Xây phim trường ở hồ Dầu Tiếng sẽ làm dioxin phát tán

PGS-TS Lương Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển, khuyến cáo như trên sau khi có thông tin về dự án xây dựng phim trường rộng hơn 350 ha tại lòng hồ Dầu Tiếng. Hồ này có diện tích mặt nước hơn 270 km2, là nguồn cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, TP.HCM, Long An, Bình Dương, Bình Phước và là nơi cung cấp sản lượng cá nước ngọt khá lớn.

Cảnh báo từ loài ốc nhiễm độc

PGS-TS Lương Văn Thanh cho biết sau bốn năm làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về mức độ tồn lưu của dioxin trong môi trường hồ Dầu Tiếng (đề tài khoa học cấp quốc gia, vừa được nghiệm thu), đến nay có thể đưa ra kết luận: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lưu vực hồ Dầu Tiếng bị rải một lượng chất độc diệt cỏ rất lớn, khoảng gần 800.000 gallons, trong đó có hơn 304.006 gallons chất da cam (1 gallon = 3,785 lít).

“Lượng dioxin đã rải trong lưu vực hồ Dầu Tiếng chiếm tới 38,45% lượng chất độc đã rải. Như vậy khả năng hình thành chất độc dioxin trong lưu vực hồ là khá lớn. Theo thời gian, mưa gió và dòng chảy, dioxin lắng lại trong lớp trầm tích dưới đáy hồ” - ông Thanh giải thích.

Qua kết quả phân tích mẫu, nhóm tác giả thực hiện đề tài trên xác định nhiều loài cá ở hồ Dầu Tiếng bị nhiễm dioxin trong thịt và nội tạng. Tuy nhiên, hàm lượng dioxin trong cá rất nhỏ so với tiêu chuẩn cho phép và vẫn đảm bảo an toàn khi sử dụng làm thức ăn. Ngược lại, kết quả phân tích mẫu loài ốc đá sống ở các dòng suối đổ vào hồ Dầu Tiếng cho thấy hàm lượng dioxin gấp 1,83 lần so với tiêu chuẩn cho phép, sẽ gây độc nếu dùng làm thức ăn.

Xây phim trường ở hồ Dầu Tiếng sẽ làm dioxin phát tán ảnh 1

Việc khai thác cát và xây dựng công trình ở lòng hồ Dầu Tiếng có nguy cơ làm phát tán chất độc dioxin Ảnh: TĐ

Liệu hàm lượng dioxin có còn hiện hữu trong các dòng suối đang đổ về hồ Dầu Tiếng? PGS-TS Lương Văn Thanh cho biết trong phạm vi nghiên cứu của đề tài thì chưa đánh giá được vấn đề này. “Chúng tôi chỉ mới phân tích mẫu trầm tích dưới đáy hồ và nhận thấy càng xuống sâu thì hàm lượng dioxin tồn lưu càng nhiều”. Kết quả phân tích 20 mẫu trầm tích ở độ sâu từ 0,5 đến 1,6 m phát hiện hai mẫu có hàm lượng dioxin vượt ngưỡng cho phép. Nhóm đề xuất cần lấy thêm nhiều mẫu trầm tích ở độ sâu từ 0,7 đến 1,5 m để kiểm định thêm về mức độ tồn lưu của dioxin trong lòng hồ

Phải khảo sát tiếp mức dioxin tồn lưu

Trước những thông tin về dioxin trong trầm tích và dự án làm phim trường, ông Hà Quang Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Kênh Đông (Nhà máy nước Kênh Đông lấy nước từ hồ Dầu Tiếng để xử lý và cung cấp cho TP.HCM với công suất 200.000 m3/ngày - PV) tỏ ra rất lo ngại: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này và sẽ có ý kiến với Công ty Quản lý và Khai thác Dịch vụ Thủy lợi TP.HCM. Họ là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguồn nước sạch cho chúng tôi”.

Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác Dịch vụ Thủy lợi TP, cho rằng việc xây dựng phim trường và khu phức hợp trong lòng hồ Dầu Tiếng có thể sẽ ảnh hưởng đến an toàn về kết cấu công trình hồ cũng như tác động xấu đến chất lượng nguồn nước. Ông nói: “Vấn đề đảm bảo an toàn công trình và nguồn nước phải được đặt lên hàng đầu. Cá nhân tôi không đồng tình với việc xây dựng phim trường trong lòng hồ Dầu Tiếng”.

Theo PGS-TS Lương Văn Thanh, trong điều kiện hiện nay nên khoanh vùng và giữ nguyên hiện trạng lớp trầm tích nhiễm dioxin ở lòng hồ Dầu Tiếng để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng phát tán chất độc vào nguồn nước. Ông cảnh báo: “Nếu khai thác cát hoặc xây dựng công trình không hợp lý làm khuấy động các lớp trầm tích nhiễm dioxin thì chất độc sẽ phát tán vào nguồn nước hồ Dầu Tiếng ngày càng nhiều”.

Với dự án xây dựng phim trường ở hồ Dầu Tiếng, theo ông Thanh, khu vực dự định xây phim trường là đảo Nhím chưa được kháo sát, đánh giá về mức độ dioxin tồn lưu. Do đó để tránh nguy hiểm, cần phải khảo sát thật kỹ rồi mới đưa ra phương án xây dựng công trình này sao cho không khuấy động lòng hồ.

Kiến nghị không xây phim trường

Theo đồ án mà chủ dự án là Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) lập, toàn bộ đảo Nhím sẽ được chia làm ba phân khu. Khu thứ nhất (khoảng 119 ha) sẽ làm trung tâm sản xuất - phim trường. Khu thứ hai (khoảng 108 ha) là khu vực thực cảnh, bối cảnh phục vụ việc đóng các phim từ cổ trang đến hiện đại. Tại khu này còn được đầu tư khu vui chơi, giải trí phục vụ du khách tham quan. Khu còn lại được dùng vào việc xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp làng điện ảnh. Để đưa du khách cũng như các đoàn làm phim vào đảo Nhím, một khu vực bến tàu rộng 3 ha được quy hoạch xây dựng.

Theo báo Người Lao Động, GS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TP.HCM, cho biết hội đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT và UBND TP.HCM thông báo một số vấn đề về vận hành và quản lý hồ Dầu Tiếng. Theo đó, hồ Dầu Tiếng là một trong ba hồ thủy lợi công trình trọng điểm quốc gia, không chỉ có chức năng tưới tiêu, tạo nguồn nước cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP.HCM mà còn điều tiết lũ và đóng vai trò quan trọng trong sự an toàn của hạ du. Vì thế, việc xây dựng phim trường trên đảo Nhím là không hợp lý.

Tỉnh Tây Ninh sẽ lấy ý kiến phản biện

Hiện chúng tôi chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty AVG để thực hiện dự án xây dựng phim trường. Khi nào được sự chấp thuận của Bộ NN&PTNT, chúng tôi sẽ làm việc với UBND TP.HCM để thảo luận những vấn đề liên quan. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học rồi mới xem xét cấp phép thực hiện dự án.

NGUYỄN THỊ THU THỦY, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Dự án xây phim trường và khu du lịch ở hồ Dầu Tiếng hiện chỉ mới bắt đầu về chủ trương nên chưa khảo sát về vấn đề dioxin. Về thông tin chủ đầu tư dự án sẽ xây cầu nối từ bờ ra đảo Nhím, trước đây có một đơn vị khác có ý định xây cầu nhưng sau đó không thực hiện. Trong quy hoạch xây phim trường không có công trình này. Về việc xây bến tàu, nếu xây dựng bến tàu nổi thì không cần khoan cọc xuống đáy hồ.

Ông TRẦN HỮU HẬU, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư và Du lịch tỉnh Tây Ninh

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm