Vụ phá rừng pơ mu, kiểm lâm xin rút khỏi rừng biên

Tại hội nghị thường niên đánh giá tình hình thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Lào tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 30-8, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, cho rằng việc phát hiện chậm vụ phá rừng pơ mu tại vùng biên giới Quảng Nam với Lào một phần do việc tuần tra khu vực biên giới không được thường xuyên và có tư tưởng chủ quan. “Chúng tôi đã đề xuất giao việc quản lý rừng vùng biên giới cho bộ đội biên phòng quản lý. Biên phòng đã được giao quản lý vùng biên nên giao họ quản lý rừng luôn. Việc này sẽ xác định được nhiệm vụ cụ thể về quản lý, quy chế phối hợp và chịu trách nhiệm khi xảy ra phá rừng” - ông Tuấn nói.

Lập lại kỷ cương trong quản lý rừng

Trước đề xuất này, Pháp Luật TP.HCMđã trao đổi với ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm Việt Nam.

. Phóng viên:Thưa ông, ông đánh giá gì về đề xuất giao lực lượng biên phòng quản lý luôn rừng vùng biên giới?

+ Ông Đỗ Trọng Kim (ảnh): Chúng tôi đồng tình với đề xuất này. Cục Kiểm lâm Việt Nam đã có văn bản yêu cầu kiểm lâm các địa phương tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và hiện trạng rừng khu vực tuyến biên giới. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất để giao rừng ở các khu vực biên giới, tuyến biên giới cho bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ và chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra mất rừng.

. Rừng vùng biên vốn rất phong phú, đặc biệt là biên giới Việt Nam-Lào. Cục Kiểm lâm Việt Nam đã làm gì sau chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng?

+ Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Thủ tướng. Theo kế hoạch, chúng tôi phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng liên quan để làm giảm thiểu được tình trạng vi phạm đến tài nguyên rừng.

. Vậy ông đánh giá như thế nào về vụ phá rừng pơ mu quy mô lớn xảy ra tại biên giới Việt-Lào mà Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố? Vai trò của lực lượng kiểm lâm trong vụ việc này?

+ Mức độ vi phạm trong vụ việc là rất nghiêm trọng. Về phía Cục Kiểm lâm Việt Nam, chúng tôi đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, phối hợp với các ngành chức năng để tích cực điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định. Vi phạm đến đâu là sẽ xử lý nghiêm nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý rừng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bên một gốc cây pơ mu bị chặt phá trái phép. Ảnh: HT

Phối hợp với Lào ngăn ngừa vi phạm vùng biên

. Cục Kiểm lâm Việt Nam và Lào đã làm được gì trong việc quản lý rừng vùng biên thời gian qua, thưa ông?

+ Cục Kiểm lâm Việt Nam và Lào đã ký biên bản hợp tác, ghi nhớ từ tháng 5-2012. Việc thực hiện bảy nội dung đã ký kết giữa hai bên nhìn chung được triển khai khá tốt. Đặc biệt là trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống và ngăn ngừa các hành vi khai thác, buôn bán vận chuyển gỗ, lâm sản, động vật trái phép tại các tuyến biên giới tiếp giáp 10 tỉnh Việt Nam-Lào.

. Nhưng việc quản lý rừng vùng biên giữa hai nước còn tồn tại, để xảy ra mất rừng sẽ được khắc phục ra sao?

+ Khu vực đường biên nằm xa khu dân cư, cuộc sống bà con khu vực biên giới cũng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng. Mặt khác, chúng tôi sẽ phối hợp với công an, quân đội, hải quan… cùng các bạn Lào thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nghiêm việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ sang tuyến biên giới.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện một số chính sách mới về lâm nghiệp để bà con khu vực biên giới cải thiện đời sống nhằm hạn chế phá và tiếp tay cho phá rừng.

. Xin cám ơn ông.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Thủ tướng đã yêu cầu làm rõ vụ phá rừng pơ mu lớn chưa từng có xảy ra tại vùng biên giới Quảng Nam. Hiện Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan và một số đối tượng đã ra đầu thú.

Cụ thể, ngày 9-7, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp kiểm tra khu vực biên giới, phát hiện 280 phách gỗ pơ mu cách trạm cửa khẩu Nam Giang khoảng 500 m. Công an còn phát hiện nhiều phách gỗ pơ mu ở sát trạm biên phòng và trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Mới đây lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 164 phách gỗ pơ mu đang được vận chuyển ra khỏi rừng.

________________________________

1.435 ha rừng trên cả nước bị phá từ đầu năm 2015 đến tháng 7-2016. Có 3.177 vụ phá rừng trái phép được phát hiện.

Theo Cục Kiểm lâm Việt Nam, các địa phương, kiểm lâm, thanh tra lâm nghiệp không phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, tình trạng buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã qua biên giới Việt-Lào còn phức tạp. Các đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã có dấu hiệu liên kết thành mạng lưới xuyên quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm