Yêu cầu khởi tố vụ tàu vỏ thép

“Tôi chính thức yêu cầu công an tỉnh lập hồ sơ báo cáo Bộ Công an xem xét, khởi tố điều tra ngay đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trong việc sử dụng thép đóng tàu không đúng hợp đồng, lắp các máy móc, thiết bị không đảm bảo chất lượng nhưng lẩn tránh trách nhiệm khắc phục. Không thể để như vậy được!”.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh như vậy khi kết luận tại cuộc họp nghe Sở NN&PTNT chính thức báo cáo kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân tỉnh này chiều 26-6.

Khởi kiện ngay

Theo ông Châu, cả năm tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng cho ngư dân Bình Định đều bị hư hỏng nặng, không thể ra khơi nhiều tháng qua. Kết quả giám định kết luận công ty này đã sử dụng thép Trung Quốc đóng tàu cho ngư dân, trong khi biên bản xác nhận khối lượng, chứng thư thẩm định giá, chứng từ thanh toán đều ghi là thép Hàn Quốc. Thế nhưng thời gian qua, Đại Nguyên Dương không hợp tác với Sở NN&PTNT trong việc kiểm tra, khắc phục các tàu bị hư hỏng. Mặc dù tỉnh Bình Định mời nhiều lần nhưng cả hai cuộc họp công bố kết luận thẩm định, Công ty Đại Nguyên Dương đều vắng mặt. Thời gian qua ngư dân cũng không liên lạc được đại diện công ty này.

“Tôi cho rằng công ty này có vấn đề. Tôi giao công an tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT nắm bắt thông tin về công ty này, báo cáo gấp cho UBND tỉnh. Cá nhân tôi chính thức yêu cầu các ngư dân khởi kiện ngay. Tôi giao chủ tịch UBND các huyện vận động các ngư dân đóng tàu tại Công ty Đại Nguyên Dương phải khởi kiện công ty này ngay trong ngày 27-6, không thể để lâu hơn. UBND các huyện phải hỗ trợ hết sức cho ngư dân trong việc khởi kiện công ty này” - ông Châu nói.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu khởi tố điều tra đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Ảnh: TẤN LỘC

Vụ việc gây ảnh hưởng rất lớn

Thông tin tại cuộc họp, Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho hay công an tỉnh này đang phối hợp với Cục Bảo vệ an ninh kinh tế lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục điều tra vụ việc.

“Kết quả thẩm định cho thấy có dấu hiệu sai phạm trong vụ việc này. Việc hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng làm cho dư luận bất bình, khiến hoạt động sản xuất của ngư dân đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, khả năng trả nợ ngân hàng của ngư dân. Vụ việc này khiến một bộ phận ngư dân có tâm lý e ngại khi tham gia đóng mới tàu vỏ thép, ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị định 67/CP, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế biển và kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo trong khi Bình Định là tỉnh có đội tàu hùng hậu nhất toàn quốc” - Đại tá Giáp nhận định.

Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định cũng cho biết thêm: “Qua tiếp cận hồ sơ, công an tỉnh nhận thấy hợp đồng đóng tàu giữa ngư dân với các công ty đóng tàu là hợp đồng kinh tế đặc biệt vì nó gắn liền với chủ trương kinh tế của Nhà nước, được sự quan tâm của rất nhiều bộ, ngành, dư luận. Do đó, bên nào thực hiện không đúng hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm. Phải xử lý đối với các đơn vị, cá nhân liên quan” - Đại tá Giáp nhấn mạnh.

Đăng kiểm lại các con tàu

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu hai công ty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương ngay trong ngày 27-6 phải cùng ngư dân thống kê tất cả hư hỏng của từng con tàu, lập biên bản rồi tiến hành sửa chữa như mới 100% chứ không chấp nhận sửa sơ bộ để dân có tàu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu nhấn mạnh: “Đối với các tàu có thép không đúng chủng loại, không đảm bảo chất lượng, tôi yêu cầu phải tháo ra, đóng lại bằng thép mới. Đối với các tàu có thép đúng chủng loại, chất lượng rồi nhưng sơn không đảm bảo cũng phải cạo ra sơn lại theo đúng quy trình của sơn tàu biển. Nếu chỗ nào thép không đúng chất lượng, không đảm bảo chống mạnh bào mòn, dứt khoát phải tháo ra thay lại”.

Ông Châu yêu cầu dứt khoát phải tháo ra, thay thế bằng máy mới đúng chủng loại, hàng chính hãng mà ngư dân đã hợp đồng. “Tất cả phải mới 100%, nguyên đai nguyên kiện. Chúng ta phải kiên quyết! Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp đóng tàu phải luôn xem chất lượng là hàng đầu” - ông Châu thẳng thắn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng giao Sở NN&PTNT thành lập tổ kỹ thuật phối hợp với UBND các huyện kiểm tra chủng loại, chất lượng, đảm bảo đúng máy mới, chính hãng tất cả máy móc, thiết bị trước khi đưa lên tàu lắp thay thế. “Tỉnh Bình Định đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản kiểm định lại trước khi cho các tàu vỏ thép sửa chữa được xuất xưởng, tham gia hoạt động trên biển” - ông Châu nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng ra “tối hậu thư” cho hai công ty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương phải tập trung cao độ trong thời gian ngắn nhất, sửa chữa sớm nhất để tất cả tàu đều thực sự hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng để ngư dân tự tin ra khơi. Việc sửa chữa phải hoàn thành trong tháng 7-2017.

Cùng với việc khắc phục, ông Châu cũng yêu cầu hai công ty đóng tàu bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong thời gian không đi biển được do tàu bị hỏng, nằm bờ sửa chữa.

Tám tàu có thép không đạt, chín tàu lắp máy dỏm

Kết quả thẩm định của tổ thẩm định độc lập xác định có năm tàu cá vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc trong khi biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa công ty này với năm chủ tàu lại ghi là thép Hàn Quốc.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thép lấy từ các tàu hư hỏng cho thấy có tám tàu có mẫu thép không đạt thép thường cấp A; trong đó Công ty Đại Nguyên Dương có ba tàu, Công ty Nam Triệu có năm tàu. Thép của cả tám tàu này đều có thành phần hóa học mangan (Mn) không đạt theo tiêu chuẩn loại thép thường cấp A.

Tổ thẩm định độc lập xác định chín tàu có máy chính hiệu Mitsubishi không phải hàng chính hãng, không phải máy thủy, bị cải hoán. Ngoài ra còn có một máy chính hiệu Doosan bị hư hỏng nặng, không thể hoạt động. Tổ thẩm định còn kết luận hàng loạt trang thiết bị hàng hải, khai thác không phù hợp, bị hư hỏng nặng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm