'Xin báo chí đừng vội 'chụp mũ'...'

Các tài xế góp ý tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, trong chín tháng đầu năm 2015, 10 phương tiện gây TNGT đứng đầu là xe máy, còn xe buýt đứng thứ sáu với năm vụ làm năm người chết, taxi đứng thứ 10 với một vụ gây tai nạn nghiêm trọng làm một người bị thương.

Tại sao lại bị gọi là "hung thần"?
"Tai nạn gây ra do xe buýt, xe taxi không lớn nhưng vẫn bị người dân đánh giá không tốt là do đâu?” - ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, đặt câu hỏi.
Theo ông Tường, phải nhìn nhận rằng để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân như xuất phát từ việc cản trở, ùn tắc giao thông nhưng một phần do đội ngũ tài xế.
“Chính vì vậy, đội ngũ tài xế phải rèn luyện và nâng cao trình độ “chịu đựng” khi đối mặt với những sự việc hằng ngày gặp phải trên đường. Chẳng hạn, phải có cách xử lý phù hợp khi bị xe máy tạt ngang đầu xe thay vì nổi nóng. Ngoài ra, xe xuống cấp thải khói đen thì phải cải thiện, như vậy mới thuyết phục, tạo được hình ảnh thân thiện nơi người dân” - ông Tường góp ý.
Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra và xử lý vi phạm giao thông, Công an TP.HCM, cũng đặt vấn đề: “Những vụ TNGT thảm khốc từ đầu năm đến nay đều là do xe tải, xe ben. Thế nhưng báo chí vẫn gọi “hung thần” xe buýt, vì thế chúng ta phải xem xét lại từ đâu mà có từ “hung thần””.
Ông Cường nói tiếp: “Bản thân tôi vừa chạy xe máy vừa lái ô tô nên tôi thấy đa số anh em tài xế đều chấp hành tốt luật giao thông. Tuy nhiên, cũng có một số trường hơp khi xin đường để tấp vô lề hay chuyển làn, có người báo có người không, xe khác nhường hay không thì cũng cụp đầu xe họ luôn. Hay nhiều xe mới xi nhan thôi đã cụp luôn, ép xe khác phải dừng lại. Tình trạng này là có thật, có lẽ vì chính nguyên nhân này mà người ta gán cho nó là “hung thần””.
Cũng theo ông Cường, không khó để phạt xe buýt vi phạm nhưng nếu thổi phạt có khi sẽ ảnh hưởng đến hàng chục hành khách trên xe nên phải rất cân nhắc. “Phòng CSGT đang tham mưu lãnh đạo tiến hành xử phạt nguội, gửi thông báo về trung tâm điều khiển vận tải hành khách nhằm phục vụ người dân tốt hơn để áp dụng vào năm tới…” - ông Cường cho biết.
Người trong cuộc nói gì?
Về phía những người trong cuộc, các tài xế taxi cũng nhìn nhận có việc một số tài xế quay đầu xe chữ U gây ùn tắc giao thông, tập trung ở khu dân cư gây ồn ào, mất vệ sinh, lấn chiếm lòng lề đường. “Việc đậu, đỗ xe taxi không đúng quy định là có thật. TP không có chỗ cho taxi đậu, đỗ đón khách mà khách thì có nhu cầu nhiều. Không có chỗ mà chạy lòng vòng cũng gây ùn tắc nên vào các khu dân cư đậu thì bị phàn nàn” - anh Võ Quốc Bảo, hãng taxi Mai Linh, lý giải cái khó của cánh tài xế taxi.
Ông Dương Văn Năm, Phó Chủ nhiệm nhân sự HTX Vận tải hành khách, hàng hóa và du lịch số 15, cũng cho hay tài xế hằng ngày ngoài việc phải đối mặt với áp lực trên đường còn gặp áp lực từ cấp quản lý. Theo đó, mặc dù kẹt xe nhưng vẫn phải đảm bảo giờ, trễ quá giờ quy định thì bị không công nhận chuyến. Mỗi chuyến lại có đa dạng hành khách, thậm chí có hành khách ngồi yên không chịu, nhảy lung tung quấy rối nên cần có biện pháp xử lý linh hoạt, châm chước cho tài xế tùy theo trường hợp cụ thể. Chưa kể chế độ ưu tiên, mức trợ giá hiện quá thấp...
Anh Nguyễn Duy Nhất, nhân viên Liên hiệp HTX vận tải TP, cũng góp ý khi chưa xác định lỗi gây tai nạn thuộc về người điều khiển phương tiên hay người tham gia giao thông thì các phương tiện truyền thông đừng vội chụp mũ, kiểu như “hung thần xe buýt lại gây tai nạn”, hay “lại một vụ tai nạn liên quan đến xe buýt”. “Một bài báo đưa lên sẽ có rất nhiều người đọc và góp phần định hướng dư luận ghê gớm, trong khi có thể lỗi đó không thuộc về xe buýt” - anh Nhất bày tỏ.
 

Ngành vận tải còn nhiều khuyết tật nên cần điều chỉnh, không thể ngày một ngày hai mà cần có quá trình. Đây là nghề cao quý, đưa khách nước ngoài đi giao lưu văn hóa, lịch sử, ngày lễ người ta đi chơi, tài xế đi làm, mấy ai 30 tết dự mâm cơm cúng đầy đủ khi phải phục vụ đến hành khách cuối cùng, thế nhưng không mấy ai cảm thấy tự hào khi làm nghề.

Hằng ngày đối mặt với cơm, áo, gạo, tiền áp lực công việc khiến họ quên đi nghĩa vụ của nghề mà hành động như lấn tuyến, gây ồn ào, mất vệ sinh… Khách đi gần ở sân bay bị làu bàu là có thật vì tài xế phải chờ đợi lâu mới có khách. Mặc dù nhân viên đã được quán triệt nhưng đâu đó vẫn còn thiếu sót.

'Xin báo chí đừng vội 'chụp mũ'...' ảnh 2Ông Phạm Văn Sương, Giám đốc vận hành hãng taxi Mai Linh, cho rằng không mấy tài xế tự hào về nghề. Ảnh: HOÀNG LAN

Người dân vi phạm giao thông cũng có nhiều như chạy ẩu, chạy ngược chiều nhưng người đi đường họ không biết đó là ai, còn đội ngũ tài xế thì cả nước biết, chiếu đi chiếu lại trên tivi nhiều lần, chỉ một hành vi không phù hợp là ảnh hưởng cả bộ mặt. Để đến một lúc tài xế taxi trở nên không thân thiện với người dân TP và vô tình bị gắn mác “hung thần”, “giặc lái” làm đội ngũ cũng tự ti đi. Cái nghề người dân kỳ vọng nên thất vọng cũng lớn...

Ông PHẠM VĂN SƯƠNG, Giám đốc vận hành hãng taxi Mai Linh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm