Xử vụ tiêu cực đất đai An Giang: Dự toán thiệt hại có bất ổn?

Tại tòa, bị cáo Trương Văn Đê (tổ trưởng tổ thẩm tra của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Long Xuyên) tiếp tục kêu oan vì cho rằng theo quy chế làm việc của đơn vị thì mình chỉ làm “tổ trưởng hình thức”. Quy chế này nói rõ tính pháp lý về hồ sơ đất đai do cán bộ thẩm tra chịu trách nhiệm trực tiếp trước giám đốc.

Bỏ lọt tội phạm?

Tòa phân tích: Khi tiếp nhận hồ sơ, bị cáo không xem lại mà trình lên giám đốc là thiếu trách nhiệm. Còn bị cáo xem hồ sơ biết sai mà vẫn trình ký là đồng phạm giúp sức. Tòa nói quy chế do UBND TP Long Xuyên ban hành năm 2008 mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn thông báo do nguyên giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Long Xuyên Bùi Phước Dũng ký chỉ mang tính chất phân công nội bộ. Theo quy chế của UBND TP Long Xuyên thì tổ thẩm tra phải kiểm tra pháp lý về hồ sơ đất đai trước khi trình lãnh đạo.

Xử vụ tiêu cực đất đai An Giang: Dự toán thiệt hại có bất ổn? ảnh 1

Hai bị cáo Nguyễn Cao Sang (giám đốc DNTN Trí Dũng, trái) và Nguyễn Vĩnh Khánh (nguyên phó Phòng Quản lý phát triển đô thị TP Long Xuyên) tại phiên xử. Ảnh: V.SƠN

“Qua phân tích của HĐXX, bị cáo thấy mình cũng có một phần trách nhiệm nhưng không đến mức độ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - bị cáo Đê nói. Chủ tọa lưu ý bị cáo suy nghĩ lại: “Bị cáo đừng lăn tăn trong đầu. Ở đây không áp đặt bị cáo. Về đêm nay bị cáo suy nghĩ đi. Còn tính chất, mức độ như thế nào thì HĐXX sẽ xem xét”.

Khi xét hỏi ông Lê Văn Bình (cán bộ thẩm tra của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Long Xuyên) để làm rõ vai trò của bị cáo Đê thì Bình thừa nhận có ký vào 21 hồ sơ ở khu dân cư của văn phòng. “Việc cơ quan điều tra không khởi tố anh là bỏ lọt tội phạm” - chủ tọa nhận xét. Tuy nhiên, kiểm sát viên tại phiên tòa cho HĐXX biết cơ quan điều tra đang làm rõ và sẽ xử lý trường hợp của ông Bình ở giai đoạn tiếp theo. Nghe đến đây, ông Bình đã rời khỏi phiên xử mà không rõ lý do.

Bất ổn xung quanh chuyện dự toán thiệt hại

Theo hồ sơ dự toán mà HĐXX cung cấp cho các luật sư thì mức thiệt hại tạm tính ở khu dân cư của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Long Xuyên là hơn 7 tỉ đồng.

Luật sư Trần Ngọc Phước (bào chữa cho bị cáo Trần Khánh Cương) kiến nghị HĐXX triệu tập công chứng viên liên quan tại Văn phòng Công chứng Long Xuyên và đại diện UBND TP Long Xuyên để làm rõ các vấn đề tại khu dân cư này. Theo luật sư, vai trò của công chứng viên rất quan trọng.

Ngoài ra, luật sư thắc mắc chưa rõ con số thiệt hại hơn 7 tỉ đồng mà tòa đưa ra đối với khu dân cư này là thiệt hại gì. “Đây chỉ mới là kết quả, còn nhiều tài liệu liên quan mà luật sư chưa tiếp cận” - tòa trả lời.

Trao đổi sau phiên xử, luật sư Phước cho rằng bản dự toán thiệt hại mà tòa cung cấp có một số điểm chưa ổn. Đó là bản dự toán do chính đơn vị thiệt hại (UBND TP Long Xuyên) yêu cầu thực hiện, không dựa trên quy định về tố tụng hình sự, tức là không do cơ quan tố tụng trưng cầu. Bản dự toán thiệt hại là cơ sở để VKS ra cáo trạng truy tố các bị cáo và xác định khung hình phạt. Vậy mà cáo trạng lại được ban hành trước khi có bản dự toán thiệt hại gần một tháng (cáo trạng ngày 18-7, bản dự toán ngày 12-8).

Theo luật sư, dự toán thiệt hại do UBND TP Long Xuyên trưng cầu và do một đơn vị tư nhân (Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng AB&C) xác lập là “thiếu khách quan và minh bạch”.

Có tham gia là có hưởng lợi

Trong phiên xử hôm qua, tòa còn xét hỏi nhiều bị cáo khác liên quan đến khu dân cư của DNTN Trí Dũng. Theo cáo trạng, hai bị cáo Nguyễn Cao Sang (giám đốc DNTN Trí Dũng) và Nguyễn Vĩnh Khánh (nguyên phó phòng Quản lý phát triển đô thị TP Long Xuyên) đã cùng hưởng lợi hơn 280 triệu đồng tại khu dân cư này.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm