Xử phạt vi phạm môi trường: Sẽ nhiều bất cập

“Chúng tôi thật sự bị choáng và sốc…” là cụm từ biểu đạt tâm lý của nhiều doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM sau khi đọc dự thảo Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường nhằm thay thế Nghị định 117/2009 NĐ-CP. Những bức xúc này cũng được DN phản ánh tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức, ngày 8-5.

DN vừa và nhỏ nặng gánh lo

“Dự thảo nghị định này đưa ra mức phạt quá cao, có mức tăng hàng trăm lần so với nghị định cũ. Một cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ mà bị phạt tới 2 tỉ đồng thì chỉ có nước phá sản. Một kỹ sư môi trường lương tháng 5 triệu đồng mà bị phạt tới 1 tỉ đồng thì chỉ có nước bỏ trốn. Trong khi đó, các quy định về xử phạt lại quá bất hợp lý, cách nào cũng có thể phạt được…” - một chủ DN ở KCX Linh Trung (Thủ Đức) phản ứng.

Vị này diễn giải: “Nói một cách dễ hình dung, nếu thực hiện đúng 100% các quy định theo nghị định này thì mới tồn tại, còn nếu chấp hành được khoảng 80%-90% thì cũng chết. Giống như học sinh đạt được điểm 8, điểm 9 nhưng vẫn bị ở lại lớp là điều không thể hiểu được”. Ông dẫn chứng cụ thể: Mức phạt hàng trăm triệu đồng về hành vi “vận hành không đủ quy trình về xử lý nước thải, khí thải” là quá vô lý. Vấn đề quan trọng là chất lượng đầu ra, miễn là nước thải, khí thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn thì được xả ra môi trường. Còn quy trình vận hành tùy thuộc vào công nghệ, vào tình hình sản xuất. Nếu chỉ căn cứ một cách cảm tính theo kiểu “vận hành không đầy đủ” mà xử phạt thì không cách nào DN có thể đáp ứng được. Nhiều DN cũng bày tỏ lo ngại các quy định về quản lý chất thải nguy hại còn quá chung chung theo kiểu cảm tính như “không để rơi vãi”, “không để trộn lẫn…” nhưng mức xử phạt lại lến đến hàng trăm triệu đồng nên rất dễ bị xử phạt.

Xử phạt vi phạm môi trường: Sẽ nhiều bất cập ảnh 1

Xử phạt vi phạm môi trường: Sẽ nhiều bất cập ảnh 2

Nhiều DN vừa bức xúc vừa ngao ngán về những bất hợp lý trong dự thảo nghị định mới về môi trường. Ảnh: HOÀNG NHIÊN

Một DN khác băn khoăn: “Hiện nay những hiểu biết về lĩnh vực môi trường cũng như những thiết bị kỹ thuật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn hạn chế. Thế nhưng những quy định xử phạt của chúng ta lại quá chi li, kiểu “vạch lá tìm sâu” nên rất khó thực hiện. Những sơ suất trong vấn đề bảo vệ môi trường là rất khó tránh khỏi. Song chỉ vì một sơ suất nhỏ mà bị phạt đến hàng trăm, hàng tỉ đồng thì làm sao DN tồn tại được”.

Khó áp dụng nếu không sửa đổi

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP, đồng tình với những ý kiến trên và cho rằng nghị định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các DN trên địa bàn TP.HCM, nhất là các DN vừa và nhỏ. “Tôi rất băn khoăn về dự thảo nghị định này. Nếu áp dụng để xử phạt thì giống như tận thu DN. Còn không áp dụng xử phạt thì sẽ bị điều tiếng là bao che…” - bà Oanh nói và dẫn chứng thêm - “Như quy định về mức phạt 310-340 triệu đồng đối với hành vi không hợp tác, không tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra. Thế nhưng nghị định lại không giải thích rõ thế nào là không tạo điều kiện thuận lợi. Nếu như tôi đi kiểm tra DN nào đó, chỉ cần họ chậm mở cửa thì cũng có thể ghép vào hành vi “không tạo điều kiện thuận lợi” được rồi. Nói như thế để thấy rằng quy định này rất dễ bị lạm dụng và dễ gây khó cho DN”.

Bà Oanh cho rằng mục đích của việc xử phạt là bảo vệ môi trường. Do đó nghị định nên chú trọng vào việc xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là các hành vi cố tình vi phạm chứ không nên dàn trải, xử phạt quá nhiều về các vấn đề chỉ liên quan đến trình tự thủ tục thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường như dự thảo này. Theo bà Oanh, dự thảo nghị định có quá nhiều vấn đề bất cập, cần phải xem xét, lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Nếu không, khi áp dụng sẽ gặp rất nhiều phản ứng hoặc xảy ra tình trạng tiêu cực.

Sở TN&MT cho biết sau khi tổng hợp ý kiến của các DN, cơ quan quản lý của TP sẽ báo cáo cho UBND TP.HCM kiến nghị Bộ TN&MT sửa đổi những vấn đề bất cập của dự thảo nghị định. Trong trường hợp cần thiết, sẽ kiến nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến để tập hợp thêm những góp ý của các tổ chức và cá nhân liên quan.

HOÀNG NHIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm