Xây đường cao tốc, dân không đi là thất bại

Một số tuyến đường cao tốc hiện nay không đạt tiêu chuẩn đường cao tốc nên phải được điều chỉnh cho phù hợp”. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhận định như trên bên lề hội nghị quản lý, khai thác đường cao tốc hôm 8-6.

Theo ông Thanh, hiện nay một số tuyến cao tốc vẫn còn lún, nứt, gồ ghề, chạy không đạt tốc độ cho phép. Các rào chắn trên đường cao tốc bị người dân phá, người dân đi bộ, xe máy vẫn chạy trên đường cao tốc… nên xe chạy trên đường rất mất an toàn. Ngoài ra, khi các tuyến đường cao tốc hoàn thành nhưng mặt đường xấu thì không cho thu phí. “Đường cao tốc xuống cấp, xe chạy không đạt được tốc độ quy định mà vẫn thu là không được” - ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng đề nghị Nhà nước phải kiểm tra tổng mức đầu tư các dự án cao tốc và có mức thu phí hợp lý. Khi làm đường cao tốc phải tính toán, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó đề cao lợi ích của người dân. “Chúng ta đầu tư con đường hàng ngàn tỉ đồng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà giới vận tải không đi, lại chọn đường tỉnh. Như vậy hiệu quả đầu tư chưa đạt, nói đúng hơn là chúng ta đã thất bại” - ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thừa nhận vẫn tồn tại những bất cập trong quản lý, khai thác đường cao tốc, đặc biệt công tác tổ chức an toàn giao thông. “Để giải quyết những vấn đề trên thì phải quy hoạch lại đường gom để tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Nếu những đường gom được xây dựng tốt, những điểm người dân phá rào sẽ tự động đóng lại, đặc biệt không có tình trạng người đi bộ, xe máy đi trên đường cao tốc” - ông Huyện nói.

Hiện có khoảng 745 km đường cao tốc, gồm 12 tuyến đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 31 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm