Vứt xác gia cầm chết xuống kênh

Sáng 11-2, ngay miệng cống của kênh TN17-21 thuộc ấp An Điền (xã An Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh) lại xuất hiện thêm nhiều bao xác vịt lềnh bềnh tấp vào miệng cống. Nhận được tin báo, ông Đặng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện và một số ngành chức năng đã đến hiện trường, chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện đến tiêu hủy, khử trùng tại chỗ.

Ông Đặng Thanh Hải cho biết: “Từ ngày 4-2 đến nay, tại xã An Bình đã vớt và tiêu hủy gần 100 bao gà, vịt thả xuống kênh TN17-21. Thượng nguồn của kênh đi từ huyện Tân Biên rồi mới đến Châu Thành, hiện vẫn chưa xác định được người dân ở địa phương nào quăng xác gia cầm chết xuống kênh”.

Từ 29 tết (ngày 29-1) đến nay, huyện Châu Thành đã phát hiện hai ổ dịch cúm A/H5N1, tiêu hủy hai đàn vịt hơn 1.000 con. Là điểm nóng dịch cúm nhưng người dân huyện Châu Thành còn khá thờ ơ với  phòng, chống dịch. Theo phản ánh của nhiều người dân sống cạnh tuyến kênh TN17-21, từ mùng 1 tết đến nay, ngày nào cũng có vài bao xác vịt bị vứt xuống kênh, tấp lại ở các đoạn đầu cống gây ô nhiễm, hôi thối.

Sáng 11-2 lại có thêm nhiều bao xác vịt tấp lại ở miệng cống kênh TN17-21 (Tây Ninh). Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Ngoài các bao gia cầm chết bị vứt xuống kênh từ thượng nguồn, còn có nhiều người chở các bọc gà, vịt chết từ nơi khác lén thả xuống kênh vào buổi tối hoặc tờ mờ sáng. Nhiều bọc gà, vịt chết còn mắc kẹt lại trên bờ, bị phân hủy rất hôi thối, người dân ở đây gom lại đem đốt hoặc lại… đẩy xuống kênh (đoạn nước chảy mạnh) cho trôi tiếp.

Trước tình trạng người dân tùy tiện quăng xác gia cầm xuống kênh, huyện Châu Thành đã làm việc với Xí nghiệp thủy lợi huyện Châu Thành, dùng biện pháp đóng lưới chắn ở ba xã Đồng Khởi, Thái Bình, An Bình trên tuyến kênh TN17-21. Xác gia cầm bị lưới chắn lại ở xã nào, xã đó phải xử lý.

Ba xã kể trên cũng đã thành lập ba tổ xử lý gia cầm chết theo chỉ đạo của UBND huyện Châu Thành. Các tổ này có nhiệm vụ theo dõi kênh mương, xử lý ngay những điểm có gia cầm chết, tiêu độc khử trùng tại chỗ.

l Chiều 11-2, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đã tổ chức tiêu hủy thêm một đàn gà 900 con của gia đình anh Lê Văn Huệ ở thôn An Thường, xã Phổ Hòa. Đến thời điểm này, huyện Đức Phổ có trên 5.000 con gà, vịt bị chết. Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cấp hóa chất và vaccine cho huyện Đức Phổ để tập trung dập dịch, ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát.

l Còn tại Kon Tum, đàn gà khoảng 100 con của gia đình ông Phan Thanh Long (trú tổ 4, phường Ngô Mây, TP Kon Tum) đã được tiêu hủy sau khi có kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Trước đó, ngày 6-2, gia đình ông Long phát hiện đàn gà gần 600 con có dấu hiệu bị bệnh cúm, đến ngày 8-2, một số con lăn ra chết và số gà chết lên tới hơn 470. Chị Lường Thị Hiên, Trưởng ban Thú y cơ sở phường Ngô Mây, sau khi tiếp xúc với ổ dịch này đã có triệu chứng sốt, mệt mỏi và đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Kon Tum, nghi bị nhiễm bệnh cúm A/H5N1.

l Hiện dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên đàn vịt tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam. Các đàn vịt bị bệnh đã được tổ chức tiêu hủy và áp dụng các biện pháp bao vây khống chế. Tuy nhiên, hiện tỉnh này đang bước vào thời điểm chăn nuôi tái đàn, số lượng gia cầm nuôi mới nhiều, bên cạnh đó gần 4 triệu con gia cầm trên địa bàn đến nay vẫn chưa tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh  bùng phát rất lớn.

NHÓM PV - CTV

 

Nhiều chủng cúm cùng lưu hành

Ngày 11-2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện nay có nhiều chủng cúm cùng lưu hành, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa đông-xuân là điều kiện thuận lợi cho các chủng cúm phát triển. Ông Phu cho biết qua giám sát, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết có gần 70% số mẫu gia cầm, đặc biệt là đàn vịt chạy đồng ở phía Nam có dương tính với cúm A/H5N1. Trên 60% các điểm chợ lấy mẫu có dương tính với cúm A/H5N1. “Việc này cho thấy khả năng bùng phát dịch cúm là rất lớn. Nếu chúng ta không giám sát chặt chẽ và quản lý tốt dịch trên gia cầm thì chắc chắn không giải quyết được dịch trên người” - ông Phu nhận định.

Bên cạnh đó, dịch cúm A/H7N9 đang tiến rất gần khi tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) phát hiện virus cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã ghi nhận 330 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 65 trường hợp tử vong.

Cúm A/H7N9 xuất hiện trên đàn gia cầm nhưng không biểu hiện bệnh cho đàn gia cầm. Hiện tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa đưa ra khuyến cáo về việc hạn chế đi lại, thương mại nhưng khuyến cáo khách du lịch khi đi đến những vùng dịch thì không nên đến các chợ gia cầm, tiếp xúc với gia cầm. “Việt Nam và WHO đang theo dõi xem có sự kết hợp của các virus thành chủng mới có độc lực cao hay không” - ông Phu nói.

TP.HCM còn 36 điểm kinh doanh gia cầm trái phép

UBND TP.HCM vừa có chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP, hiện vẫn còn tồn tại 36 điểm kinh doanh gia cầm trái phép tại 11 quận/huyện. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý triệt để, một bộ phận người dân thờ ơ trước thông tin dịch cúm đang có nguy cơ bùng phát và gây tử vong cho người.

UBND TP.HCM yêu cầu các quận/huyện và sở/ngành liên quan phối hợp, tăng cường lực lượng kiểm tra phòng, chống dịch cúm gia cầm và quyết liệt ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân TP về dịch cúm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm