2011, làng giải trí Việt bội thực “thảm họa”

Nếu năm 2010 cụm từ “thảm họa âm nhạc” chỉ dùng để nói về những bài hát quá kém thẩm mỹ từ giai điệu đến ca từ thì nay rất nhiều tờ báo khẳng định: thảm họa âm nhạc của năm 2011 là hát nhép. Vậy nên việc diễn viên Quỳnh Nga, ca sĩ Thu Thủy, giải nhì tiếng ca học đường Bạch Công Khanh rơi micro mà giọng hát vẫn lanh lảnh… đã hứng một làn sóng lên án đầy phẫn nộ của khán giả. Nhưng rồi việc hát nhép vẫn diễn ra tràn lan từ sân khấu ca nhạc đến ca cổ cải lương như một căn bệnh vô phương cứu chữa.

Từ thảm họa phim đến thảm họa hoa hậu

Không chỉ ở lĩnh vực âm nhạc, năm nay công chúng còn bị bội thực bởi “thảm họa” ở khắp các lĩnh vực văn nghệ giải trí. Đầu năm 2011, khán giả lẫn giới truyền thông vừa ngán ngẩm vừa đau đầu bởi “thảm họa phim truyền hình Việt”. Những bộ phim không ra phim như Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Gia đình số đỏ… liên tục chiếm sóng giờ vàng, “khủng bố” sự giải trí vào giờ tốt của người dân. Cũng trong năm nay lại rộ lên chuyện đạo diễn Việt kiều Victor Vũ “mượn” gần hết nội dung lẫn cách dàn dựng bộ phim Shattered của Mỹ để đưa vào phim Giao lộ định mệnh của mình. Sau đó, bộ phim Cảm hứng hoàn hảo với cách nhìn và lý giải lệch lạc về người đồng tính đã bồi thêm một “thảm họa” cho phim Việt.

Năm 2011, giới giải trí còn xôn xao bởi “thảm họa hoa hậu”, “thảm họa thời trang”. Công chúng, cộng đồng mạng đã thể hiện sự phẫn nộ, công kích ào ạt vào cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu bởi cuộc thi mang cái tên to tát trên thực chất chỉ là một chương trình văn nghệ tạp kỹ được tổ chức trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, có kèm theo phần thi hoa hậu để bán vé. Song, đỉnh điểm của sự phản cảm chính là việc vương miện của cuộc thi được trao cho một thí sinh bị dư luận cho rằng không xứng đáng khi “hồn nhiên” bộc lộ những suy nghĩ khá hời hợt và thực dụng trước giới truyền thông.

2011, làng giải trí Việt bội thực “thảm họa” ảnh 1

Một cảnh trong bộ phim Anh chàng vượt thời gian được cho là “thảm họa phim Việt 2011”. Ảnh: CTV

Còn chuyện “thảm họa thời trang” lại gắn liền với những lần nghệ sĩ xuất hiện trước công chúng trong trang phục biểu diễn phản cảm. Đó là lần ca sĩ Minh Hằng mặc chiếc quần ren có thể nhìn… xuyên thấu khi diễn ca nhạc từ thiện, là khi diễn viên Lý Nhã Kỳ để lộ gần hết phần ngực khi diễn kịch về tướng Giáp…

Trong mớ bòng bong của làng giải trí năm 2011, lĩnh vực văn học cũng không là ngoại lệ với sự cố liên quan đến hai cuốn sách: Sát thủ đầu mưng mủ, Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông.

Tìm công chúng bằng… scandal

Sau chuyện “lộ hàng” không rõ vô tình hay cố ý của giới giải trí vào các năm trước, năm nay có vẻ giới giải trí Việt đã tăng đô về độ “nóng”. Khó có thể kể hết những cái tên người mẫu, ca sĩ từ mới toanh đến đã có chút ít tên tuổi đua nhau xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với trang phục thiếu vải để mong nổi tiếng bằng… tai tiếng. Đó là trường hợp ca sĩ Duy Uyên, siêu mẫu Ngọc Bích, Ngọc Tình… với những bộ ảnh khỏa thân hoặc bán khỏa thân. Và rồi vụ ảnh khỏa thân của người mẫu Ngọc Quyên, Tiến Đoàn, clip ảnh nóng tự làm của diễn viên Kiều Trinh đã như giọt nước làm tràn cái ly bức xúc của công chúng về tư cách, hình ảnh của những người được cho là người của công chúng.

Cũng trong năm “thảm họa” này, công chúng không khỏi hoang mang trước những scandal liên quan đến đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ, đặc biệt là chuyện bất nhất về thân thế của cô. Ngỡ ngàng không kém là chuyện ca sĩ Ngọc Sơn với những tuyên bố vô vị về chuyện trai gái của bản thân…

Chuyện scandal còn đi xa hơn với những nghi ngờ của dư luận hướng vào ban tổ chức các cuộc thi mang tính giải trí đại chúng như Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Next Top Model. Theo đó, ban tổ chức các cuộc thi trên bị ngờ rằng đã dùng chiêu scandal cự cãi, bất đồng, gây sốc, dàn xếp trước kết quả… để thu hút sự chú ý. Nhưng điều khán giả bất mãn nhất lại là sự tùy tiện, thiếu công bằng của ban giám khảo…

Lối ra nào cho “thảm họa”?

Từ những “thảm họa” của làng văn nghệ giải trí, nổi lên bức xúc của công chúng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Vài tháng trước, Đài Truyền hình TP.HCM đã ra tuyên bố sẽ siết chặt lại việc xét duyệt chất lượng phim truyền hình trước khi lên sóng. Chuyện xử phạt nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, hở hang khi biểu diễn đã được thực hiện nhưng mức phạt có cũng như không càng khiến dư luận bức xúc hơn. Chuyện xử phạt ca sĩ hát nhép bằng một số tiền quá nhỏ so với thu nhập của họ cũng không đủ sức răn đe.

Riêng chuyện gây scandal ảnh hưởng xấu đến xã hội bằng lời nói, hành động hay phát tán ảnh khỏa thân, ảnh dung tục trên phương tiện truyền thông của giới giải trí thì chưa có quy định nào để chế tài. Chuyện trách nhiệm và quy chế quản lý của các cơ quan chức năng cũng đang cần được làm rõ hơn…

Tháng 8-2011, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT&DL đã soạn thảo Dự thảo nghị định về nghệ thuật biểu diễn sau đó lấy ý kiến các đối tượng liên quan, rồi trình Chính phủ để chờ phê duyệt, ban hành. Trong dự thảo này, việc cấm biểu diễn đối với các cá nhân làm nghề biểu diễn mà hát nhép cũng như tạo scandal gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa xã hội đã được đề cập.

Còn quá nhiều chuyện để làm và có lẽ chẳng dễ thay đổi ngay lập tức. Tuy nhiên, có một chuyện các cơ quan chức năng có thể làm ngay để xóa đi sự bức xúc của công chúng là cấm hành nghề với những cá nhân hát nhép hay có hành vi gây scandal đi ngược chuẩn mực văn minh và đạo đức xã hội. Có kiểm tra đầu ra, không để lọt ra công chúng những sản phẩm văn hóa giải trí chất lượng kém mới mong năm 2012 sẽ không tiếp tục là một năm “thảm họa” của làng giải trí.

Nên cân nhắc khi đăng thông tin

Sáng 9-12, tại hội thảo Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức nhằm tìm giải pháp cho thực trạng đang có sự suy thoái trong văn hóa và đạo đức xã hội, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trả lời phỏng vấn riêng của báo Pháp Luật TP.HCM.

. Thưa nguyên Tổng Bí thư, ông có biết về những scandal của những người nổi tiếng trong giới văn nghệ giải trí có thể ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, xã hội đang nhan nhản trên các phương tiện truyền thông? Theo ông, trong những trường hợp đó, trách nhiệm thuộc về nơi nào?

+ Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU: Tôi có biết những việc như thế. Đó là điều không hay, không nên phổ biến những thông tin như vậy. Có nhiều thông tin cần thiết, có ích cho cuộc sống để đưa tin, phổ biến hơn. Bây giờ cứ mở mạng ra là thấy thông tin tiêu cực thì xã hội, giới trẻ sẽ như thế nào. Phải hạn chế nó đi và cân nhắc: Chúng ta nên đưa thông tin gì, đưa như thế nào, liều lượng ra sao. Để xảy ra tình trạng như vừa qua một phần trách nhiệm trực tiếp thuộc về các đơn vị cho đăng tải thông tin gây ra tiêu cực xã hội, sau đó là phần trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Hát nhép cũng như lừa đảo

Với hát nhép, chúng tôi dự kiến vi phạm lần thứ nhất sẽ phạt hành chính nhưng vi phạm lần hai, lần ba sẽ phải xử phạt khác, thậm chí đề xuất những biện pháp nặng. Họ chỉ biết sợ khi không được biểu diễn; sau nữa thì sẽ tiến tới cấm biểu diễn trong thời hạn bao nhiêu. Cũng như trong bóng đá, nếu vi phạm thì phạt tiền như thế nào, treo giò bao nhiêu trận, nặng hơn là treo giò 1-2 năm, thậm chí vĩnh viễn... Nghệ thuật biểu diễn cũng phải như thế. Thật ra hát nhép cũng có thể coi là hành vi lừa đảo. Người ta bỏ tiền ra để đến xem anh hát chứ đâu phải xem anh “đớp”…

Ông VƯƠNG DUY BIÊN, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Theo Tuổi Trẻ)

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm