Con muốn về Việt Nam vui Tết!

Nghe bà ngoại giải thích về ngày tết ở Việt Nam như vậy, Ái Linh đã reo lên và muốn về Việt Nam vui tết. Và chuyến về quê đã diễn ra sớm hơn dự định.

Khi Tết không chỉ là New Year

- Mẹ, what’s tet? (Mẹ, tết là gì vậy?)

Ái Linh, cháu bé 11 tuổi, học lớp 6, sinh ra và lớn lên tại Mỹ hỏi mẹ. Quan Thư - người mẹ tuổi 40, cũng cỡ tuổi của Ái Linh khi theo gia đình sang Mỹ - nghĩ thầm về những hình ảnh kỷ niệm tết còn đọng lơ thơ trong ký ức: “Thật ra tết là Năm Mới, là New Year, chứ có gì đặc biệt đâu”. Nghĩ đơn giản thế nên Thư trả lời con:

- Tết là Năm Mới, là đón mừng New Year đó mà.

Ái Linh cũng giống như hầu hết trẻ con phương Tây, chúng lớn lên và được học tập trong một xã hội kỹ nghệ với nền khoa học kỹ thuật tân tiến và khuynh hướng thực dụng, duy lý trong hệ thống nhà trường. Ái Linh cũng hiểu rằng hình thức lễ hội và thời điểm đón “Năm Mới” của mỗi dân tộc đang sống tại đất nước Hoa Kỳ khác nhau. Nhưng cái tết Việt Nam thì rộn ràng hơn hẳn với các dân tộc khác.

Ái Linh không thỏa mãn với câu trả lời của mẹ nên hướng về bà ngoại:

- Con thấy New Year của mình (Mỹ) không giống tết của ông ngoại, bà ngoại (Việt) đâu mẹ. Bà ngoại ơi, tết là gì hở bà?

Bà ngoại nghe mẩu đối thoại giữa con gái và cháu về ý nghĩa cái tết lại mỉm cười lên tiếng:

- Bởi nước mình còn nghèo nên suốt năm lo làm lụng kiếm ăn, không có nhiều dịp lễ để nghỉ ngơi và vui chơi như ở Mỹ. Tất cả đều dồn lại một dịp lớn nhất để làm lễ hội vui mừng cho cả năm, đó là ngày tết. Những gì làm cho người lớn và trẻ con sung sướng nhất như được nghỉ nhiều ngày, ăn thức ăn ngon, mặc áo quần mới, dự các lễ hội vui chơi, tưởng nhớ tổ tiên, cảm ơn người còn sống và nhiều nhiều nữa… đều dành cho ngày tết nên tết là ngày vui nhất trong năm.

Hứng chí với lời nói về tết của bà ngoại, Ái Linh vỗ tay:

- Vậy thì con muốn về Việt Nam vui tết!

 
Gia đình Ái Linh về hòa nhập vào đời sống người nông dân.

Bà ngoại cười theo cái vui tưởng tượng về tết của đứa cháu ngoại mà từ khi biết nói đến bây giờ, chưa có lần nào đòi về thăm Việt Nam cả.

Tuổi trẻ như Ái Linh biết đến Việt Nam không qua lời bình phẩm khen chê từ phía này hay phía nọ mà từ “thực tế Việt Nam”. Thực tế ấy là những gì có thể thấy tận mắt như các mặt hàng “Made in Vietnam” hay “Product of Vietnam” (sản phẩm Việt Nam) xuất hiện và cạnh tranh ngày càng sôi nổi với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan trên thị trường quốc tế.

Những trải nghiệm thú vị

Thế rồi, vì quá nôn nóng, chuyến trở về thăm quê ngoại phải thực hiện sớm hơn dự định, không phải là dịp tết mà là dịp hè năm nay. Là ông bà ngoại, chúng tôi rất vui nhưng cũng thoáng chút lo lo khi nghe gia đình con gái mình hủy bỏ chuyến du lịch Ai Cập để về thăm Việt Nam trong vòng mười ngày. Về mặt tình cảm đối với quê hương thì đây là một sự thử thách nhẹ nhàng nhưng sẽ để lại một dấu in đậm nét cho thế hệ thứ ba đang sống ở nước ngoài.

Chuyến máy bay Vietnam Airlines chuyển gia đình con gái từ Tân Sơn Nhất ra Nha Trang ngay sau khi đến Việt Nam. Từ Mỹ, chúng tôi hồi hộp theo dõi. Biểu hiện đầu tiên của các cháu là những nụ cười thích thú: “Ba ơi! Khách sạn Sheraton nằm kề bãi biển Nha Trang đẹp hơn nhiều nơi mà con đã tới…”. Ngày tiếp theo, thắng cảnh Nha Trang đã thu hút các cháu rất nhiều, nhất là khu giải trí Vinpearl từng là nơi tuyển lựa hoa hậu hoàn vũ năm 2008. Chiều tối, hai cháu nhỏ nài nỉ xin ở lại lâu hơn, chưa muốn về khách sạn. Thêm mấy ngày nữa, cảnh trí thiên nhiên xinh đẹp và lòng hiếu khách Nha Trang vẫn còn sức hút. Nhưng bất ngờ, cuộc vui bị chững lại vì cơn đau bụng xảy đến cho cả bốn người! Qua điện thoại từ Nha Trang, Quan Thư “tự thú” là cả nhà đã ăn đủ thứ kể cà nghêu, sò, ốc, hến, mắm nêm và đủ loại trái cây. Cả hai vợ chồng và hai đứa con đều bị nôn tháo “giàng trời” trước giờ lên máy bay về Hội An theo lịch trình dự định. Nhưng cũng may, hai vợ chồng đều là thầy thuốc và có chuẩn bị mang theo thuốc “chống ăn bạo” nên cơn khủng hoảng tiêu hóa chóng qua đi.

Ái Linh rất thích về Việt Nam vui tết.

Lân leo cột, một trong những màn trình diễn múa lân trong ngày tết  Việt Nam.

Những ngày ở Hội An, các cháu cho biết là thú vị vượt hơn cả mong ước. Hội An, ngoài những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời được nghe và nhìn ngắm còn có những cuộc vui đầy sáng tạo. Du khách được cùng sống thật với những hình thức sinh hoạt đại chúng tại địa phương. Gia đình bốn người tham gia cưỡi trâu, cày ruộng, đánh cá để hiểu công lao khó nhọc của người nông dân từ khi gieo hạt lúa cho đến ngày lúa đơm bông, sinh hạt gạo, xay bột và thành tô bánh canh thơm ngon trước mắt.

Tôi gặp Ái Linh sau ngày về lại Mỹ, hỏi:

- Con có thích đi chơi Việt Nam không?

- Dạ có, thích lắm!

- Con có thể viết cho ông ngoại một đoạn văn ngắn cảm tưởng của con về Việt Nam không?

Mấy hôm sau, tôi nhận email của cháu nói lên cảm tưởng lần đầu về Việt Nam. Thật không ngờ đứa cháu ngoại nhõng nhẽo, ngây thơ, mới học lớp 6 lại có những cảm tưởng khá trưởng thành và giàu cảm xúc về một đất nước mới thăm lần đầu. Những câu cháu viết làm tôi xúc động: “Con đi chơi rất vui, ăn uống rất ngon. Nhưng khi gặp những bạn nhỏ bán hàng rong, lượm rác, phụ người lớn làm việc phục vụ du khách, con hỏi họ sao bạn không đi học. Bạn nói: Nhà nghèo, phải làm giúp gia đình. Con thích cảnh đẹp và người Việt Nam dễ thương nhưng ước chi quê hương mình giàu hơn nữa để các bạn kia cũng không phải bỏ học giữa chừng thì vui biết mấy…”.

Chiều nay, tôi cám ơn cháu về đoạn văn cảm tưởng vừa gửi cho ông ngoại và hỏi cháu rằng chuyến du lịch năm tới, cháu muốn đi đâu. Ái Linh trả lời, giọng ngây thơ và hồn nhiên:

- Việt Nam!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm