48 tỉ đồng tu bổ, tôn tạo Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Theo Sở VH-TT-DL Hà Nội, việc tu bổ, tôn tạo này dự kiến chủ yếu cho phạm vi khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng, nhằm bảo vệ các cấu kiện gỗ khỏi nứt nẻ, ố mốc, mối mọt... tôn thêm vẻ đẹp, sự sang trọng, uy nghi cho khu di tích này.

Nhà bia tiến sĩ ở Văn Miếu...
Nhà bia tiến sĩ ở Văn Miếu...

Cụ thể: Nhà Đình bia, 8 nhà bia, Nhà Tả - Hữu vu, Nhà chuông - trống... sẽ được sơn quang. Riêng Nhà Thái học vừa được sơn son, thếp bạc, phủ hoàn kim lại vừa được sơn quang lại.

Riêng giai đoạn chuẩn bị, TP Hà Nội đã quyết định chi 322,7 triệu đồng, trong đó ngoài việc khảo sát, thu thập số liệu, lập đề cương, trình duyệt... còn dành kinh phí để tổ chức nhiều hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học về nội dung, hình thức các hạng mục dự định tu bổ, tôn tạo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở VH-TT-DL - chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn lập qui hoạch dự án tu bổ, tôn tạo này. Các công tác chuẩn bị dự kiến hoàn thành trong quý III/2009.

Bộ VH-TT-DL cũng vừa đề xuất phải có qui chế riêng về việc tu bổ, tôn tạo di tích, trước thực trạng nhiều đơn vị thi công trùng tu di tích chỉ là những công ty xây dựng, hoàn toàn không có kinh nghiệm với di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, một vấn đề quan trọng - theo Bộ này, cần giám sát liên tục chứ không chỉ chờ hậu kiểm...

Văn Miếu được xây dựng từ tháng 8 năm Canh Tuất (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của Hà Nội, với 2 di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An; Quốc Tử Giám là trường quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, trong hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn hiền tài cho đất nước...

Theo Thoại Mi (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm