Xử nghiêm những ai ‘bảo kê’ cho tội phạm

Chiều 26-7, Ban Chỉ đạo 138 (chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ) và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đánh trúng nhiều đường dây ma túy lớn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin tình hình tội phạm hình sự sáu tháng đầu năm tuy đã giảm về số vụ nhưng tính chất rất nghiêm trọng, có lúc, có nơi gây bất an, lo lắng trong nhân dân. Địa bàn hoạt động của tội phạm rộng khắp các vùng trong cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở năm TP lớn trực thuộc trung ương và 18 tỉnh. Trong đó, riêng tội phạm hình sự tại năm TP lớn chiếm khoảng 22%, chiếm gần 1/4 tổng số vụ việc trong cả nước...

Về cơ cấu tội phạm, nhóm tội phạm sử dụng bạo lực chiếm hơn 27%. Cường độ sử dụng bạo lực gia tăng, nhiều vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án rất manh động, thậm chí có đối tượng sử dụng vũ khí đánh nhau giữa ban ngày, truy sát nạn nhân ngay trong bệnh viện, gây tâm lý bất an trong nhân dân.

“Xu hướng vẫn đang có chiều hướng gia tăng” - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Cạnh đó, theo Bộ trưởng Tô Lâm, nhóm tội phạm nhức nhối nhất hiện nay liên quan đến chiếm đoạt tài sản (trộm cắp, cướp giật...) chiếm 68%.

Nói về tội phạm ma túy, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng đây là “tội phạm của các loại tội phạm”. Từ đầu năm tới nay, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan... làm rất quyết liệt, tấn công trên các mặt, đánh trúng được nhiều đường dây, ổ nhóm, do vậy hoạt động tội phạm ma túy có dấu hiệu chững lại. Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, số vụ bắt được trong sáu tháng đầu năm tăng hơn 10%, lượng ma túy thu được gần bằng cả năm 2017. Tuy vậy, số phường, xã có ma túy tiếp tục tăng (3,6%), hiện khoảng 210.000 người nghiện ma túy chưa được quản lý, đây là yếu tố rất nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh không có “vùng cấm” trong chống tội phạm. Ảnh: ĐỨC MINH

Về gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu, Thượng tướng Tô Lâm lưu ý đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thậm chí liên quan đến an ninh quốc gia vì ảnh hưởng đến lòng tin của dân đối với chế độ.

“Cái gì cũng giả, không ai biết đâu là ranh giới, chuẩn mực của xã hội, không dám tin ai cả. Hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành giả, chứng chỉ giả… đây là vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội” - Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Không cho phép có “vùng cấm”

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận những kết quả đạt được và chỉ rõ những hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả bộ, ngành, địa phương; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.

18-30 là độ tuổi chiếm đến 70% thành phần người phạm tội. Trong đó người phạm tội dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỉ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, đa số người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, con số này chiếm 82%. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu trên địa bàn để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tội phạm có tổ chức, cán bộ, công chức dưới quyền “bảo kê” cho tội phạm, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài nhưng các lực lượng chức năng tại địa phương không chủ động phát hiện, xử lý thì phải phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với những cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, không có quyết tâm cao trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phải kịp thời điều chuyển, bố trí công tác khác, nhất là đối với người đứng đầu; xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật...

“Xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, công chức, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Tội phạm buôn lậu rất manh động

Về buôn lậu, gian lận thương mại, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp.

Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng manh động hơn, sẵn sàng chống trả các lực lượng thi hành công vụ. Điển hình như ngày 29-6, trong vụ bắt giữ 20 bánh heroin tại Nghệ An, đối tượng đã bắn trả làm hai chiến sĩ biên phòng bị thương nặng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 88.200 vụ, khởi tố 887 vụ với 889 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 7.400 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm