Vụ “Phá nhà máy thủy sản ở Sóc Trăng”: Nạn nhân đòi khởi tố nguyên trưởng công an huyện

Sáng 19-3, TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ngày xét xử thứ hai vụ cưỡng đoạt tài sản Nhà máy thủy sản Vạn Hưng. Tại phiên tòa, luật sư và người bị hại đề nghị khởi tố ông Nguyễn Quốc Văn (nguyên Trưởng Công an huyện Vĩnh Châu, nay là thị xã Vĩnh Châu) vì liên quan đến vụ án. Sau khi xem xét, HĐXX quyết định nghị án kéo dài vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp...

Không chấp nhận đề nghị khởi tố

“Bản chất của vụ án nằm ở ông Văn. Nếu không có sự nhúng tay của ông thì sự việc phạm tội hôm nay đã không diễn ra. Đề nghị VKS truy tố ông Văn tội lạm dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” - người bị hại và luật sư khơi mào tranh luận.

Công tố viên phản bác: “Đề nghị trên là thiếu căn cứ”.

Tiếp đó, công tố viên lý giải: “Kết quả điều tra ban đầu cho thấy ông Văn có dính líu đến vụ án. Khi được báo có việc cưỡng đoạt tài sản, với cương vị của mình, ông Văn phải cử lực lượng đến xử lý, bảo vệ tài sản cho Vạn Hưng nhưng ông đã không làm tròn trách nhiệm. Tuy nhiên, như kết luận điều tra bổ sung, hành vi của ông Văn không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau vụ việc, ông Văn đã bị tạm đình chỉ chức vụ, điều về ban tổ chức công an tỉnh chờ xử lý. Từ đó, chúng tôi khẳng định đến thời điểm này vẫn chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Văn”.

Vụ “Phá nhà máy thủy sản ở Sóc Trăng”: Nạn nhân đòi khởi tố nguyên trưởng công an huyện ảnh 1

Bị cáo Tùng khóc khi nói lời sau cùng. Ảnh: TV

Luật sư của nạn nhân phản biện: “Chúng tôi không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Điều này cũng chưa đúng với đạo đức nghề nghiệp luật sư. Nhưng dựa trên những đoạn ghi âm, kết quả điều tra, tôi cảm thấy ông Văn là nguồn gốc của vụ án này. Hai bị cáo hôm nay sẽ không phạm tội nếu không có ông Văn ở sau lưng. Để bảo vệ pháp luật, để bản chất vụ án được phơi bày, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị xem xét khởi tố ông Văn”.

Một lần nữa, công tố viên bác bỏ yêu cầu này của luật sư.

Tranh luận căn cứ buộc tội

Tiếp tục phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Mai và Võ Thanh Tùng cùng cho rằng không đủ cơ sở kết tội hai bị cáo. Theo luật sư, hai bị cáo không đe dọa, không dùng thủ đoạn ép buộc chủ Nhà máy Vạn Hưng để lấy tài sản; việc tháo gỡ tài sản là có sự đồng ý của ông Khưu Chí Thức (lúc đó là phó giám đốc của Vạn Hưng)...

Riêng người bị hại và luật sư của mình thì chỉ xin miễn giảm tội cho cả hai bị cáo.

Tuy nhiên, công tố viên khẳng định: “Không đủ bằng chứng cho thấy phía Vạn Hưng gọi điện thoại cho phép hai bị cáo được gỡ máy móc, thiết bị. Trong khi bằng chứng về việc nhà máy bị cưỡng đoạt rất rõ. Đó là khi được báo, công an xã xuống hiện trường lập biên bản vụ việc, buộc Mai, Tùng cam kết không được tháo gỡ nhà máy vì thủ tục sang bán chưa hoàn tất và chủ nhà máy chưa đồng thuận bàn giao nhà máy cho cả hai bị cáo. Thế nhưng hai bị cáo vẫn tiếp tục tháo gỡ khi công an xã không có mặt ở hiện trường”.

Cuối cùng, công tố viên kết luận: Phía Vạn Hưng có lỗi trước vì cố tình kéo dài việc trả nợ cho các bị cáo. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ, cộng với một số tình tiết giảm nhẹ khác, đề nghị tòa xử phạt bị cáo Mai 13-14 năm tù cho cả hai tội là hủy hoại tài sản (có giá trị 6 triệu đồng) và cưỡng đoạt tài sản (1,8 tỉ đồng). Phạt bị cáo Tùng 3-4 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản (có giá trị 70 triệu đồng).

Công tố viên đề nghị tách phần dân sự ra xử ở một vụ án khác (trong khi luật sư của người bị hại thì đề nghị xử lý luôn tại vụ án này)...

Bị truy cứu từ chuyện gỡ máy móc đòi nợ

Hồ sơ thể hiện đòi tiền nợ cá không được, ngày 18-2-2011, bị cáo Mai cho người đến gỡ máy móc, thiết bị của Nhà máy Vạn Hưng. Bị cáo Tùng (cũng là chủ nợ của Vạn Hưng) thấy vậy cũng làm theo...

Để bảo vệ quyền lợi, Vạn Hưng tìm đến Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Đầu tháng 3-2011, báo có vệt bài điều tra liên quan đến vụ việc. Sau đó, Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án như nêu trên.

Quá trình điều tra, nạn nhân cung cấp nhiều chứng cứ thể hiện ông Nguyễn Quốc Văn can dự vào vụ án. Cụ thể, ông tham gia bàn bạc việc mua bán Nhà máy Vạn Hưng giữa bị cáo Mai và Vạn Hưng; cho bị cáo Mai mượn 20 triệu đồng để đặt cọc mua bán; tham gia soạn thảo hợp đồng mua bán và gọi điện thoại kêu phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu đến ký xác nhận hợp đồng, đóng dấu.

Vụ “Phá nhà máy thủy sản ở Sóc Trăng”: Nạn nhân đòi khởi tố nguyên trưởng công an huyện ảnh 2

Những thiết bị nặng hàng tấn tại Nhà máy Vạn Hưng bị Mai tháo gỡ. Ảnh: TV

Hai nhân chứng xác nhận chính ông Văn gọi điện thoại mượn xe cẩu của Điện lực Vĩnh Châu đi cẩu hàng và sau đó chiếc xe này đã đến giúp bị cáo Mai cẩu các thiết bị của Vạn Hưng. Người thợ trực tiếp gỡ máy móc Vạn Hưng tên Ngô Minh Duy xác nhận với Vạn Hưng rằng được ông Văn thuê đến tháo gỡ máy móc, thiết bị đơn vị này. Ngoài ra, ông Đỗ Văn Ngọc (nhân chứng, cũng là người liên quan trong vụ án) khẳng định ông Văn đã tìm đến nhà máy định bắt người điện thoại báo tin tháo gỡ nhà máy cho giám đốc công an tỉnh. Thế nhưng cơ quan tố tụng đều cho rằng ông Văn không phạm tội.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND tỉnh đã yêu cầu VKS cùng cấp điều tra bổ sung xác định ông Văn có phải là đồng phạm với bị cáo Mai hay không. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và VKS cho rằng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Văn như đã đề cập ở trên...

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm