Xe bồn bị thu phí oan ở đèo Cả

Từ đầu tháng 2-2014, các loại xe bồn chở xăng dầu chạy qua Trạm thu phí Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, Phú Yên) và Ninh An (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) phải đóng 60.000 đồng/lượt. Việc tăng giá phí này như “đổ thêm dầu vào lửa”, làm các doanh nghiệp vận chuyển, kinh doanh xăng dầu, các tài xế xe bồn khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên đồng loạt phản ứng cho rằng họ bị thu phí oan cho dự án hầm đường bộ đèo Cả.

Làm hầm cho xe khác, đè xe bồn ra thu

Khi qua hai trạm trên, các tài xế xe bồn có chung câu hỏi: Xe bồn vận chuyển xăng dầu sẽ không được qua đường hầm đèo Cả khi dự án hoàn thành. Vậy sao bây giờ lại thu phí hoàn vốn với xe bồn?

Tài xế Đặng Cao Hưởng (thuộc Công ty Ánh Huyền, Bình Định) nói: “Họ thu phí đối với xe bồn là hết sức vô lý. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu giải thích nhưng không ai trả lời”.

Lãnh đạo các công ty vận tải có nhiều xe bồn chạy qua hai trạm thu phí này đều cho rằng họ bị thu phí oan.


Hiện mỗi ngày có hàng trăm lượt xe bồn chở xăng dầu phải đóng phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ đèo Cả. Ảnh: TẤN LỘC 

Ông Lê Kim Hòa, Giám đốc Công ty CP Thương mại Quy Nhơn (Bình Định), nói: “Việc thu phí này là quá vô lý. Chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm rồi, bây giờ lại phải đóng thêm phí hoàn vốn cho dự án hầm đèo Cả. Trong khi sau này các loại xe bồn đâu có được qua đường hầm. Thu thế này chẳng khác nào phí chồng phí”.

Hiện mỗi ngày có hàng trăm lượt xe bồn nhận hàng từ cảng Nha Trang (Khánh Hòa) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và từ cảng Vũng Rô (huyện Đông Hòa, Phú Yên) của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) qua lại hai trạm thu phí Bàn Thạch, Ninh An.

Bộ GTVT thừa nhận bất cập

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư dự án, tất cả đường hầm trên thế giới đều không cho các xe chở chất nổ, vật liệu nguy hiểm như xăng dầu đi vào đường hầm. Hầm đường bộ đèo Cả cũng quy định như vậy. “Việc thu phí hiện nay là phần vốn đối ứng của Nhà nước tham gia vào dự án nằm trong phương án thỏa thuận giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT. Việc thu phí này là thu phí làm đường” - ông Hoàng giải thích.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý sửa chữa đường bộ Phú Yên, lại cho rằng việc thu phí hoàn vốn dự án hầm đèo Cả đối với các loại xe bồn vận chuyển xăng dầu là vô lý. “Hiện các loại xe đều chạy trên đường đèo Cả nhưng lại phải đóng phí hoàn vốn cho dự án đường hầm. Khi đường hầm đèo Cả xong, các xe bồn vẫn đi trên cung đường do công ty chúng tôi quản lý. Việc duy tu, bảo trì cung đường này phải sử dụng từ nguồn thu phí bảo trì đường bộ. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả không hề đầu tư gì trên cung đường này nhưng vẫn thu phí với xe bồn là sai” - ông Hóa nói.

Chúng tôi liên lạc với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, ông khẳng định: Việc thu phí tại hai trạm Bàn Thạch, Ninh An hiện nay là để hoàn vốn cho hợp đồng BOT xây dựng đường hầm. “Do vốn xây dựng hầm đèo Cả theo hình thức BOT quá lớn nên phải thu phí trong quá trình đầu tư xây dựng hầm. Chính phủ cho thu phí trước để sau này rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn”. Về bất cập trong việc thu phí đối với các loại xe bồn vận chuyển xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Ý kiến của báo là đúng đấy! Bộ sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để xử lý phù hợp đối với việc đóng phí hôm nay cho đường hầm sau này. Đối với xe chở xăng dầu không đi qua đường hầm, Bộ sẽ nghiên cứu, có quy định riêng để không gây thiệt hại đối với doanh nghiệp”.

Trả lời câu hỏi “Liệu có trả lại tiền cho các xe bồn đã đóng phí hoàn vốn cho dự án hầm đèo Cả”, Thứ trưởng Trường nói: “Đó là cả một vấn đề, một phương án lớn”.

TẤN LỘC

 
Dự án hầm đường bộ đèo Cả khởi công tháng 11-2012, dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2017. Từ tháng 7 và 8-2012, hai trạm thu phí Ninh An, Bàn Thạch (chỉ cách nhau 58 km) chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và tăng mức thu phí lên 1,5 lần so với trước đây. Từ ngày 1-9-2013, cả hai trạm thu phí trên đã chuyển thành trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT hầm đường bộ đèo Cả và dự kiến từ năm 2016 sẽ tăng mức thu phí lên 3,5 lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm