi bên cạnh xem; còn nghệ sĩ thì luôn đến đúng giờ hoặc đến sớm chứ không có cảnh đến muộn, người này ngồi đợi người kia như hay thấy ở các sân khấu bây giờ. Với hai vở diễn lần này, tất cả anh chị em nghệ sĩ dù cũ hay mới đều giữ nếp đến tập tuồng đúng giờ như ngày trước vậy, không khí rất cảm động.

. Sau chương trình này, ông và gia đình - gia tộc của mình sẽ làm những gì để kéo dài sức sống cho tên tuổi Đoàn Thanh Minh Thanh Nga?

+ Mọi việc chưa tính được bây giờ, cứ phải đợi chương trình kết thúc xem thực tế thế nào chúng tôi mới tính tiếp được. Nhưng chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án sẽ làm tiếp Nửa đời hương phấnThái hậu Dương Vân Nga.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm