Xe quá tải vẫn nhởn nhơ

“Một số địa phương đặt trạm cân lưu động chưa kiểm soát toàn diện các xe quá tải. Thậm chí có trạm không đặt ở đường huyết mạch hoặc đặt ở nơi có nhiều đường giao cắt, tạo điều kiện cho xe quá tải né trạm...” - ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM khi đoàn liên ngành Bộ GTVT - Bộ Công an kiểm tra việc xử phạt vi phạm tải trọng ở TP.HCM vào hôm qua (8-7).

“Lơ” xe quá tải

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, ngoài việc lập ba chốt kiểm tra tải trọng hoạt động 24/24 giờ (tại ngã tư Ga, ngã ba Cát Lái và đường Nguyễn Văn Linh), TP.HCM còn sử dụng 10 cân điện tử tĩnh và năm cân di động tốc độ chậm để tuần tra, kiểm soát và xử lý xe quá tải. Đặc biệt trên tuyến quốc lộ 1, Thanh tra GTVT đồng loạt dùng xe lưu động, dùng cân xách tay và tuần tra để ngăn chặn xe quá tải.

Nhiều xe quá tải vẫn ung dung trong khi xe không quá tải bị đưa vào cân. Trong ảnh: Kiểm soát tải trọng tại TP.HCM. Ảnh: MP

Biện pháp đồng bộ là vậy nhưng số liệu báo cáo mỗi ngày xử phạt khoảng ba xe/ngày. Trước con số này, ông Thạch Như Sỹ bình luận: “Không biết kiểm tra cái gì mà mỗi ngày phát hiện có vài trường hợp, trong khi huy động một lực lượng hùng hậu. Như vậy thì cần gì kiểm tra nữa”. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM, số xe quá tải giảm mạnh sau một thời gian siết tải trọng xe. Nhưng thực tế một số trạm cân như trạm cân trên quốc lộ 51 (Đồng Nai), trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM)... có biểu hiện như cố tình không kiểm tra, bỏ mặc cho xe quá tải đi qua trạm hoặc buông lỏng việc kiểm tra tải trọng xe.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Sỹ nhìn nhận có hiện tượng này vì thời gian làm việc của các trạm cân không đảm bảo liên tục mỗi ngày và 24/24 giờ. “Ở TP.HCM, đoàn kiểm tra đột xuất vài lần nhưng chưa kết luận được gì vì trời mưa, trạm ngưng hoạt động. Nhưng ở nhiều tỉnh, thành cho thấy có hiện tượng bỏ trực, đứng sai vị trí để xe quá tải qua trạm vẫn diễn ra. Chẳng hạn, kiểm tra đột xuất trạm Thanh Liêm, Hà Nam trong 30 phút, chúng tôi ghi nhận hơn 30 xe có dấu hiệu quá tải qua trạm. Khi đoàn yêu cầu dừng một xe thì xác định xe này vượt tải 138%, dù lực lượng CSGT, TTGT đều có mặt tại trạm” - ông Sỹ thông tin thêm.

Chưa kiên quyết xử phạt

Ông Sỹ cũng nhìn nhận, thực tế chỉ một vài trạm cân thì không thể kiểm soát được toàn diện xe quá tải mà chỉ kiểm soát được trên một đoạn đường. Do vậy việc “siết” tải trọng cần tập trung ở cả phần gốc, phần ngọn và cả phần thân. Đó là xử phạt tài xế vi phạm, chủ xe xếp hàng quá tải, doanh nghiệp bốc hàng... Vậy nhưng qua kiểm tra 15 tỉnh, thành khu vực phía Bắc cho thấy có 11/15 tỉnh, thành như Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình... chỉ xử phạt mỗi lái xe vi phạm và bỏ sót hoặc chưa kiên quyết phạt chủ xe.

Tại TP.HCM, ông Lê Hồng Việt cho biết từ giữa tháng 4 đến hết tháng 6-2014 đã lập gần 990 chủ xe có chở hàng quá tải với tổng số tiền phạt trên 4,2 tỉ đồng. Ngoài ra, TP.HCM còn làm việc với 20 cảng biển, cảng sông, tổng kho lớn trên địa bàn và đề nghị họ cam kết không xếp hàng lên xe quá tải; hỗ trợ kiểm soát tải trọng từ “gốc”.

Tuy vậy những con số nêu trên vẫn không làm ông Sỹ hài lòng vì chưa thấy một đơn vị bốc hàng quá tải nào bị xử phạt. “Nghị định 171/2013 cho phép xử phạt đơn vị xếp hàng lên ô tô vượt quá tải xe từ đầu tháng 7-2014. Việc ràng buộc trách nhiệm người xếp hàng được coi là một biện pháp quan trọng trong chuỗi những biện pháp chấn chỉnh xe quá tải. Nhưng quy định này chưa được thực hiện nghiêm, tức đã bỏ quên chủ thể vi phạm” - ông Sỹ nhấn mạnh.

Theo ông Sỹ, việc kiểm tra, xử lý tại nơi bốc hàng chưa được chú trọng nên ông Sỹ cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung điều khoản buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển hàng hóa và kinh doanh bến, bãi xếp dỡ hàng phải kiểm soát tải trọng xếp hàng và có biện pháp hạ tải đúng quy định trước khi tham gia giao thông.

MINH PHONG - LƯU ĐỨC

Thiếu bãi hạ tải

Theo ông Đâu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng (Sở GTVT), khó khăn lớn trong việc xử lý triệt để xe quá tải là thiếu bãi để hạ tải. “Thiếu đất để làm bãi hạ tải, còn nếu đặt bãi ngay trên các tuyến đường lớn thì cũng không an toàn. Nên nhiều xe vi phạm, bị phạt rồi cũng phải cho đi. Như thế thì thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa triệt để!” - ông Phúc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm