Xâm nhập mặn đang lấn rất sâu vào đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 19-6,  Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mêkông Việt Nam đã diễn ra tại tỉnh Tiền Giang. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kiêm Chủ tịch Ủy ban sông Mêkông Việt Nam đã chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có ủy viên Ủy ban sông Mêkong Việt Nam thuộc các Bộ, ngành và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.

Nước thượng nguồn giảm, ĐBSCL không còn lũ lớn

Báo cáo tại hội nghị, văn phòng Ủy ban sông Mêkông Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo, lưu vực sông Mêkông hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và biến động của tự nhiên như: Phát triển thủy điện tại các quốc gia ven sông; Chuyển nước ra ngoài lưu vực; Gia tăng nhu cầu sử dụng nước; Các hoạt động khác như tàn phá rừng, nạo vét lòng sông khai thác cát cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Các thách thức trên là nguyên nhân gây biến động dòng chảy như: lũ lụt biến động bất thường, chất lượng nước suy giảm và ô nhiễm, xâm nhập mặn gia tăng; phù sa bùn cát sụt giảm gây xói lở, biến động lòng bờ, sụt lún, giảm bồi đắp; hệ sinh thái bị đe dọa do mất các loài di cư, suy thoái giống loài; cản trở giao thông thủy… Từ đó dẫn đến ảnh hưởng các ngành kinh tế như nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy và nguồn sống, sinh kế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, kể từ khi các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mê-kông đi vào vận hành thì quy luật về lũ ở ĐBSCL có sự thay đổi lớn. Theo ông Hiệp, nếu lấy mực nước ở Tân Châu (An Giang) mức lũ trung bình là 4m  làm mốc thì tính từ năm 2000 đến nay, ĐBSCL chỉ có 4 năm xảy ra lũ lớn với mực nước trên 4,5m đó là vào năm 2001, 2002, 2003 và năm 2011.

Các năm còn lại là lũ trung bình hoặc lũ nhỏ. Đặc biệt năm 2015 ĐBSCL có lũ cực nhỏ trong lịch sử với mực nước ở Tân Châu chỉ đạt 2,45m. Với những thay đổi trên, ông Hiệp dự báo trong tương lai ĐBSCL lũ lớn mà đỉnh lũ trên 4,5m tại Tân Châu hầu như sẽ không còn hoặc rất hiếm diễn ra. Mà ĐBSCL chỉ còn lại lũ vừa và lũ nhỏ.

Với việc nhiều nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkong đi vào vận hành còn làm thay đổi đáng kể đến quá trình xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Theo ông Hiệp, những năm gần đây và tiếp theo xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn. Điển hình trước đây theo quy luật mặn sẽ xâm nhập vào ĐBSCL vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3, nhưng hiện nay mặn xuất hiện chậm hơn vào tháng 4 với phạm vi ảnh hưởng sâu hơn.

Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê- kông năm 2019.

Ông Hiệp cũng cho hay, tại sông Vàm Cỏ (Long An), bình quân trước đây mặn xâm nhập sâu khoảng 65 km, nhưng đến thời điểm hiện nay khoảng 90 km (tăng khoảng 30 km). Và riêng năm 2016, năm đánh giá khô hạn gay gắt cực đoan của biến đổi khí hậu, nước từ thượng nguồn về ít đã khiến mặn xâm nhập sâu vào đất liền đến khoảng 130 km. Làm người dân còn thiếu nước ngọt sản xuất.

Còn tại các cửa sông ĐBSCL, mặn chỉ xâm nhập khoảng 35-40 km những năm gần đây lên đếnn 50 km, thậm chí xâm nhập đến 75 km (năm 2016).  

Dòng chảy thượng nguồn thay đổi lượng phù sa cũng thay đổi. Theo tính toán đến năm 2040, nếu tất cả các đập thủy điện ở thượng lưu bắt đầu hoạt động thì phù sa về ĐBSCL giảm đến 95% và gần như ĐBSCL không còn phù sa. Đây là nguy cơ thiệt hại nhiều nhất và thủy sản cũng hiếm đi. Lượng nước chảy về ĐBSCL sẽ giảm 32%.

“Khi mặn xâm nhập sẽ thay đổi toàn bộ sản xuất vùng này. Đặc biệt  độ mặn thay đổi liên tục rất khó phân 3 vùng ngọt-mặn- lợ thì rất khó kiểm soát để  tính toán cho tái cơ cấu là bài toán khó”- Ông Hiệp nói.

Cần khai thác chung dòng sông Mê -kông hợp lý

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, là một trong các tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Mê-kông, Tiền Giang đã và đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức do biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nguồn nước các quốc gia thượng nguồn sông Mê-kong.

“Đây là thách thức đáng lo ngại đối với tỉnh Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Những tác động này làm cho ĐBSCL có thời điểm thiếu nước trầm trọng ảnh hưởng đến nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ như đã từng xảy ra trước đây và nhất là năm 2016”, ông Hưởng nói.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng bày tỏ lo lắng, trước đây thượng nguồn chưa thay đổi thì ĐBSCL còn phù sa, nay thượng nguồn thay đổi, thì phù sa mất đi, quy luật lở và bồi cũng thay đổi theo. Theo ông Sử, qua số liệu thống kê của các nhà khoa học theo dõi từ năm 1900 đến nay, bờ biển của tỉnh Cà Mau được bồi thêm 25.000 ha nhưng diện tích mất đi khoảng 36.000 ha.

“Tôi thấy rằng hệ sinh thái đang thay đổi rất nhanh từ tác động thượng nguồn, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Vì vậy khi chúng ta đặt ra quy hoạch thủy lợi nếu chúng ta đầu tư chậm thì quy hoạch sẽ trở nên vô nghĩa”- Ông Sử nói.

Theo Chủ tịch Ủy ban sông Mêkông, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của chính phủ, nhận thức chung của toàn xã hội về các thách thức, tư duy phát triển bền vững ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến rất lớn, tích cực về nhận thức. Song, mặt tiêu cực, tổn thương đối với ĐBSCL vẫn còn chưa được khắc phục.

Chính vì vậy cần khẳng định vị trí chức năng nhiệm vụ đối với Ủy ban sông Mêkông Việt Nam. Theo Bộ trưởng, các quốc gia trong lưu vực sông Mê-kông cần phải cộng đồng trách nhiệm chung. Việt Nam sẽ vận động một số nước tham gia vào Ủy hội sông Mê-kông quốc tế.

Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức, có trách nhiệm với dòng sông Mê-kông; kịp thời giải quyết những vấn đề chung, tác động của dòng sông này.  

Sông Mê-kông là một trong những dòng sông lớn nhất trên thế giới, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Vùng Hạ lưu vực sông Mê-kông (không kể Trung Quốc và Myanma) có khoảng 65 triệu người, trong đó khoảng 85% phụ thuộc vào nguồn nước Mê-kông.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm