Xuất hiện tình tiết có lợi cho Dương Chí Dũng

Ngày 22-4, chỉ ít phút sau khi phiên phúc thẩm vụ tiêu cực xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bắt đầu, luật sư của Dương Chí Dũng đã cung cấp cho HĐXX một số chứng cứ mới và đề nghị hoãn phiên tòa.

Tình tiết mới gỡ tội tham ô?

Chứng cứ mới mà vị luật sư này đề cập, theo tìm hiểu của PV, là bản khai đã được công chứng dịch thuật của ông Goh Hoon Soew, Giám đốc điều hành Công ty AP (công ty môi giới trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M).

Theo đó, ông Goh thừa nhận biết cha con Dương Chí Dũng trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, ông Goh nói “chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M”, cũng “chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu Tổng Giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này”.

Bản khai cũng nêu: Sau khi công ty của Nga là Global Success và Vinalines đồng ý về việc mua bán ụ nổi 83M qua AP, việc thương thảo được tiến hành giữa ông Goh và các cán bộ đại diện Vinalines mà bị cáo Trần Hải Sơn là người đứng đầu.

“Trong quá trình trao đổi và đàm phán với ông Trần Hải Sơn và những người của ông Sơn đại diện cho Vinalines, tôi không nói bất cứ điều gì về việc “lại quả”… Việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức tín dụng thư của Vinalines theo thỏa thuận mua bán. Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M” - ông Goh khai. Kế đó, ông khẳng định: “Chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD”.

 
Bị cáo Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác trước tòa. Ảnh: TTXVN

Cấp trên khai chỉ lấy “chút quà”

Như diễn biến tại phiên sơ thẩm, hai nhân vật quyền lực nhất của Vinalines một thời là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phủ nhận hoàn toàn cáo buộc là mỗi bị cáo tham ô 10 tỉ đồng.

Dương Chí Dũng không ít lần thề thốt “có Trời Phật chứng giám”, nếu bị cáo thỏa thuận về số tiền “lại quả” thì xin nhận án tử hình hay “sau này bị cáo có chết thì gia đình bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan cho bị cáo”.

“Bị cáo kêu oan về hành vi tham ô nhưng bị cáo có bao giờ nhận tiền của bị cáo Sơn không?” - chủ tọa hỏi. “Tết nhất anh ấy đến thăm có chai rượu và phong bì chúc tết thôi. Có một lần ở khách sạn Sheraton, anh ấy có đến biếu mấy chai rượu” - Dũng trả lời.

Tương tự, Mai Văn Phúc cũng khai chỉ duy nhất nhận một chai rượu Chivas 18 do Sơn biếu thời điểm trước hay sau 2-9-2008 và khi Sơn về, bị cáo phát hiện đi kèm chai rượu có phong bì 2 triệu đồng.

“Bị cáo kêu oan cả hai tội danh nhưng sao gia đình bị cáo lại ba lần nộp tiền khắc phục hậu quả cho bị cáo với tổng số tiền là 3,5 tỉ đồng?” - chủ tọa hỏi. “Bị cáo không đồng tình làm việc này. Bị cáo không phạm tội” - Phúc đáp.

Cấp dưới thừa nhận tham ô

Giữ nguyên như lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên sơ thẩm, Trần Hải Sơn khẳng định sau khi nhận số tiền “lại quả” 1,666 triệu USD từ Công ty AP, theo chỉ đạo của Dũng và Phúc, Sơn đã chia cho hai bị cáo này mỗi người 10 tỉ đồng. Số tiền còn lại, Sơn tự ý cho nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, còn Sơn thụ hưởng 7,8 tỉ đồng.

- “Bị cáo nhận chỉ ký nháy, tức là có vai trò rất nhỏ, sao được chia tới 7,8 tỉ đồng, gần ngang mức của Dũng và Phúc?” - chủ tọa hỏi.

+ “Vì sau này bị cáo sẽ quản lý, khai thác dự án này” - Sơn đáp.

- Tiền bị cáo nhận rồi, nếu không khai ra những người khác thì bị cáo có được giảm trách nhiệm không?

+ Nếu bị cáo đổ vạ cho người ta thì bị cáo sẽ được giảm trách nhiệm.

- Bị cáo Dũng, Phúc không nhận, bị cáo có ý kiến gì không?

+ Thực ra chả có chứng lý gì cả.

Hôm nay, phiên xử tiếp tục với phần tranh luận.

ĐỨC MINH

 

Kháng cáo của vợ và người tình Dương Chí Dũng

Sau phiên sơ thẩm, Phạm Thị Mai Phương (vợ của Dương Chí Dũng) và Phan Thị Thảo (người tình của Dương Chí Dũng) kháng cáo phần liên quan đến việc kê biên tài sản.

Bà Phương khai hai căn hộ cao cấp Dũng mua cho người tình là tiền của bà. Số tiền này bà vay của Vũ Tiến Sơn (bị cáo trong vụ án Dương Tự Trọng). Căn hộ hai vợ chồng bà ở, tiền mua một phần do mẹ bà cho, phần do mẹ chồng cho, phần do có thời gian bà buôn bán ở Đồ Sơn tích cóp được. Căn nhà này hiện vẫn chưa được sang tên đổi chủ cho vợ chồng bà do “cầm tiền của mẹ chồng, mẹ đẻ chưa có tiền trả, hơn nữa cũng… không có tiền để sang tên”.

Bà Thảo thì có đơn đề nghị xem xét việc kê biên căn hộ tại tòa nhà Sky City do có đóng góp 600 triệu đồng vào việc mua nhà. Tại tòa, Dương Chí Dũng tái khẳng định việc lấy tiền của vợ đưa cho người tình mua nhà. Khi chủ tọa hỏi: “Cô Thảo khai có góp 600 triệu có đúng không?”, Dũng đáp: “Cô ấy khai thì chắc là đúng”.

Bán phế liệu chưa chắc xong

Tại tòa, đại diện Vinalines cho biết chi phí neo đậu ụ nổi bình quân từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/tháng. Hiện Vinalines đã được chấp thuận chủ trương cho bán ụ nổi để thu hồi vốn nhưng cơ quan điều tra coi đây là vật chứng, chưa cho phép thanh lý. Chủ tọa phiên tòa cho biết chi phí neo đậu ụ nổi 83M đang nợ đã lên tới hơn 28 tỉ đồng. Nhiều phương án xử lý đã được nêu ra, trong đó có cả phương án tháo dỡ bán phế liệu. Tuy nhiên, theo chủ tọa, chi phí tháo dỡ ụ nổi có khi còn cao hơn số tiền bán ụ thu được!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm