Vụ phân bón Thuận Phong: Phải xử lý đúng bản chất!

Như chúng tôi đã thông tin trên số báo trước, việc xử lý vi phạm của Công ty Cổ phần Sản xuất-Thương mại Thuận Phong (gọi tắt là Công ty Thuận Phong, trụ sở ở Đồng Nai) đã tiếp tục được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-10.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hỏi nói: “Chúng tôi tin vụ việc này sẽ được xử lý theo đúng tinh thần của pháp luật, mang lại sự thật mà nhân dân, các doanh nghiệp làm ăn chân chính quan tâm”.

Xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389). Ông Hùng là tổ trưởng tổ công tác liên ngành kiểm tra Công ty Thuận Phong vào ngày 24-4-2015.

Ông Trần Hùng nói: “Không xử lý nghiêm vụ Công ty Thuận Phong, kỷ cương phép nước bị thách thức”.

Dấu hiệu sai phạm đã rõ

. Phóng viên: Vậy vụ việc kiểm tra được thực hiện thế nào, phía Công ty Thuận Phong cho rằng bị oan nên từng kêu cứu lên Chính phủ là sao, thưa ông?

+ Ông Trần Hùng: Ngày 24-4-2015, đoàn liên ngành gồm đại diện BCĐ 389 quốc gia, BCĐ 389 tỉnh Đồng Nai cùng BCĐ 389 Bộ Quốc phòng đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong.

Tại biên bản vi phạm lập tại chỗ có sự chứng kiến của tất cả thành viên tham gia (công an, thanh tra Sở NN&PTNT, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai), đại diện Công ty Thuận Phong đã ký xác nhận vào biên bản: Giả mạo về nguồn gốc hàng hóa; nơi sản xuất, đóng gói (theo quy định tại điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng) với số lượng rất lớn về tem, nhãn hàng hóa giả mạo nguồn gốc “Made in USA”.

Sau đó, 29 mẫu phân bón của công ty bị thu giữ khi kiểm tra được gửi đi giám định chất lượng. Theo thông báo kết quả giám định, có đến 19/29 mẫu không phù hợp, kém chất lượng. Tất cả 19 mẫu này đều có chất định lượng chính dưới 70% so với công bố của Công ty Thuận Phong trên bao bì sản phẩm. Cụ thể, công ty công bố sản phẩm vi lượng kẽm (Zn) ghi trên bao bì là 15.000 ppm, kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt có 1.310 ppm (chưa đạt 10%). Sản phẩm công ty sản xuất ra với khối lượng rất lớn mà chất lượng quá kém so với công bố ghi trên sản phẩm, bao bì tiêu thụ trên thị trường. Đây là hành vi sản xuất phân bón giả với quy mô lớn.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra sai phạm của Công ty Thuận Phong vào tháng 4-2015. Ảnh: TL

. Được biết nhiều bộ, ngành khác đã vào cuộc cùng kiểm tra, thẩm định vụ việc này, kết quả đó cụ thể ra sao?

+ Theo thông tin tôi nắm được, Bộ KH&CN đã kết luận rõ về “ý kiến phản biện” của Công ty Thuận Phong. Cụ thể là: Hợp đồng phân phối độc quyền giữa Công ty Bio Huma Netics (Mỹ) và Công ty Thuận Phong theo quy định Luật Doanh nghiệp là không có giá trị pháp lý tại Việt Nam.

Do vậy, việc Công ty Thuận Phong đóng chai, dán nhãn chính bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện sản phẩm được sản xuất tại Mỹ là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa; giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.

Chiếu theo Nghị định 185/2013 nêu trên thì hàng hóa như trên của Thuận Phong là hàng giả.

Mặt khác, qua hồ sơ nhập khẩu tại hải quan cảng Cát Lái, TP.HCM thể hiện tất cả sản phẩm phân bón nhập về đều là phân bón rễ. Tuy nhiên, tại một kết luận của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) lại chỉ rõ: Khi nhập về phải ghi rõ phân bón “rễ” nhưng Công ty Thuận Phong lại ghi trên sản phẩm là phân bón “lá”. Đây là giả mạo về công dụng, rất nguy hại cho cây trồng.

Vụ phân bón Thuận Phong: Phải xử lý đúng bản chất! ảnh 3

Quyết định xử phạt hành chính Công ty Thuận Phong về hành vi sản xuất phân bón giả ở An Giang năm 2013. Ảnh: NĐ

Một chi tiết rất đáng lưu ý nữa là Công ty Thuận Phong từng bị xử phạt hành chính về hành vi sản xuất phân bón giả. Cụ thể tại Quyết định số 47/QĐ-XPHC ngày 3-4-2013 do Phó Chủ tịch tỉnh An Giang khi đó - ông Huỳnh Thế Năng ký đã xử phạt Công ty Thuận Phong số tiền là 45 triệu đồng về hành vi này.

Tạo ra những tiền lệ xấu nếu không xử lý nghiêm minh

Theo tôi, nếu không xử lý nghiêm minh sẽ không thể lập lại trật tự quản lý nhà nước về phân bón. Tất cả công ty sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ lấy vụ Thuận Phong làm tiền lệ, rất nguy hiểm. Kiểu như cùng lắm chấp nhận chi phí mất vài trăm triệu đồng tiền phạt hành chính là xong, còn thì tha hồ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không sợ bị xử lý hình sự.

Các công ty sản xuất phân bón chân chính sẽ bị nạn sản xuất phân bón giả phá hoại dẫn đến phá sản. Bởi vì họ làm ăn bài bản, đầu tư nghiêm túc, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao và họ khó cạnh tranh với nạn sản xuất phân bón giả như hiện nay.

Vì tất cả điều trên, thiết nghĩ phải nhanh chóng lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh phân bón!

Ông Trần HùngPhó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại
và hàng giả 
(BCĐ 389)

Đã nhiều lần chỉ đạo xử lý

. Vậy ông vẫn khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả?

+ Đối chiếu với các sai phạm của Thuận Phong, chúng ta thấy rõ các sai phạm về việc sản xuất hàng giả với số lượng rất lớn. Bản thân công ty này cũng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi sản xuất phân bón giả.

. Thưa ông, vụ việc đã kéo dài mấy năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đồng thời kiêm nhiệm trưởng BCĐ 389) và sau này Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhiều lần chỉ đạo, gần đây nhất là việc hủy quyết định không khởi tố vụ án, phục hồi điều tra. Vậy trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào mà để kéo dài như thế?

+ Với chứng cứ phạm pháp quả tang quá rõ ràng, việc xử lý vẫn còn nhì nhằng là có vấn đề.

Tôi nhớ không nhầm thì trước đây Phó Thủ tướng - nay là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần trực tiếp chỉ đạo xác định rõ các sai phạm, yêu cầu phải xử lý nghiêm vụ việc, lấy lại niềm tin cho nông dân.

Rồi hai lần Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chủ trì cuộc họp với lãnh đạo bảy bộ, ban, ngành cơ quan trung ương họp, trưng cầu ý kiến của từng bộ, ngành. Phó Thủ tướng yêu cầu không để oan, sai và cũng không bỏ lọt tội phạm, bảo đảm công bằng trước pháp luật.

Theo tôi được biết, trong một văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại một cuộc họp với các bên (tháng 11-2016) nêu rõ là đồng ý với ý kiến các bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng…) về việc Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.

. Xin cám ơn ông.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013, “hàng giả” gồm:

- Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì giả.

(….)

Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng: Thuận Phong gắn nhãn gốc bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện rõ đây là phân bón Mỹ nhập khẩu lên các sản phẩm là hành vi sản xuất hàng giả, thuộc trường hợp số lượng lớn, có dấu hiệu cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 158 BLHS 1999. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn nói việc đóng chai, dán nhãn của Công ty Thuận Phong như trên không đúng với nội dung đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có dấu hiệu cấu thành tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 BLHS 1999. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm