Xử phạt vi phạm hành chính: Mức phạt tiền sẽ tăng theo giá tiêu dùng

“Mức phạt tiền sẽ tăng theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI)” là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp xây dựng. Theo đó, có thể căn cứ vào tỉ lệ % biến động về giá cả để điều chỉnh tương ứng mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt tiền.

Tăng tiền, tăng hình thức phạt

Phát biểu tại diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật (lần thứ ba) “Pháp luật xử lý vi phạm hành chính” do Bộ Tư pháp và UNDP tổ chức ngày 22-6, ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết: Dự thảo lần này bổ sung nhiều quy định mới cho phù hợp tình hình thực tế. Trong đó, với các lĩnh vực như giao thông, môi trường, trật tự quản lý đô thị, Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền ở khu vực nội thành của các TP trực thuộc trung ương cao hơn quy định chung. Đồng thời, cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức xử phạt tối đa và thẩm quyền xử phạt trong trường hợp có biến động về giá cả.

“Đây là một đề xuất mới, được đưa vào dự thảo để lấy ý kiến các cơ quan chức năng. Nếu điều này được áp dụng, sẽ có những nghiên cứu cụ thể như CPI tăng bao nhiêu thì được phép điều chỉnh mức phạt. Trình tự, thủ tục điều chỉnh cũng sẽ tương đối đơn giản, chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị quyết là có thể thực hiện chứ không cần phải sửa đổi các nghị định” - ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, để ngăn chặn tình trạng các cá nhân, tổ chức cố tình dây dưa nộp phạt, dự thảo đề xuất tính thêm 0,5% số tiền phạt cho mỗi ngày nộp chậm. Ngoài ra, bổ sung ba hình thức xử phạt mới là buộc lao động phục vụ cộng đồng; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm. Trong đó, hình thức buộc lao động phục vụ cộng đồng được áp dụng với người có hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Thời gian buộc lao động tối đa đến 30 giờ và người bị xử phạt không được trả công.

Xử phạt vi phạm hành chính: Mức phạt tiền sẽ tăng theo giá tiêu dùng ảnh 1

Vi phạm giao thông như đua xe, lạng lách… có thể bị phạt lao động phục vụ cộng đồng. Ảnh: CTV

Có thể mời luật sư tham gia giải trình

Theo ông Hồng, một điểm mới nữa được bổ sung vào dự thảo là luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đại diện hợp pháp của người vi phạm được phép tham gia giải trình bằng văn bản về việc vi phạm hành chính. Đồng thời, có thể tham gia phiên giải trình trực tiếp nếu người vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức chế tài nghiêm khắc, ảnh hưởng lớn đến quyền cơ bản của công dân và họ có yêu cầu giải trình trực tiếp. Chẳng hạn khi người vi phạm bị phạt tiền tối đa trên 50 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Khi có yêu cầu trên, người có thẩm quyền xử phạt chủ trì phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu các căn cứ pháp lý và tình tiết, bằng chứng liên quan đến hành vi vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức vi phạm cùng luật sư, người đại diện hợp pháp có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra các ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất hai phương án về thẩm quyền quyết định các biện pháp xử lý hành chính là giáo dục người vi phạm tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở chữa bệnh và đưa vào cơ sở giáo dục. Trong đó, phương án một là chuyển thẩm quyền quyết định từ UBND (hiện đang áp dụng) sang tòa án. Khi đó, việc áp dụng các biện pháp này được thực hiện theo trình tự, thủ tục của tòa án. Còn phương án hai là vẫn giao thẩm quyền cho UBND nhưng có cải cách trình tự, thủ tục áp dụng ba biện pháp (trừ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh) theo hướng bán tư pháp, bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công khai…

Quy định về sử dụng phương tiện kỹ thuật để xem xét xử phạt vi phạm

- Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xác minh hành vi, đối tượng vi phạm hành chính.

- Việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng các quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các lợi ích hợp pháp khác của công dân; tuân thủ quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, kỹ thuật; kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản và chỉ được sử dụng để phát hiện, xác minh hành vi, đối tượng vi phạm hành chính; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định.

- Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính.

(Trích Điều 68 dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính)

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm