Xây cầu, đường bằng vốn ngoài ngân sách

“Từ khi một đoạn đường Phạm Văn Đồng (một đoạn trong dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) được thông xe, tôi không còn phải chen lấn ở khu vực ngã tư Bình Triệu, vòng qua cầu để vào quận Tân Bình làm việc nữa. Thời gian đi lại giữa nhà ở phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) và công ty giảm đi rất nhiều” - ông Đặng Thanh Hiếu chia sẻ.

Vốn ngoại rót vào cầu, đường

Ở một nhánh khác, theo hướng từ quận 9, quận 2… vào trung tâm cũng thênh thang hơn khi TP hoàn thành xây mới cầu Sài Gòn 2 và từng bước mở rộng xa lộ Hà Nội. Điều đáng nói, các dự án trên được hoàn thành bởi những dòng vốn ngoài ngân sách.

Hiện một trục đường xuyên tâm nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về quận Thủ Đức đang dần hình thành và tuyến đường mới này sẽ tạo nhiều thuận tiện cho người dân đi lại. Theo ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT, đây là công trình đầu tiên của TP và cả nước do nhà đầu tư nước ngoài (Công ty GS E&C của Hàn Quốc) thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). “Họ bỏ vốn xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng, TP có điều kiện để tập trung ngân sách cho nhiệm vụ cấp bách khác. Dự án này góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển kinh tế-xã hội” - ông Cang nhận xét.

Cầu vượt nút giao quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10 do ICICO đầu tư theo hình thức BOT hoàn thành vào cuối tháng 8-2013. Ảnh: MP

Tương tự, nhà đầu tư trong nước cũng bỏ vốn xây cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT. Đây là lần đầu tiên, TP.HCM tổ chức đấu thầu, chọn nhà đầu tư theo hình thức BT. Theo ông Dương Quang Châu, Giám đốc dự án cầu Sài Gòn 2, sự chuẩn bị kỹ càng của các nhà thầu trước khi “vào cuộc” đã đem lại kết quả dự án vượt tiến độ ba tháng, đồng thời biện pháp thi công hợp lý giúp giảm ngân sách hàng trăm tỉ đồng so với dự kiến ban đầu. Từ đó dự án củng cố niềm tin về tiến độ đi kèm chất lượng công trình trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, nhiều công trình cầu đường ì ạch, lãng phí.

Giảm áp lực ngân sách

Ngày 2-1-2014, khoảng 20 km tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ đường vành đai 2 (quận 9, TP.HCM) đến quốc lộ 51 (huyện Long Thành, Đồng Nai) được đưa vào khai thác. Nhờ đó tình trạng kẹt xe trên xa lộ Hà Nội, cầu Đồng Nai giảm đáng kể khi các dòng xe từ các tỉnh miền Tây muốn đi qua các tỉnh miền Đông hoặc ra miền Trung sử dụng lộ trình mới này. “Tôi tin là với việc thông xe đồng bộ đường vành đai đông và một đoạn đường cao tốc trên, người dân sẽ không phải chen chúc nhau trên tuyến xa lộ Hà Nội hoặc “chôn chân” trên cầu Đồng Nai hàng giờ nữa” - ông Phan Du Lam (quận 10, TP.HCM) - thường xuyên đi, về huyện Xuân Lộc, Đồng Nai phấn khởi.

“Sự đồng bộ” được đề cập ở đây là việc hình thành tuyến đường vành đai 2 cũng chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Trước tiên là đường Nguyễn Văn Linh (được Công ty Phú Mỹ Hưng đầu tư) rồi đến đường nối từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Phú Mỹ, cầu Phú Mỹ, đường vành đai đông do Công ty Cổ phần Phú Mỹ đầu tư... Về phía tây, quốc lộ 1 (từ nút giao An Sương đến An Lạc) đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng mở rộng. Đơn vị này cũng tiếp tục bỏ tiền xây hai cầu vượt tại giao lộ Bà Hom - quốc lộ 1 và tỉnh lộ 10B - quốc lộ 1 để xóa điểm nóng kẹt xe, tai nạn trước KCN Tân Tạo và Công ty Pou Yuen...

Những đoạn đường, cây cầu trên tuyến vành đai 2 này tạo thành một trục giao thông “tách” dòng xe ra khỏi nội thành. Khi đó áp lực giao thông trên nhiều trục đường nội thành sẽ giảm, góp phần quan trọng trong việc giải quyết căn bản tình trạng ùn ứ trong nội thành. Ở các đoạn còn lại của tuyến vành đai 2, như cầu Rạch Chiếc, đoạn nối từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái, từ nút giao Bình Thái đến nút giao Gò Dưa…, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, yêu cầu Sở GTVT phối hợp xây dựng, đề xuất cơ chế huy động nguồn vốn tư nhân để có thể khởi công trong năm 2014.

 

Mỗi năm cần huy động trên 11.700 tỉ đồng

Theo Giám đốc Sở GTVT  Tất Thành Cang, từ năm 2006 đến cuối năm 2012, có gần 55.500 tỉ đồng đầu tư cho xây dựng và duy tu hạ tầng giao thông, vận tải. Trong đó nguồn ngân sách của TP chỉ thu xếp được khoảng 1/3. Từ năm 2012 đến năm 2020, TP cần hơn 105.500 tỉ đồng theo hình thức BOT, BT, BTO… để bổ sung đủ vốn hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch, tức mỗi năm cần trên 11.700 tỉ đồng. Dự kiến trong giai đoạn này có 21 dự án như các bãi đậu xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn; cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành Hà Huy Giáp, cầu Rạch Chiếc, bốn tuyến đường trên cao, xe điện mặt đất số 1… được khởi công.

 MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm