Xử phạt giao thông: Luật còn nhiều lỗ hổng

Trong các cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP.HCM gần đây, nhiều đại biểu cho rằng: Cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt về vi phạm giao thông nhằm kéo giảm tai nạn, ùn tắc... Các ý kiến từ cơ quan CSGT, Sở GTVT và Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP tiếp tục chỉ rõ điểm chưa hợp lý của quy định và hiến kế khắc phục.

Phạt đầu, lọt đuôi

Theo Đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP, nhiều lái xe kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc vi phạm đã tháo bỏ rơmoóc, sơmi rơmoóc lại hiện trường hoặc chiếm dụng lề đường bằng cách để rơmoóc, sơmi rơmoóc ở nơi cấm dừng, đậu nhưng CSGT không thể xử lý được. Bởi Nghị định 34/2010 không quy định xử phạt hành vi tháo bỏ rơmoóc, sơmi rơmoóc gây cản trở giao thông. Mặt khác, dù Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định khi kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc trên đường phải có đăng kiểm và mua bảo hiểm bắt buộc nhưng Nghị định 34 lại không đề cập việc xử phạt khi lái xe không có hai loại giấy tờ trên.

Chưa hết, với nhiều tuyến đường cho phép xe ô tô được dừng, đậu và thu phí nhưng chưa nói rõ thời gian, mục đích đậu… dẫn tới tình trạng các điểm dừng, đậu xe có thu phí thành nơi “để xe” suốt ngày đêm hoặc biến thành điểm “xe dù”, “bến cóc” trá hình. “Nghị định 34 cần quy định rõ thời gian đậu. Khi đó, CSGT hoặc Thanh tra GTVT sẽ căn cứ thời gian đậu xe ghi trên vé gắn trước kính để xứ lý!” - Đại tá Nhuận nói.

Nên cho phép chọn nơi đóng phạt

Theo quy định hiện hành, người vi phạm phải đến địa phương nơi vi phạm để đóng phạt, nhận lại các giấy tờ… Điều này gây khó khăn cho người vi phạm.

Xử phạt giao thông: Luật còn nhiều lỗ hổng ảnh 1

Nhiều điểm dừng, đậu xe có thu phí bị biến thành nơi để xe suốt ngày đêm gây cản trở giao thông nhưng đến nay chưa có quy định về xử phạt hành vi “để xe”. Ảnh: L.ĐỨC

Nhiều chủ xe và thành viên Hiệp hội Vận tải cho rằng dự luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung nên cho phép người vi phạm được chọn nơi đóng phạt. Sự lựa chọn này sẽ được ghi rõ trong biên bản hoặc quyết định xử phạt. Cơ quan ra quyết định xử phạt có nghĩa vụ chuyển toàn bộ giấy tờ về cho cơ quan cùng cấp tại địa phương nơi người vi phạm đã lựa chọn. Sau đó, khi người vi phạm xuất trình chứng từ đã thực hiện xong quyết định xử phạt thì cơ quan cùng cấp nơi đương sự lựa chọn sẽ trả lại toàn bộ giấy tờ đã tạm giữ. Người vi phạm phải chịu chi phí cho việc chuyển giấy tờ, tài liệu trên.

Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, thì đề xuất thêm: Sau khi xác định được chủ xe vi phạm (cá nhân hoặc doanh nghiệp), cơ quan chức năng buộc họ ký quỹ xử lý vi phạm một khoản tiền lớn gấp 5-10 lần tiền phạt áp dụng cho lỗi vi phạm. Sau đó xe và giấy tờ phải được trả lại cho chủ, còn việc ra quyết định và xử lý vi phạm vẫn diễn ra theo quy trình. “Ở Việt Nam chưa có hình thức dán tem vi phạm lên xe và xử phạt bằng trừ tiền trong tài khoản của chủ xe nên hình thức ký quỹ xử lý vi phạm là phù hợp!” - ông Chung nói.

Siết ngay từ cảng, kho bãi

Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, sở này vừa có văn bản kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định trách nhiệm của các chủ thể quản lý các cảng, bến, kho tàng. Theo đó, các nơi trên phải có bộ phận kiểm soát riêng, không cho chủ hàng nhận hoặc xếp hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế của xe hoặc vượt quá tải trọng của cầu, đường bộ. Nếu các cảng, bến, kho… vi phạm thì sẽ bị xử phạt nặng, có thể bị tước giấy phép hoạt động.

Sở GTVT cũng kiến nghị nghiên cứu bổ sung các hình thức xử phạt khác trong Nghị định 34 nhằm tăng tính răn đe. Theo ông Thanh, có thực tế là khi phát hiện sử dụng bằng lái giả, người vi phạm bỏ luôn, không đến nhận quyết định xử phạt hành chính. “Do đó, chúng tôi kiến nghị, xử lý hình sự người sử dụng bằng lái giả không cần trước đó đã bị xử phạt hành chính hay chưa” - ông Thanh nói.

Sở GTVT cũng kiến nghị nên kéo dài thời hạn tạm giữ bằng lái (trên sáu tháng); tạm giữ biển kiểm soát của phương tiện vi phạm hoặc cẩu, kéo phương tiện về nơi tạm giữ cho đến khi lái xe đến trình diện và chấp hành xử lý; rút giấy phép kinh doanh đối với cá nhân, đơn vị thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ; bổ sung hình thức xử phạt đối với các lỗi vi phạm do nhiều người cùng gây ra…

Nghị định 34 chỉ quy định xử phạt người có hành vi “tự ý đục lại số khung, số máy” của các loại xe mô tô, ô tô… nhưng những hành vi cắt, hàn lại số khung, số máy giữa các xe lại chưa có quy định xử phạt.

Đại tá VÕ VĂN NHUẬN, Trưởng phòng CSGT đường bộ
- đường sắt, Công an TP

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm