Xử lý nghiêm cá nhân sai phạm liên quan đến PVTEX

Chiều 20-12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với ban chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành công thương.

Theo đó, ngoài năm nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội khóa XIV đã nêu ra tại kỳ họp thứ 2 vừa qua (Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTEX, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình); ban chỉ đạo đã bổ sung sơ bộ thêm bảy dự án khác bao gồm: đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai.

Các dự án này đang có tình trạng tương tự và Chính phủ đang tập trung xử lý dứt điểm theo đúng nghị quyết của Quốc hội nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng cần phải được xử lý quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này.

Phó Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, doanh nghiệp, ban quản lý dự án phải đồng lòng, đồng sức, báo cáo trung thực để tìm ra phương án xử lý và giải pháp khắc phục. Ban chỉ đạo sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân với tên tuổi cụ thể, thực hiện nhiệm vụ gì, bao giờ hoàn thành. Kiên quyết không để công việc bị trì hoãn, không tiến triển.

Về phương án xử lý các dự án, nhà máy, Phó Thủ tướng cho rằng song song với việc rà soát quá trình hình thành dự án, ban chỉ đạo sẽ đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị,…

"Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản,... theo quy định của pháp luật. Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa - Phó Thủ tướng chỉ đạo

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm toán toàn diện các dự án, doanh nghiệp nói trên, xác định rõ trách nhiệm và đề xuất xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

5 dự án ngốn hơn 30.000 tỉ đồng đang 'đắp chiếu' đã báo cáo trước Quốc hội vừa qua:

1. Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư.

2. Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung.

3. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

4. Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và vận tải - Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco.

5. Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm