Xử sơ thẩm ba nguyên sĩ quan CA Tiền Giang: Có sai nhưng không phạm tội?

Ngày 21-6, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục phiên tòa xử ba nguyên sĩ quan công an tỉnh này về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đó là các ông Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Út. Tuy nhiên, do bị cáo Nên bị bệnh nặng nên tòa quyết định sẽ xử bằng phiên tòa khác.

Quy chế ngành cao hơn luật?

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phong và Út cho rằng các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao chỉ được quyền điều tra những vụ án liên quan đến lĩnh vực hoạt động tư pháp. Trong khi đó, Điều 281 BLHS lại thuộc tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính. Ngoài ra, luật sư cho rằng đại diện VKS thực hành quyền công tố theo ủy quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao là trái quy định của pháp luật. BLTTHS không có quy định nào quy định việc ủy quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao mà chỉ được quyền chuyển vụ án hoặc ủy thác điều tra cơ quan có thẩm quyền.

Phản bác lại, công tố viên cho rằng VKSND tỉnh Tiền Giang hoàn toàn được quyền thực hiện theo ủy quyền. Cụ thể, Quy chế 1169 của Viện trưởng VKSND Tối cao quy định cơ quan điều tra của VKSND Tối cao có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội phạm có nguồn gốc phát sinh từ việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ các cơ quan tư pháp hoặc liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các cán bộ cơ quan tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Cũng theo đại diện VKS, BLHS chia các tội danh thành các chương là phân loại tội phạm theo khách thể mà hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến…

Tuy nhiên, luật sư lại cho rằng hiệu lực cao nhất là Hiến pháp rồi đến luật. Nếu áp dụng quy chế của Viện trưởng VKSND Tối cao mà trái với quy định của BLTTHS thì không được coi là hợp pháp.

Đề nghị án treo cho các bị cáo

Về nội dung, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phong và Út cho rằng việc truy tố các bị cáo là không vô tư, khách quan vì căn cứ vào đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân về hành vi gây rối trật tự công cộng để kết luận các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cạnh đó, luật sư cho rằng tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ là loại tội phạm cấu thành vật chất. Vì vậy, Công ty Thành Phát phải chứng minh được thiệt hại của mình trong vụ án.

Đại diện VKS đã bác lập luận này vì cho rằng Công ty Thành Phát không có yêu cầu xác định về thiệt hại nên không cần thiết.

Các luật sư khẳng định hành vi của các bị cáo là trái pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm. Luật sư dẫn chứng hành vi của các bị cáo diễn ra vào năm 2002 nhưng cơ quan điều tra lại áp dụng Thông tư 06/1998 và Thông tư 63 TCKBNN tháng 11-1991 Bộ Tài chính. Như vậy, điều luật nói trên dẫn chiếu Thông tư 63 đã hết hiệu lực từ tháng 7-2000. Một lần nữa, luật sư khẳng định hành vi gửi tiền của các bị cáo là đúng pháp luật nhưng việc sử dụng tiền lãi để làm quỹ chung của cơ quan là vi phạm quy chế của ngành. Tuy nhiên, đây chỉ là vi phạm quy chế chứ không cấu thành tội phạm. Bản thân các bị cáo đã chịu hình thức kỷ luật của ngành như buộc thôi việc, nghỉ hưu trước thời hạn…

Từ đó, luật sư đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đồng thời, đề nghị VKSND Tối cao đình chỉ vụ án, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ba bị cáo.

Đại diện VKS bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Đồng thời, Viện đề nghị mức án từ 18 đến 24 tháng tù đối với bị cáo Phong, 12 đến 15 tháng tù đối với bị cáo Út nhưng đều cho hưởng án treo.

Kết thúc tranh luận, tòa tuyên bố nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 24-6 tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tháng 10-2002, Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ buôn lậu tại Công ty Thành Phát (TP Mỹ Tho), khởi tố 38 bị can về các tội buôn lậu, đưa hối lộ, nhận hối lộ. Sau đó, hai nguyên phó thủ trưởng cơ quan điều tra là Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo cấp dưới mang tiền mặt thu giữ được trong vụ án đi gửi tiết kiệm. Toàn bộ tiền lãi hơn 1 tỉ đồng được sử dụng để tiếp khách, mua bốn xe máy và đề nghị ông Nguyễn Chí Phi (khi đó là Phó Giám đốc công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra, hiện là Giám đốc công an tỉnh) “duyệt” đăng ký biển trắng cấp cho bốn lãnh đạo Phòng CSĐT sử dụng…

TIẾN HIỂU - HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm