Xe buýt cũ tiếp tục “tung hoành”

UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án đầu tư 1.680 xe buýt giai đoạn 2014-2017 (Quyết định 2545/2014). Nhiều ý kiến cho rằng quyết định này sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp (DN) đầu tư xe buýt mới để nâng chất lượng phục vụ như mục tiêu đề ra.

Lo vì lỡ… đi trước

Bước sang năm 2011-2012, nhiều xe thuộc dự án 1.318 xe buýt được đầu tư từ năm 2002 bắt đầu xuống cấp, gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Do vậy Sở GTVT xây dựng đề án đầu tư 1.680 xe buýt nhằm thay thế số xe trên cho giai đoạn 2012-2015. Đề án đưa ra các tiêu chí như: Tiêu chuẩn kỹ thuật của xe buýt mới; cơ chế vay (chủ đầu tư trả trước 30%, còn lại 70% vay từ các tổ chức tài chính)…

Tháng 3-2012, trong khi chờ đề án được thông qua, Sở GTVT ra văn bản khuyến khích các đơn vị xe buýt đầu tư đổi xe cũ sang xe mới nhằm thu hút hành khách, cải thiện chất lượng phục vụ… Tại văn bản này, Sở GTVT cho hay sẽ đề xuất UBND TP cho phép những xe buýt đầu tư trong năm 2012 có đủ tiêu chuẩn quy định được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Xe buýt mới được khuyến khích đầu tư nhưng ít đơn vị mặn mà vì cơ chế vay không hấp dẫn. Ảnh: HTD

Theo ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP (Citranco), tin vào văn bản trên, đến cuối năm 2013 nhiều HTX, DN vận tải đã đầu tư 66 xe mới. “Mặc dù đề án thay thế xe mới chưa được thông qua nhưng một số DN đã đầu tư xe mới, sàn bán thấp, khí thải đạt chuẩn Euro III...” - Sở GTVT xác nhận trong báo cáo tổng kết năm 2013.

Tuy nhiên, các DN rất bất ngờ khi tại Quyết định 2545, UBND TP nêu rõ: Một trong những điều kiện để các nhà đầu tư được hỗ trợ một phần lãi vay là các xe buýt được mua mới từ 1-1-2014 đến hết 31-12-2017. “Chúng tôi thực sự bị sốc khi Quyết định 2545 không “hồi tố”, áp dụng cho số xe chúng tôi đã đầu tư trước 1-1-2014. Giờ chúng tôi tiếp tục phải gánh khoản nợ với lãi suất cao do tin vào lời hứa của Sở GTVT” - ông Nguyễn Anh Lèo nói.

Gặp khó vì thuế, lệ phí

Tại cuộc họp đầu tháng 6 với Sở GTVT, các đơn vị xe buýt phản ánh rất khó mua xe mới theo Quyết định 2545. Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX 19-5, phần lãi suất cố định 5% nhà đầu tư phải trả cho phần vay 70% giá trị xe trong bảy năm không hấp dẫn so với dự án 1.318 xe trước đây (chỉ phải trả lãi 3,3% cho 100% giá trị xe trong 10 năm). Cạnh đó, 300 xe đứng tên HTX này khi thanh lý, chuyển quyền sở hữu cho các xã viên sẽ phải đóng các loại thuế thu nhập DN, lệ phí trước bạ lên tới 20% giá trị của chiếc xe mới hồi năm 2002 (là 970 triệu đồng).

“Xe chạy đã 10 năm nhưng tổng mức thuế, lệ phí áp như cho xe mới tinh là không hợp lý. Do phải “cõng” thêm khoảng 200 triệu đồng tiền thuế, lệ phí nên xã viên không dám nhận chuyển quyền sở hữu xe từ HTX. Không bán được xe, HTX sẽ không có tiền để mua xe mới (phải đóng trước 30% giá trị xe mới - PV)” - ông Triệu nói.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Năm 2012, khi các đơn vị xe buýt có ý kiến về đầu tư xe mới trước khi đề án 1.680 được TP thông qua, Sở GTVT đã yêu cầu họ phải xây dựng phương án đầu tư xe (số lượng xe, chủng loại, luồng tuyến, cách giải quyết số xe cũ sẽ thay thế...). Cạnh đó, Sở cũng cảnh báo trực tiếp các đơn vị là đề án đang được xây dựng, chờ xem xét nên việc được hưởng hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Sở hay không là do TP quyết định. Đơn vị tự đầu tư trước là năm ăn, năm thua. Nay Quyết định 2545 không “hồi tố” với số xe đầu tư trước 1-1-2014 là điều... đáng tiếc!

Ông DƯƠNG HỒNG THANH,
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm